1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vụ giả danh công an, chiếm đoạt tiền tỷ: Bắt thêm 1 đối tượng, truy nã kẻ cầm đầu

(Dân trí) - Sau 9 tháng theo dõi, truy vết, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ thêm 1 đối tượng trong đường dây giả công an lừa đảo tiền tỷ bằng thông báo nợ cước viễn thông. Đây được xác định là kẻ sử dụng CMND giả mở các tài khoản ngân hàng để các nạn nhân gửi tiền vào sau đó rút ra chia chác với nhau.

Ngày 15/6, Thiếu tá Hà Huy Đức – Đội trưởng Đội cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Đội 7), Phòng cảnh sát Hình sự (PC45) Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa bắt giữ Phạm Đình Phi (SN 1990, trú tại xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Phi được xác định là một mắt xích quan trọng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tiền tỉ bằng hình thức thông báo nợ cước xảy ra trên nhiều địa bàn trong khoảng thời gian giữa năm 2017.

Các đối tượng sử dụng giao thức truyền giọng nói qua Internet (VoIP), hiển thị số điện thoại “ảo” có đầu số trùng với đầu số 113 của công an khiến các nạn nhân nhầm tưởng và thực hiện theo các yêu cầu chuyển tiền của chúng
Các đối tượng sử dụng giao thức truyền giọng nói qua Internet (VoIP), hiển thị số điện thoại “ảo” có đầu số trùng với đầu số 113 của công an khiến các nạn nhân nhầm tưởng và thực hiện theo các yêu cầu chuyển tiền của chúng

Trước đó, vào tháng 9/2017, PC45 Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ Nguyễn Hữu Thu (SN 1991) và Phạm Đình Luận (SN 1993), cùng trú tại xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Đây là hai đối tượng trong đường dây giả làm cán bộ viễn thông, gọi điện đến các nạn nhân thông báo đang nợ một số tiền lớn cước điện thoại. Nạn nhân không tin vào thông báo kia thì được nối máy cho một người xưng là cán bộ điều tra của Bộ Công an, thông báo chủ thuê bao bị nghi liên quan đến đường dây tội phạm mua bán ma túy và rửa tiền.

Các đối tượng sử dụng giao thức truyền giọng nói qua Internet (VoIP), hiển thị số điện thoại “ảo” có đầu số trùng với đầu số 113 của công an khiến các nạn nhân tưởng thật, hoảng sợ và lần lượt làm theo các yêu cầu nộp tiền vào một số tài khoản ngân hàng do nhóm này cung cấp.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm đối tượng này đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức này ở nhiều địa phương. Vào thời điểm mở chuyên án đấu tranh, PC45 Nghệ An tiếp nhận trình báo của 9 nạn nhân là người trong tỉnh, với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hơn 2 tỷ đồng.

Phạm Đình Luận và Nguyễn Hữu Thu bị Công an Nghệ An bắt giữ hồi tháng 9/2017
Phạm Đình Luận và Nguyễn Hữu Thu bị Công an Nghệ An bắt giữ hồi tháng 9/2017

Tại cơ quan điều tra, Luận và Thu khai nhận được một đối tượng tên Phi thuê mở hoặc thu gom thẻ ngân hàng với giá 1 triệu đồng/thẻ. Đối tượng tên Phi thuê Luận và Thu rút số tiền lớn từ các tài khoản kể trên và chuyển cho một đối tượng thứ 3. Cứ mỗi lần rút tiền, Thu và Luận được hưởng một số tiền nhất định theo thỏa thuận từ trước.

Từ lời khai của hai đối tượng, PC45 thu thập chứng cứ và đủ cơ sở để khẳng định Phạm Đình Phi có liên quan đến đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản này. Sau khi Luận và Thu bị bắt giữ, biết mình đang nằm trong tầm ngắm của công an, Phạm Đình Phi nhanh chân bỏ trốn khỏi địa phương. Sau 9 tháng theo dõi, truy vết, ngày 13/6, các trinh sát Đội 7 bắt giữ Phi khi đối tượng đang lẩn trốn tại Bắc Giang.

“Phạm Đình Phi đến các nhà nghỉ, hiệu cầm đồ mua lại các CMND bị khách bỏ quên, dùng hình ảnh của mình dán vào hoặc mua lại các CMND giả và đến các ngân hàng đăng kí mở tài khoản. Các tài khoản mở bằng CMND giả này được Thu và Luận sử dụng để “dụ” các nạn nhân gửi tiền vào. Phi là người trực tiếp rút tiền ra khỏi thẻ rồi giao cho Thu và Luận, tùy thỏa thuận từ trước, các đối tượng sẽ chia chác với nhau theo vai trò trong từng vụ lừa đảo”, Thiếu tá Hà Huy Đức cho biết.

Phạm Đình Phi được xác định là đối tượng trực tiếp sử dụng CMND giả, mở tài khoản ngân hàng để các nạn nhân gửi tiền vào, sau đó rút lấy tiền mặt chia nhau
Phạm Đình Phi được xác định là đối tượng trực tiếp sử dụng CMND giả, mở tài khoản ngân hàng để các nạn nhân gửi tiền vào, sau đó rút lấy tiền mặt chia nhau

Bước đầu Phạm Đình Phi thừa nhận cùng các đối tượng khác thực hiện vụ lừa đảo một nạn nhân ở Nha Trang (Khánh Hòa), chiếm đoạt hơn 3,4 tỷ đồng. Số tiền sau khi được chia chác Phi dùng để mua ma túy sử dụng, sắm các thiết bị điện tử đắt tiền và mua sắm hàng hiệu...

Hiện PC45 đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với Phạm Đình Phi để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng thu thập đủ chứng cứ khẳng định kẻ chủ mưu, đứng sau chỉ đạo các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn trên là Nguyễn Văn Phi (SN 1990, trú tại xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Nguyễn Văn Phi hiện không có mặt địa phương, cơ quan cảnh sát điều tra đã phát lệnh truy nã toàn quốc đối tượng này.

Hoàng Lam