1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vụ CSGT nhờ giang hồ đánh chết người: Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm

(Dân trí) - Theo HĐXX phúc thẩm, trong vụ án này cấp sơ thẩm có nhiều điểm vi phạm tố tụng vì lời khai của các bị cáo có nhiều điểm mâu thuẫn mà chưa đối chất, tòa xét xử tội cố ý gây thương tích nhưng kết luận giám định chưa làm rõ nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của nạn nhân…

Ngày 29/9, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như (nguyên thượng úy, công tác tại Đội CSGT Công an quận Tân Bình, TPHCM) và đồng phạm về tội cố ý gây thương tích.

Trước đó, TAND TPHCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Như 12 năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Cùng tội danh trên, tòa tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Minh Chung (sinh năm 1992 tại Quảng Ngãi) 12 năm tù, bị cáo Phạm Thanh Kim Hạnh (sinh năm 1998 tại Đắc Nông) 5 năm tù, Nguyễn Đức Vững (sinh năm 1997 tại Quảng Ngãi) 11 năm tù và bị cáo Ngô Thành Vương (sinh năm 1997 tại Hải Dương) 9 năm tù.

Bị cáo Như một mực kêu oan.
Bị cáo Như một mực kêu oan.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Các bị cáo tại phiên tòa.

Sau phiên tòa sơ thẩm, chị Thảo (vợ nạn nhân Chín) đã nộp đơn kháng cáo, yêu cầu tòa cấp phúc thẩm làm rõ một số vấn đề mà bản án sơ thẩm chưa làm rõ.

Bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như cũng có đơn kháng cáo kêu oan. Theo bị cáo, quá trình điều tra chưa chứng minh được việc bị cáo có ý chí chủ quan là mong muốn tác động bằng vũ lực nhằm dẫn đến cái chết cho bị hại. Hậu quả chết người xảy ra là đau lòng, nằm ngoài ý muốn của Như và các bị cáo khác.

Theo cáo trạng, khoảng 21h30 ngày 25/6/2014, tổ tuần tra CSGT - Công an quận Tân Bình, gồm 7 thành viên do Như làm tổ trưởng đứng chốt trước đài tưởng niệm liệt sĩ (giao lộ ngã tư Trường Chinh và Tân Kỳ - Tân Quý, phường 13, quận Tân Bình).

Đến 22h20 cùng ngày, tổ tuần tra phát hiện anh Chín điều khiển xe mô tô có biểu hiện sử dụng rượu bia nên đã ra hiệu dừng xe kiểm tra. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của anh Chín vượt quá quy định nên CSGT đã lập biên bản, tạm giữ phương tiện nhưng anh Chín không đồng ý ký tên vào biên bản mà còn cự cãi.

Như đến giải thích và đề nghị anh Chín chấp hành việc lập biên bản nhưng anh Chín vẫn tiếp tục cự cãi, la lối và lớn tiếng chửi lại tổ công tác.

Sau đó, Như điện thoại cho Chung (là người quen của Như) yêu cầu tới hỗ trợ. Sau khi nhận được điện thoại của Như, Chung gọi thêm 1 số bạn bè đến đánh dằn mặt anh Chín.

Sau khi bị nhóm côn đồ đánh, anh Chín được đưa đi cấp cứu nhưng đã chết tại BV Thống Nhất 2 ngày sau.

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Như phủ nhận cáo trạng, bản án sơ thẩm cho rằng chỉ nhờ Chung đến đưa ông Chín về nhà. Trong khi đó, Chung khai rằng Như gọi đến đánh để dằn mặt ông Chín, không có chuyện đưa về. Ba bị cáo còn lại cũng thừa nhận việc đánh ông Chín đến chết.

Bà Dương Thị Thảo (vợ nạn nhân) phản đối kết luận giám định này vì cho rằng không khách quan, không đúng nguyên nhân gây ra cái chết của chồng. Bà yêu cầu chuyển tội danh đối với các bị cáo thành tội giết người và không đồng ý việc bị cáo Như tại ngoại.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định quá trình tố tụng cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng vì còn nhiều điều chưa được làm rõ. Trong vụ án này, lời khai của các bị cáo có sự mâu thuẫn với nhau nên cần đối chất làm rõ đâu mới là lời khai đúng sự thật. Các bị cáo bị truy tố, xét xử tội cố ý gây thương tích nhưng kết luận giám định chưa làm rõ nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của nạn nhân…

Vì vậy, HĐXX quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về Viện KSND TPHCM để điều tra xét xử lại.

Xuân Duy