Phù phép làm “bay” núi Hồ:

Chính quyền huyện lấy vải thư che mắt thành phố

Một này cuối năm 2014, truyền hình Hải Phòng đưa lên sóng cuộc làm việc giữa giới lãnh đạo thành phố và các doanh nghiệp. Ông giám đốc của Cty CP Xây lắp Thương mại lên tiếng kể khổ đã mất 8 năm công văn đi lại với hơn 100 con dấu mà vẫn chưa được cấp phép khai thác một cái núi đất!. Trong khi đó thì “đất tặc” chẳng cần mất nhiều thời gian, công sức như vậy!

Lên bộ, xuống xã

Thủy Nguyên là một huyện có rất nhiều tiềm năng kinh tế ở đất Hải Phòng. Khoảng 8 năm trước, nơi đây bắt đầu khởi công xây dựng nhiều dự án lớn trị giá hàng trăm triệu USD. Nhu cầu san lấp mặt bằng rất cao. Núi Hồ thuộc địa phận xã Minh Tân trở thành điểm ngắm của một doanh nghiệp kinh doanh xây dựng.

Chính vì là doanh nghiệp có môn bài, nên họ phải làm việc rất bài bản, theo qui định của pháp luật. Ngày 2/6/2007, Cty có tờ trình gửi UBND TP Hải Phòng, Sở TN&MT Hải Phòng xin được khai thác 1.000.000m3 đất tại núi Hồ để phục vụ việc san lấp mặt bằng tổ hợp sân golf Sông Giá và nhiều dự án trên đia bàn huyện Thủy Nguyên. Căn cứ theo luật khoáng sản, Sở TN &MT Hải Phòng đã gửi công văn tham vấn 3 Sở (Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn hóa thể thao và du lịch), chính quyền địa phương (Huyện, Xã) cùng Bộ Chỉ huy quân sự TP Hải Phòng. Tham vấn xong rồi, lập đoàn kiểm tra ở tận thực địa. Sau khi đã được Cty gõ cửa giải trình, lần lượt các Sở, Ngành của TP Hải Phòng và Bộ Quốc phòng (với 3 chữ ký của một đại tá, một thiếu tướng và một đại tướng) – là cơ quan nhạy cảm nhất – đều có văn bản đồng ý để Cty này tổ chức khai thác núi Hồ theo mốc giới được bàn giao.

Tưởng rằng đến thế là cùng! Cty khoanh tay ngồi chờ lãnh đạo TP Hải Phòng hạ bút quyết định cho phép khai thác mỏ đất núi Hồ. Vẫn biết đời có chữ “ngờ”, song ông giám đốc Cty không tưởng tượng được mình phải nuốt một quả đắng bất ngờ đến vậy, từ những người có thẩm quyền bé hơn rất nhiều. Tại vì : “Quan thì xa nhưng bản nha thì gần”.

Phép vua thua lệ làng

Không phải tinh ý , chỉ cần nhìn vào ngày tháng, người ta thấy ngay một cuộc chạy đua thời gian của quan chức huyện Thủy Nguyên trước đề nghị của doanh nghiệp TP. Ngày 2/6/2007 Cty xin được khai thác núi Hồ, thì ngày 14/6/2007, huyện cho bà Vũ Thị Đích, công dân địa phương, được thuê đất để xây dựng nhà xưởng sản xuất đồ gốm mỹ nghệ truyền thống tại núi Hồ xã Minh Tân. Điều trớ trêu là diện tích đất thuê (6.000 m2) nằm trọn vẹn trong núi Hồ (có chỗ cao tới 48,8m). Để có được 6.000m2 đất mặt bằng, bà Đích “buộc” phải khoét rỗng quả núi. Hợp đồng thuê đất nói rằng : “Việc cho thuê đất không làm mất quyền sở hữu Nhà nước đối với khu đất và mọi tài nguyên nằm trong lòng đất”. Nực cười! Họ giả vờ quên chính quả núi đất nằm trên mặt đất là tài nguyên thuộc sở hữu Nhà nước.

Ngày 28/9/2007, UBND xã Minh Tân đã sốt sắng làm tờ trình hộ cho bà Đích(!) gửi Chính quyền Huyện Thủy Nguyên: “Để có 6,000m2 mặt bằng nhà xưởng xin được vận chuyển 50.000m3 đất núi Hồ đi đổ (ở đâu?) . Bằng một vài từ nghuệch ngoạc, ông Trần Văn San Phó Chủ tịch huyện Thủy Nguyên ký đồng ý luôn. Được hợp thức hóa, thế là bà Đích làm tới. Núi Hồ đã bị khoét thủng. Theo báo cáo ngày 20/8/2014 của Cty gửi UBND TP Hải Phòng: “Khối lượng đất núi Hồ bị khai thác đem bán hiện nay lên đến gần 750.000m3 (nguyên thổ), ước tính 39 tỷ đồng, mà không phải lập dự án, không phải trồng rừng phòng hộ, không phải xin phép chính quyền TP, các bộ Quốc phòng, NN& PTNT, Văn hóa thể thao du lịch, không cần các loại giấy tờ chứng nhận đầu tư, giấy phép khai thác, chỉ cần một ông Phó chủ tịch huyện ký cái là xong! Người ta không phải nộp môt đồng thuế nào cho Nhà nước, lại còn có thêm 10.000m2 đất sạch được hình thành sau khai thác không phải đền bù giải phóng mặt bằng. Một mũi tên trúng 2 con chim. Cũng cần nói thêm cái gọi là “Xưởng thủ công mỹ nghệ truyền thống” sau khi hóa trang để xin cấp đất thì cũng chết luôn để tái sinh thành Xưởng sản xuất gạch không nung.

Ngày 5/12/2014, ông Bùi Quang Sản Giám đốc Sở TN&MT Hải Phòng đã báo cáo với lãnh đạo TP khẳng định việc khai thác đất núi Hồ của hộ bà Vũ Thị Đích được sự tiếp tay của UBND xã Minh Tân cùng ông Phó chủ tịch huyện Thủy Nguyên là sai; Đề nghị kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân và tập thể có liên quan. Một quyết định đúng nhưng quá muộn màng. Núi Hồ đã bị bóc lột đến xương. Nhà nước mất tiền, còn những quan chức được tiền thì họ ngán gì mấy lời kiểm điểm. Quản lý tài nguyên kiểu này thì còn sinh lắm loại “tặc” : từ Đất đến Vàng!

Hà Linh Quân