1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Xử vụ chạy thận tử vong: Viện kiểm sát đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung

(Dân trí) - Cuối phiên xét xử chiều nay (29/5), đại diện Viện Kiểm sát (VKS) Nhân dân TP Hòa Bình đã trình bày phần tranh luận với các ý kiến của các luật sư, trong đó có nội dung, VKS thừa nhận với những chứng cứ luật sư cung cấp tại tòa là có dấu hiệu hợp thức hóa tài liệu để đổ tội cho bị cáo Hoàng Công Lương - vấn đề này cần phải đấu tranh làm rõ, đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Cuối giờ chiều nay (29/5/2018), trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án chạy thận thận làm 9 người chết xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017, vị đại diện VKS đã trình bày phần tranh luận, đối đáp những quan điểm, chứng cứ mà các luật sư đưa ra tại tòa, đặc biệt tập trung đối đáp với quan điểm của 6 luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương.

Mặc dù trong phần tranh luận tại các phiên xét xử trước đó, 6 luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương đã đưa ra nhiều quan điểm, bằng chứng phản bác bản luận tội của VKS, nhưng cuối giờ chiều nay, vị đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm rằng bị cáo Hoàng Công Lương về mặt bản chất là được phân công phụ trách quản lý tại Đơn nguyên thận nhân tạo của Khoa Hồi sức tích cực BVĐK tỉnh Hòa Bình (khoa này có 2 đơn nguyên: Thận nhân tạo và Hồi sức tích cực), do đó, phải có trách nhiệm về sự cố nghiêm trọng nói trên chứ không thể vô tội.

Đại diện VKS.
Đại diện VKS.

Nhưng, cuối phần trình bày của mình, vị đại diện VKS có nêu thông tin về việc luật sư bào chữa cho bị cáo Lương đã nộp vi bằng là chiếc USB chứa phần ghi âm cuộc nói chuyện điện thoại giữa ông Hoàng Công Tình (Phó Khoa Hồi sức tích cực) và anh Đinh Tiến Công (Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực, được phân công ghi biên bản cuộc họp khoa cuối năm 2015, 2016) thể hiện có việc ghi thêm nội dung phần phân công nhiệm vụ cho bị cáo Lương trong cuốn sổ họp khoa cuối năm 2015, 2016. VKS đánh giá, việc này có dấu hiệu hợp thức hóa tài liệu để đẩy tội cho bị cáo Hoàng Công Lương.

Ngoài ra, vị đại diện VKS còn cho rằng, có sự “vênh” nhau về nội dung giữa 2 văn bản trả lời của Bộ Y tế (1 văn bản trả lời cơ quan điều tra, 1 văn bản trả lời Công ty luật Nguyễn Chiến) về tính cần thiết có phải xét nghiệm mẫu nước theo tiêu chuẩn AAMI khi hoàn thành sửa chữa hệ thống lọc nước RO của máy chạy thận.

Từ 2 vấn đề trên, vị đại diện VKS cho rằng, cần có thời gian đấu tranh để làm rõ, chính vì vậy VKS đã đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.

Nguyễn Dương