1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nghệ An:

Xót lòng cảnh mẹ đẻ kiện con trai hầu tòa

(Dân trí) - Xuất phát từ lòng hiếu thảo muốn sửa lại căn nhà cho mẹ đẻ và nơi thờ phụng tổ tiên mà người con trai trưởng lại bị chính mẹ của mình khởi kiện với tội danh “xâm phạm chỗ ở của công dân”.

Bị cáo Hồ Đăng Đề trả lời trước tòa về hành động phạm tội của mình.
Bị cáo Hồ Đăng Đề trả lời trước tòa về hành động phạm tội của mình.
 
Hầu tòa vì sửa nhà cho mẹ đẻ

Sáng ngày 31/7, tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Hồ Đăng Đề (SN 1956) ở thôn Học Vân, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu, Nghệ An) tội danh “xâm phạm chỗ ở của công dân”. Vụ án được dư luận vô cùng quan tâm vì người đứng ra khởi kiện không ai khác chính là mẹ đẻ của bị cáo, bà Nguyễn Thị Hoe (SN 1933).

Cáo trạng của viện kiểm soát nhân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, vào ngày 30/11/2012, ông Hồ Đăng Đề cùng ông Hồ Đăng Thông (chú ruột) tới ngôi nhà cấp 4, 5 gian thắp hương xin phép tu sửa lại. Ngôi nhà này từ trước đến nay là nơi thờ cúng của dòng họ ngoại tộc Hồ Đăng.
 

Cải chính

Trong bài báo “Xót lòng cảnh mẹ đẻ kiện con trai hầu tòa”, các tác giả đã viết “Ngôi nhà này từ trước đến nay là nơi thờ cúng của dòng họ ngoại tộc Hồ Đăng”. Tuy nhiên, theo bản án 72/2013/HSST ngày 31/7/2013 của Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, “Khi còn sống, ông Đạt và bà Hoe cho họ ngoại thờ cúng trong ngôi nhà 5 gian từ năm 1992”. Vậy Báo Dân trí xin cải chính lại thông tin trên và thành thật xin lỗi về chi tiết chưa chính xác (từ 1992 đến nay chứ không phải từ trước đến nay).
 
 
Từ năm 2001, ông Hồ Đăng Đạt (chồng bà Hoe, bố đẻ ông Đề) qua đời và giao lại trách nhiệm thờ cúng tổ tiên cho ông Đề là con trai trưởng. Trải qua thời gian ngôi nhà đã trở nên cũ kỹ và hư hỏng phần ngói lợp nhà. Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Hoe (là mẹ đẻ của ông Đề) không cho phép sửa chữa lại căn nhà nhà với lý do bà là người trực tiếp quản lý, nhà của bà nên để bà tự sửa.
 
Người mẹ già đã ngoài 80 tuổi yêu cầu hội đồng xét xử nghiêm trị hành động của đứa con trai mình.
Người mẹ già đã ngoài 80 tuổi yêu cầu hội đồng xét xử nghiêm trị hành động của đứa con trai mình.
 
Mặc dù bà Hoe không đồng ý, nhưng với tư cách là trưởng tộc ông Đề tiếp tục gọi ông Hồ Đăng Tài (em trai ruột) xuống để bàn về việc sửa chữa ngôi nhà cho mẹ và cũng là nơi thờ cúng của tổ tiên. Bởi trước đó tại cuộc họp ngoại tộc Hồ Đăng diễn ra vào ngày 28/11/2012 đã quyết định việc tiến hành tu sửa ngôi nhà thờ nói trên. Ban cán sự họ cũng đã giao trách nhiệm cho ông Hồ Đăng Đề (trưởng tộc) là người trực tiếp tu sửa.
 
Sau đó ông Đề cùng vợ là Nguyễn Thị Nam và 3 con trai của mình vào ngôi nhà 5 gian nói trên, chuyển hết đồ đạc ra ngoài. Ở đây 3 con trai của ông Đề trực tiếp trèo lên và dỡ toàn bộ phần ngói âm dương của ngôi nhà 5 gian xuống để lợp lại. Đến 10h cùng ngày thì việc dỡ toàn bộ phần ngói đã được tiến hành xong.

Bà Nguyễn Thị Hoe nhất quyết không đồng ý để con trai sửa nhà cho mình, bản thân bà trực tiếp ra trình báo sự việc với xóm trưởng. Nhận được thông tin UBND xã Quỳnh Bảng đã xuống lập biên bản đình chỉ việc làm của ông Đề. Ngay sau đó ông Hồ Đăng Đề bị chính mẹ đẻ và em trai ruột của mình khởi kiện vì việc làm của ông Đề diễn ra vào sáng ngày 30/11/2012. Tiếp nhận đơn thư, nhiều lần các cấp chính quyền địa phương đã tiến hành hòa giải nhưng không thành công.

