1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Bình:

Bản nghèo "3 không" nơi biên giới

(Dân trí) - Nằm lọt thỏm giữa núi non trùng điệp, hàng chục năm qua, người dân 2 bản PLoang và Rìn Rìn, xã Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình) sống trong điều kiện cực kỳ thiếu thốn, không điện, không nước sạch, giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn.

Gian nan đường vào PLoang

Khi nghe chúng tôi hỏi đường vào PLoang, một anh đi rừng can ngăn: “Đường vào bản ấy khó lắm, đường nằm san sát vách núi, bên dưới là vực sâu, lại đang trong giai đoạn thi công, nham nhở lắm”. Nghe người đi rừng nói, chúng tôi càng quyết tâm vào với bản nghèo.
 
Đường vào hai bản PLoang và Rìn Rìn
Đường vào hai bản PLoang và Rìn Rìn
 
Trên con đường độc đạo dẫn vào bản PLoang dài gần 20 cây số, đoạn đường hết sức gập ghềnh với đất đá lởm chởm và nhiều khói bụi. Có lúc xe như lao vút lên rồi lại rơi xuống, gầm xe mắc kẹt vào phiến đá đến sởn cả gai ốc. Về mùa này, con suối cũng bớt hung dữ hơn, chứ mùa mưa hầu như bản này bị chia cắt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Đường nối 2 bản PLoang, Rìn Rìn với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây được khởi công từ năm 2010 nhưng đến nay việc thi công vẫn “dậm chân tại chỗ”. Qua 2 năm, đơn vị thi công mới chỉ hoàn thành được chưa đầy 1/3 chặng đường nên việc ra vào hai bản PLoang và Rìn Rìn vẫn hết sức khó khăn.
 
Sau hơn một tiếng đánh vật với đoạn đường đầy khổ ải, chúng tôi cũng đến được bản PLoang. Bản có chưa đầy hai chục nóc nhà, nằm cạnh một ngọn núi thoai thoải. Căn nhà lá của Trưởng bản Hồ Thiên nằm ngay giữa bản, gia đình mới cho anh ra ở riêng nên chưa nằm trong diện làm nhà 134 do nhà nước hỗ trợ. Anh Hồ Văn Thiên (SN 1986) là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản PLoang. Anh cũng vừa tròn 5 năm tuổi Đảng, cũng là Đảng viên trẻ nhất ở bản này. Trưởng bản Hồ Thiên giới thiệu sơ qua: bản PLoang chỉ có 17 hộ với 84 nhân khẩu. Năm 2006, 15 hộ dân trong bản được nhà nước quan tâm dựng cho nhà mới theo chương trình 134. Bên cạnh đó, đầu tư cho một đoạn đường bê tông chừng 3 km chạy dọc trong bản.
 
Đường vào hai bản PLoang và Rìn Rìn
 100% dân ở bản PLoang là hộ nghèo nên tương lai của những em học sinh này cũng gặp nhiều trắc trở
 
Đồng bào ở đây sống nhờ vào làm nương, làm rẫy, 100% là hộ nghèo; việc canh tác phụ thuộc vào thiên nhiên nên bắt đầu từ tháng 8 hàng năm trở đi mọi gia đình đều thiếu ăn. Đến mùa ong rừng sinh sôi, hầu hết bà con đều đổ xô vào rừng tìm mật để trang trải cuộc sống.

Bản "ba không"

Trưởng bản Hồ Thiên bắt đầu liệt kê những cái thiếu của bản: “Trong nhiều năm qua, dù đã được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhưng bản PLoang vẫn là bản nghèo nơi biên giới. Hiện bản miềng vẫn chưa có điện chiếu sáng, chưa có nước sạch, các điều kiện sinh hoạt thiết yếu của người dân vẫn còn thiếu thốn, đường giao thông đi lại còn khó khăn, mỗi khi có bệnh tật bà con phải lên trung tâm xã cách xa hơn 50 cây số để khám bệnh”.
 
