1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Có một Huế khó nên thơ

(Dân trí) - Tôi chỉ là một lữ khách ghé qua, lưu lại Huế một ngày. Ðêm tôi đi lang thang dưới mưa, ngồi nhâm nhi ly bia bên bờ sông Hương, sát cầu Phú Xuân, lang thang trong Đại Nội và cảm nhận được lịch sử như tái hiện đâu đây với võng lọng của vua quan, với tiếng vó ngựa, tiếng loa truyền.

Không có nhiều thời gian để thưởng thức những đặc sản của Huế tôi chỉ kịp đến quán của ông Vĩnh Phan, một người trong dòng dõi hoàng tộc nay trở thành ông chủ quán bún bò Huế nổi tiếng xứ Huế.

Và ai đến Huế cũng phải dành thời gian để vào chợ Đông Ba, sánh vai chợ Bến Thành hay chợ Đồng Xuân. Và những người bán hàng trong chợ Đông Ba thì rất thân thiện, đáng mến.

Tà áo dài phấp phỏng

Hơn 17 giờ, chúng tôi mới vào Đại Nội. Người đạp xích lô ra giá 10.000 đồng cả đưa đến, ngồi chờ và đưa về chỗ cũ. Thật là quá rẻ so với xích lô Hà Nội. Cũng chẳng có tình trạng sau đó “móc” tiền thêm của khách. Đưa bao nhiêu cũng cảm ơn và không vòi vĩnh thêm.

Vào cửa Đại Nội chúng tôi hỏi một cô gái ngồi bán vé trong tà áo dài màu hồng nom khá xinh: Khách hôm nay có đông không? Dạ khoảng 400. Như vậy sẽ thu được khoảng 12 triệu đồng tiền vé.

Nếu lấy tiền vé để bù lại việc trùng tu Đại Nội thì chẳng bao giờ đủ bởi theo một quan chức của Sở VH-TT thành phố Huế thì để trùng tu rất nhiều chỗ trong Đại Nội bị đổ nát cũng phải mất cả trăm tỉ đồng.

Khi Đại Nội đóng cửa, lúc đứng ở gần chỗ vạc đồng tôi bỗng thấy tà áo dài hồng ban nãy mải miết đi vào phía trong khu nhà ở của BQL Đại Nội. Tôi vội tiến đến định làm một cuộc trò chuyện nho nhỏ. Trên tay cô gái là cái cặp. Tôi đưa máy ảnh lên và không nghĩ rằng đã làm cô sợ. Nàng vội vàng đi rất nhanh, tay ôm chặt chiếc cặp. Tôi hiểu trong cái cặp đó là vé và 12 triệu đồng tiền vé hôm đó mà nàng phải quản lý.

Trong buổi chiều mà toàn những kẻ hiếu kỳ như tôi và những ông Tây, bà đầm thì bóng tà áo dài thướt tha (dù phải đi rất nhanh) cũng khiến tôi và Đại Nội như bớt đi được cái thâm u, cô tịch.

Kẻ “móc túi” bên chợ Đông Ba

Nếu đi từ bên phía đường Trần Phú, qua cầu Phú Xuân là nhìn thấy chợ Đông Ba. Chúng tôi loay hoay mãi mới tìm được chỗ gửi xe để vào chợ. Thật lạ là chẳng có cái ôtô nào gửi ở đây. Gã trông giữ xe, nhìn chúng tôi với vẻ lạ hoắc rồi chỉ cho một chỗ đỗ ôtô. Có cần lấy vé không? Khỏi cần.

Chợ Đông Ba có lẽ náo nhiệt hơn cả chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Đi chỗ nào cũng thấy bán đặc sản kẹo mè xửng, tôm chua, những đặc sản của xứ Huế. Người Huế mời khách một cách ngọt ngào chứ không chát chúa như người Hà Nội, cũng không quá nhanh nhẹn như người Sài Gòn.

