Cà phê “2 trong 1”

Hình thức như cà phê (café) nhạc sống trở thành xưa cũ, nay nối tiếp nhau ra đời là café 3D, café sách, café game online, café mobile, café motor, café ống… Mỗi quán đều cố gắng hút khách theo hướng: tạo lập phong cách riêng, giúp khách vừa nhâm nhi café vừa thỏa mãn sở thích.

Xu hướng “tích hợp”

 

Thời đại nhiều vật dụng được kết hợp theo hướng “đủ thứ trong một” nên phải chăng quán café cũng không đứng ngoài cuộc? Các chủ quán tỏ ra nhạy bén với kinh doanh khi chủ động phá vỡ sự đơn điệu cho không gian quán xá với việc tiếp cận gần hơn với nhu cầu của khách, biến quán của mình thành nơi không chỉ để “gọi một ly café uống một chỗ ngồi”. Khách đi café, tới những quán này còn là “đi theo tiếng gọi của sở thích”.

 

Nghe tên quán Intello Book Café (số 59 Văn Miếu), khách đã thấy nơi đây không chỉ có café mà còn có sách (book). Sách được bày từ tầng 1 đến tầng 3, trong đó phần lớn là sách tiếng Anh được du nhập từ các trường ĐH ở Mỹ. Chủ quán là Phạm Quang Minh và Đỗ Lê Thu Ngọc cũng là hai bạn trẻ học từ Mỹ, về Việt Nam lập nghiệp và lập lên một “điểm hẹn” cho người yêu văn hóa đọc. 

 

Intello có hơn 500 loại đồ uống, trong đó có smoothie, một loại đồ uống rất thông dụng ở Mỹ hay café mang tên Intello special đặc biệt bởi 4 tầng màu sắc khác nhau giá 35.000 đồng/ly... 

 

Vào cuối tuần, quán có chương trình nhạc violon, guitar và có loại coocktail được pha chế dành riêng cho tối ấy.

 

Cầm Kỳ quán ở 32 Lê Ngọc Hân mang tính bình dân hơn nhưng cũng được thực hiện dưới hình thức café sách. Chủ quán là nữ nhà văn được nhiều người biết mặt, biết tên Võ Thị Xuân Hà.

 

Nếu như Intello thiên về sách kinh tế - xã hội thì Cầm Kỳ quán có nhiều sách văn chương. Đặc biệt, đây còn là CLB kết bạn Cầm Kỳ (thuộc tổ chức IOGT VN - Tổ chức HS, SV vì nếp sống lành mạnh). Giống như nhiều CLB kết thân, tìm bạn trăm năm khác ở HN, Cầm Kỳ là nơi gặp gỡ của các bạn nam nữ mọi lứa tuổi trong và ngoài nước có nguyện vọng gao lưu kết bạn, tìm đối tác...

 

Khách có thể đến quán kết bạn, đọc sách, mua sách. Vào những dịp cuối tuần, CLB tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu với văn nghệ sĩ, nhà tư vấn về giới, tổ chức đi dã ngoại… Như vậy, cùng là café sách nhưng Intello hay Cầm Kỳ không đồng nhất, rõ ràng phong cách và hướng tiếp cận văn hóa của chủ quán sẽ quyết định rất lớn đến hướng đi và phong cách của sản phẩm café “2 trong 1”.

 

Café sách dù sao vẫn là dạng quán kén khách thì café wifi (truy cập internet không dây) - đòi hỏi đầu tư khá - lại đang mọc nên như nấm sau mưa cả ở Hà Nội và TPHCM. Từ café wifi đầu tiên dành cho người dùng máy tính xách tay (laptop), thiết bị cầm tay kỹ thuật số (PDA) ở phố Mai Hắc Đế, nay Hà Nội có hàng chục quán dạng này. Khách đến đây không chỉ để nhâm nhi cà phê, thỏa mãn sở thích về công nghệ mà còn có thể truy cập internet không dây miễn phí. 