Để có nước sinh hoạt, hàng chục hộ dân phải lấy nước từ khe suối tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh
Để có nước sinh hoạt, hàng chục hộ dân phải lấy nước từ khe suối tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh

Điều khiến người dân nơi đây hết sức trăn trở là vấn đề nước sinh hoạt. Hàng chục năm qua, do không có nước sạch nên người dân phải đi bộ xuống suối mỗi ngày 2 lần để xách từng can nước về để nấu ăn, nhưng một can nước chừng 20 lít cũng chỉ đủ cho việc nấu cơm, nước uống còn lại việc tắm giặt của bà con đều phải ra suối. Việc sử dụng nước suối để nấu ăn, sinh hoạt cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh, nhất là các bệnh về đường tiêu hóa.

Thêm vào đó, điện chiếu sáng không có nên cuộc sống của bà con cũng rơi vào cảnh tối tăm, vào buổi tối trẻ em trong bản cũng phải thắp đèn dầu để lấy ánh sáng học bài. Nhưng để sử dụng đèn dầu cũng hết sức hạn chế vì đường sá cách trở và điều kiện kinh tế không cho phép. Mới 8 giờ tối nhưng tất thảy bà con đã đi ngủ để nhường ánh sáng cho trẻ em học bài.

“Người dân bản PLoang chỉ mong ước được nhà nước xây dựng công trình nước tự chảy dẫn từ trên suối về bản để người dân đỡ vất vả hơn chứ như trước đây đến bây giờ thì khó khăn quá cán bộ à. Không có điện nên người dân cũng không thể tiếp cận được nguồn thông tin bên ngoài để mở mang kiến thức. Dù có ti vi, có điện thoại nhưng người dân cũng đành để đó chứ không biết lấy đâu nguồn điện mà sử dụng” – già làng Hồ Văn Sáu giãi bày.

Trưởng bản Hồ Thiên giải thích về sự nghèo đói đang đeo bám bà con hàng chục năm qua: Những năm trước, trâu bò ở bản nhiều lắm, thời điểm đông nhất lên đến 80 con. Nhưng năm 2011, vì bị dịch bệnh nên trâu bò chết dần, bây giờ cả bản chỉ có 3 con trâu, 5 con bò và khoảng 20 con lợn. Bà con cũng muốn gây dựng để nuôi lại mà chưa bán được cây tràm sau núi để lấy tiền mua giống”.

Một tín hiệu vui khi nhắc đến chuyện trồng cây tràm, keo của người dân bản PLoang là năm 2010, mỗi gia đình trong bản được nhận bình quân khoảng 2ha rừng, đồng bào tiến hành trồng keo. Đến nay, rừng keo của bà con đang lớn dần và chuẩn bị cho bán tỉa. Theo anh Thiên thì sắp tới mỗi gia đình sẽ được nhận thêm 2 đến 3 ha đất rừng nữa. Trong tương lai, bà con trong bản sẽ thoát nghèo nhờ rừng một cách bền vững và không còn lo cảnh thiếu đói như hiện nay nữa.  

Khát khao có điện

Ngủ một đêm ở bản PLoang, sáng hôm sau chúng tôi khăn gói vượt núi đến Rìn Rìn.  Để đến được bản Rìn Rìn, không còn cách nào khác phải đi bộ bởi con đường dẫn vào bản hết sức khó khăn. Nếu đi từ đường chính cũng mất 3 km. Anh Thiên nhiệt tình dẫn chúng tôi đi đường tắt từ bản PLoang, leo lên một ngọn núi dốc, phải mất hơn một giờ đồng hồ đi bộ, lội qua 2 con suối. Dưới chân núi, bản Rìn Rìn hiện ra trước mắt, những ngôi nhà mái tôn đỏ thắm nép mình dưới những tán lá cây phủ đầy khói từ những căn bếp của đồng bào.
 