Sự ngọt ngào khiến chúng tôi như muốn mua mọi thứ. Mè xửng, tôm chua, rồi cả nón Huế. Những chiếc nón nhỏ giá 15.000 đồng, nón lớn 25.000 đồng được khách các nơi rất ưa chuộng, nhất là khách Tây.

Vòng vèo một hồi chúng tôi đến khu  vực bán dừa. Dừa ở Huế rất tươi và ngọt, cùi mỏng và rất dẻo. Giá 5.000 đồng một trái. Cô gái bán dừa có lẽ vì mệt nên tranh thủ ngủ. Đầu của cô gục xuống, nhưng ngay cả cái dáng ngủ ngồi cũng có cái vẻ gì đó rất Huế. Tôi vội chụp một tấm ảnh trước khi cô tỉnh dậy.

Ra khỏi chợ với rất nhiều cảm xúc bởi sự dịu dàng của Huế, bỗng thấy gã thu tiền xe tiến lại rồi nói: Anh cho xin 20.000 đồng. Chưa nơi nào ở VN lại lấy tiền gửi xe đắt như thế. Nhưng có lẽ chúng tôi đi xe biển 29 (Hà Nội) và nom có vẻ dễ kiếm chác hay bắt chẹt nên anh ta sẵn sàng móc túi mà chẳng cần đến chút sĩ diện Huế tí nào cả.

Đưa tiền cho anh ta tôi cảm giác như mình vừa bị "móc túi" một cách trắng trợn.

Trên dòng Hương Giang

Buổi tối, thật thú vị khi giữa cái nóng oi ả, chúng tôi ngồi bên dòng Hương Giang đón gió mát và ngắm những con thuyền đưa khách du lịch trôi trên dòng sông. Nhưng dạo này du khách bắt đầu cảm thấy nhàm chán với việc đi trên một chiếc thuyền máy nổ phành phạch và mùi dầu máy bốc lên nồng nặc.

Cũng vẫn có một vài vũ công hay ca công hát các điệu hò Huế thuyền nhưng có lẽ rất khó tìm được người hát hay nên du khách dần chán. Ngay cả như chúng tôi, tá túc trong một nhà trọ trên đường Nguyễn Sinh Cung sát bến thuyền du lịch của khách sạn Hương Giang nhưng cũng chỉ thấy hàng chục con thuyền lững lờ đợi khách.

Buổi tối, khá nhiều du khách nước ngoài chọn một cách thưởng ngoạn hay hơn là lang thang vào các phố dọc theo bờ sông và nhâm nhi li bia và vài thứ đồ nhắm.

Dòng Hương Giang đã bắt đầu bị ô nhiễm khá nặng nề. Rác thải tha hồ vứt xuống dòng nước và hàng trăm con tầu tô xanh, tô đỏ chạy khắp nơi. Có lẽ thích hợp nhất với sông Hương là chèo thuyền. Những con thuyền nhỏ, không có tiếng máy, chỉ có tiếng mái chèo khua nước, sẽ khiến Hương Giang đẹp và thơ mộng hơn rất nhiều.

Chị Hoà, một người phục vụ trên con tầu du lịch có số hiệu HG 574 than thở: "Dạo này khách chẳng đi tầu mấy. Có khi mấy ngày mới có vài khách".

Ngày chúng tôi rời Huế, không biết đường ra phía Quảng Trị, liền hỏi một anh cảnh sát giao thông đang đứng gần cầu Phú Xuân. Ui cha, anh cảnh sát này chỉ dẫn rất tận tình, nào đi thẳng, rồi nhớ rẽ trái chỗ đường tàu, rồi nhìn cái biển báo hiệu và đi tiếp...

Thế thì làm sao lại không yêu Huế cho được!

Có một Huế khó nên thơ - 1

Tà áo dài trong Đại Nội. 

Có một Huế khó nên thơ - 2

Những người làm Nón Huế.

Có một Huế khó nên thơ - 3

Cái dáng ngủ ngồi cũng có cái vẻ gì đó rất Huế.

Đức Trung