Ông Đề ngậm ngùi: “Thấy nhà thờ họ đã hư hỏng nặng, mưa gió dột tứ bề mẹ tôi đã ngoài 80 nên sửa lại cho đỡ khổ. Việc tôi tiến hành sửa nhà thờ cũng được ban cán sự họ tộc họp thống nhất và giao trách nhiệm. Nào ngờ sự việc lại đến như thế này”.

Phiên tòa của lương tâm

Sau khi tiến hành điều tra, căn cứ bộ luật tố tụng hình sự, Viện kiểm sát nhân dân huyện Quỳnh Lưu tiến hành khởi tố vụ án hình sự đối với ông Hồ Đăng Đề, tội danh: “xâm phạm chỗ ở của công dân”. Trước tòa ông Hồ Đăng Đề đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình.

Phiên tòa thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận nói chung, và dòng họ Hồ Đăng nói riêng. Tại phiên tòa sáng ngày 31/7/2013, tất cả các ghế ngồi trong phòng xử án đều chật cứng, dù phải đứng phía ngoài nhưng nhiều người vẫn kiên trì lắng nghe. Đứng trước vành móng ngựa người con trai chua chát khi nghe chính mẹ đẻ đề nghị tòa kiên quyết xét xử nghiêm minh hành động của mình.
 
Người mẹ già đã ngoài 80 tuổi yêu cầu hội đồng xét xử nghiêm trị hành động của đứa con trai mình.
Ông Hồ Đăng Đề (áo xanh) phân trần: “Tôi chỉ muốn sửa lại cho ngôi nhà đỡ bị dột khi trời mưa gió, để mẹ tôi đỡ khổ nào ngờ”.

Đôi mắt ông trùng xuống khi nhìn người mẹ già ngoài 80 tuổi nói từng lời rành rọt. Ông càng chua chát hơn khi nhìn sang người em trai ruột của mình là Hồ Đăng Cửu. Có lẽ, cái án mà hội đồng xét xử sắp tuyên không còn ý nghĩa gì với ông. Bởi thế, khi được tòa cho nói lời cuối cùng ông Đề ngậm ngùi: “Tôi là anh mà không giáo dục được em là tôi có tội! Tôi nhận trách nhiệm thờ phụng tổ tiên mà tôi để nhà thờ của cả dòng họ không có mái che là tôi có tội bất hiếu”.

Sau khi nghị án xét thấy bị cáo phạm tội lần đầu, là người có công hiến cho tổ quốc, gia đình có công với cách mạng. Bị cáo phạm tội xuất phát từ mục đích tốt. Với hành vi, việc làm của ông Đề không có mục đích tư lợi riêng nên hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Hồ Đăng Đề 12 tháng cải tạo không giam giữ, buộc bồi thường cho bị hại là bà Nguyễn Thị Hoe 3,1 triệu đồng.
Ngồi bên cạnh người mẹ ông Hồ Đăng Cửu (em trai ruột ông Đề) chăm chú theo dõi phiên tòa.
Ngồi bên cạnh người mẹ ông Hồ Đăng Cửu (em trai ruột ông Đề) chăm chú theo dõi phiên tòa.

Sau phiên tòa, khi được hỏi qua điểm của mình ông Hồ Đăng Cửu (em trai ông Đề) là người được bà Nguyễn Thị Hoe ủy quyền trả lời: “Đây là hành vi chiếm đoạt tài sản của mẹ tôi. Vậy nên việc truy tố như vậy là chưa đúng người đúng tội”.

Ông Nguyễn Văn Hà chuyên viên trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Nghệ An cho rằng: “Đây là vụ án giữa mẹ và con. Hành động của bị cáo xuất phát từ lòng tốt nên mức án như thế đối với bị cáo là quá cao”.

Mức án của hội đồng xét xử đã tuyên liệu có bằng những gì đã mất trong lương tâm của những người tham giữ phiên tòa. Khi mà ở đó những người được mời đến tham giữ phiên tòa, bị cáo, bị hại, nhân chứng ... đều chung một dòng máu với nhau. Chính trong tòa án lương tâm của mỗi người đều đã có những bản án riêng để nhận xét về những việc đã diễn ra.

Nguyễn Tình - Nguyễn Duy