Bản Rìn Rìn nép mình dưới dãy Trường Sơn dường như bị cô lập với bên ngoài
Bản Rìn Rìn nép mình dưới dãy Trường Sơn dường như bị cô lập với bên ngoài

Theo Trưởng bản Hồ Văn Dương, bản Rìn Rìn có 21 hộ dân với 90 nhân khẩu (trong đó một số cặp vợ chồng mới cưới vẫn chưa tách hộ). Giống như PLoang, hàng chục năm qua người dân nơi đây vẫn sống trong điều kiện tách biệt với cuộc sống bên ngoài, không điện chiếu sáng, không nước sinh hoạt, đường giao thông đi lại cách trở. Người dân bản Rìn Rìn sinh sống chủ yếu nhờ vào làm nương, làm rẫy nhưng vẫn hết sức khó khăn, tình trạng thiếu đói vẫn diễn ra thường xuyên.

Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu đời sống của người dân quanh bản, trưởng bản Dương thở dài nói: Bà con miềng vẫn còn vất vả lắm cán bộ à, là Trưởng bản vừa là Bí thư chi bộ tao cũng trăn trở nhiều lắm. Mấy lần đi tập huấn phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên xã về là tao bày lại cách sản xuất để bà con áp dụng. Nhưng đất đai ở đây cằn cỗi, thời tiết thất thường nên cây ngô, cây đậu nó không chịu lên đâu. Chính vì vậy nên bà con bản miềng vẫn đói, chỉ mong cấp trên xây dựng đường giao thông, nước sạch và kéo điện về cho bà con được nhờ.

“Sắp tới nhận đất rừng về tao sẽ bày cho người dân trong bản trồng rừng để thoát nghèo, không trồng được lúa thì sẽ trồng rừng. Hy vọng trong tương lai người dân Rìn Rìn sẽ giàu lên, sẽ nuôi được con cái đi học chứ không để cái nghèo cứ bám mãi như vậy được đâu. Đảng quan tâm làm nhà rồi, bày cho cách làm ăn rồi thì mình phải vươn lên chứ không ỷ lại nữa”- Trưởng bản Hồ Dương bày tỏ.
 
Bản Rìn Rìn nép mình dưới dãy Trường Sơn dường như bị cô lập với bên ngoài
Để có điện, một số hộ đã nảy ra sáng kiến sử dụng tua bin chạy bằng sức nước nhưng công suất rất yếu

Để có ánh sáng phục vụ cuộc sống, anh Hồ Văn Nhường (bản Rìn Rìn) và anh Hồ Văn Lời (bản PLoang) đã nghĩ đến việc sử dụng máy phát điện chạy bằng sức nước để tạo ra dòng điện sử dụng cho gia đình. Tuy công suất rất nhỏ, về mùa khô chỉ chạy nổi một bóng đèn 20W, nhưng đây thực sự đã khởi đầu cho nỗ lực vượt qua sự tối tăm bấy lâu để hướng đến một cuộc sống mới. “Nghe đâu chuẩn bị có dự án xây dựng điện năng lượng mặt trời cho bà con nhưng không biết khi nào mới được triển khai. Người dân khát khao có điện để bớt khổ, con cái cũng có ánh sáng mà học bài thôi nhà báo à” - anh Hồ Văn Trường nói.

Bấy lâu nay, việc sử dụng nước bẩn từ khe suối đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhiều căn bệnh ngoài da, tiêu hóa đều có nguyên do xuất phát từ nguồn nước nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, là một xã biên giới, phần lớn diện tích là rừng núi nên rất khó để phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện nay một số bản vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các bản PLoang, Dốc Mây, Sắt, Rìn Rìn…Ngay cả vấn đề đường giao thông cũng gặp nhiều trắc trở, để đến được bản Dốc Mây phải đi đường rừng mất cả ngày đường cả đi lẫn về. Đối với bản PLoang, đơn vị thi công đang tiếp tục xây dựng đường giao thông dẫn vào bản.

Biết đến bao giờ người dân ở bản PLoang, Dốc Mây và Rìn Rìn xã miền biên Trường Sơn mới có điện, nước sạch, trạm y tế,...?!
Đăng Đức – Đặng Tài