1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vụ Hứa Thị Phấn: Viện Kiểm sát thừa nhận sai sót khi có lời khai “sinh đôi”

(Dân trí) - Theo đại diện Viện Kiểm sát, trong quá trình điều tra có sai sót khi xuất hiện lời khai “sinh đôi”. Tuy nhiên , đơn vị này khẳng định đó là sai sót về hình thức, không ảnh hưởng đến nội dung vụ án.

Sáng 28/5, đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử bị cáo Hứa Thị Phấn và đồng phạm đã đối đáp lại quan điểm bào chữa, bảo vệ của các luật sư, bị cáo, người liên quan trong vụ án.

Các luật sư tiếp tục tranh luận.
Các luật sư tiếp tục tranh luận.

Theo đại diện Viện kiểm sát, trong vụ án, có 21/28 bị cáo là nữ, nhiều bị cáo đang nuôi con nhỏ, vì vậy Viện kiểm sát đồng tình với đề nghị xin giảm nhẹ hình phạt của các luật sư, đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) cân nhắc khi quyết định hình phạt.

Về quan điểm của luật sư Trương Vĩnh Thủy (luật sư bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn) cho rằng 3/5 thành viên HĐXX đã tham gia xét xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1, đã đề nghị khởi tố vụ án này là vi phạm tố tụng, Viện Kiểm sát đã bác bỏ quan điểm này.

Theo đại diện Viện kiểm sát, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, HĐXX có quyền khởi tố vụ án. Trong vụ án, Phạm Công Danh giai đoạn 1, HĐXX đã ban hành 3 quyết định khởi tố, các quyết định này hoàn toàn khách quan, không vi phạm quy định pháp luật.

Đồng thời, vẫn theo Viện kiểm sát, không có điều luật nào quy định thành phần HĐXX khởi tố vụ án thì không được tham gia xét xử vụ án đó. Từ đó, Viện kiểm sát khẳng định HĐXX vụ án này là đúng quy định.

Về ý kiến của một số luật sư cho rằng điều tra viên, kiểm sát viên khi lấy cung các bị cáo đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng như nhiều bản cung trùng ngày, giờ, bản cung "sinh đôi", Viện Kiểm sát cho rằng trong quá trình điều tra có sai sót. Tuy nhiên, đơn vị này khẳng định đó là sai sót về hình thức, không ảnh hưởng đến nội dung vụ án.

Cụ thể, các bị cáo không bị ép cung, dưới mỗi bản cung đều được ký tên. Tại tòa, không có bị cáo nào thay đổi lời khai, nói mình bị ép cung, trừ bị cáo Loan; và không có bị cáo nào khai kiểm sát viên, điều tra viên lấy lời khai cùng lúc với bị cáo khác.

Về USB do luật sư Trương Thị Minh Thơ cung cấp cho HĐXX, Viện Kiểm sát khẳng định không chấp nhận tài liệu này là chứng cứ của vụ án.

Theo luật sư Thơ, việc không chấp nhận USB này là chứng cứ là tước đi quyền cung cấp chứng cứ của luật sư vì chứng cứ này có thật và phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án.

Phản bác quan điểm này, Viện Kiểm sát cho rằng USB không được thu thập theo trình tự tố tụng. Luật sư Thơ nói đã nhận USB này từ khi chưa được cấp giấy chứng nhận bào chữa nhưng không giao nộp vì không tin Viện KSND Tối cao.

Đối đáp lại quan điểm của đại diện Viện KSND TPHCM, luật sư Trương Vĩnh Thủy (bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn cho rằng) tình trạng sức khỏe của bị cáo Phấn mặc dù chưa có kết quả giám định bổ sung nhưng với cảm nhận của luật sư thì sức khỏe của bà Phấn gần đến ranh giới đời sống thực vật. Nếu HĐXX áp cho bà Phấn phải chịu trách nhiệm thì cũng không còn ý nghĩa đối với bà Phấn. Theo luật sư Thủy, việc tòa đưa ra xét xử vắng mặt bị cáo Phấn khi chưa giám định tình trạng sức khỏe là vi phạm bộ luật tố tụng hình sự.

Về số tiền vay của nhóm Phương Trang, luật sư Thủy đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để làm rõ số liệu nhóm Phương Trang thực nhận tại ngân hàng Đại Tín, giám định tài chính từ ngân hàng Xây Dựng để làm rõ dòng tiền đi những đâu, tìm ra được bản chất của vụ án.

Xuân Duy.