 

Thói quen đến café wifi “ngồi thiền” cả vài tiếng, di bàn phím, di chuột hay chấm chấn màn hình cảm ứng để làm việc, giao tiếp, thậm chí để “nghịch” đã trở thành thói quen của không ít nhân viên văn phòng, giới trẻ “sành điệu”, dân hi-tech (công nghệ cao) ở Hà Nội.

 

Cà phê “2 trong 1”  - 1
Café ống ở Hùynh Thúc Kháng 

Nghe là thấy… độc!

 

Café Motor ở bên hồ Ba Mẫu, phường Phương Liệt, Đống Đa, Hà Nội nghe tên là thấy có… motor. Diện tích quán khá chật hẹp, nhưng nhìn vào là thấy ngay bóng dáng của “ngựa máy”. Những tấm poster khổ lớn, những mô hình motor, những chiếc bánh xe trao lơ lửng quay liên tục, âm nhạc độc đáo, tạp chí về motor xếp thành tập và đặc biệt người chơi motor trông “bùi bụi, cá tính”, đa phần là dân kiến trúc, xây dựng, mỹ thuật đã tạo nên một không gian mang đậm phong cách riêng. 

 

Thắng và Hiếu đều là những người chơi motor từ cả chục năm nay là đồng chủ quán. Quán mới mở đã có nhiều người biết tới, trong đó có phần không nhỏ là người nước ngoài. Thắng nói, giá nước ở đây cũng không cao vì quán không lớn, không nằm ở khu vực náo nhiệt và chúng tôi không đặt mục đích kinh doanh lên hàng đầu. Cuối tuần, nhìn hàng chục chiếc xe cổ, xe thể thao với tiếng nổ đặc trưng lượn vào hồ, đỗ xịch trước café motor đủ để thấy đây là nơi dành cho những người có chung sở thích.

 

43 Huỳnh Thúc Kháng là địa chỉ của Café Ống. Cái tên quán độc đáo này được giải thích là: quán chính là một ngôi nhà hình ống điển hình. Chủ nhân nhấn mạnh đến sự khác biệt cho quán bằng việc thiết kế ngôi nhà vừa là quán càfe, quán bar, vừa là nơi trưng bày, triển lãm, lại vừa là nơi làm việc. Trên tường không phải tranh vẽ bình thường mà là nơi trưng bày những phương án nhà ống của các văn phòng kiến trúc sư.

 

Lên tầng hai, café ống có một không gian ấm cúng hơn. Chủ quán thể hiện rõ mình là dân kiến trúc khi bố trí được nhiều chỗ những vẫn đảm bảo sự riêng biệt cho mỗi khu vực ngồi. 

 

Riêng phần chỗ ngồi cho khách hiếm có quán nào giống café 3D ở 18 chả Cá, Hà Nội. Khách đến đây ở độ tuổi rất trẻ, phần đông là “dân cư” thuộc “cộng đồng 3D” (học tập, làm việc với đồ họa không gian ba chiều). Men theo đường cầu thang sâu hun hút là một cái quán mà khách có thể… nằm ra chỗ ngồi. 

 

Không gian không phải là quá hẹp nhưng chỉ có vài chiếc bàn để ngồi và bàn thì có gối dài, gối ngắn, gối tựa. Không chỉ với dân mê đồ họa 3D mà khách vãng lai vẫn có thể tìm thấy sự thoải mái ở đây khi có thể dang tay, duỗi chân, nâng ly nước trên cái bàn còn nhỏ hơn cái gối, cái thảm để ngắm những bức tranh treo thiết kế trên nền công nghệ 3D.

 

Có lẽ cũng vì mục tiêu “đón lõng xu hướng”, nhạy bén hơn với thị trường, đưa "cung" đến gần hơn với "cầu"... mà hình thức café “2 trong 1” đang mở ra ngày càng đa dạng.

 

Khi đi viết bài này, chưa kịp vòng vèo tới đủ "bộ sưu tập" "cafe dạng gộp" thì tôi lại nghe tin một café quán sắp khai trương - café mobile. Nghe tên quán có nhắc đến “dế” là hiểu ngay: đến đây, bên cạnh nhâm nhi ly nước thì khách còn săm soi cái điện thoại thoại di động!

 

Theo Bùi Dũng

Vietnamnet