1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Khánh Hòa:

Vụ “ăn chặn” kỳ nam: Nhân chứng khai không “khớp” nhau

(Dân trí) - Ngày 29/9, TAND Khánh Hòa đưa ra xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” xảy ra năm 2012 đối với 4 công an huyện Khánh Sơn, trong đó có nguyên Trưởng công an huyện.

Vụ “ăn chặn” kỳ nam: Nhân chứng khai không “khớp” nhau
Bị cáo Nguyễn Thành Trung (mặc áo tay dài, nguyên trưởng Công an huyện Khánh Sơn) tại phiên tòa phúc thẩm sau khi có đơn kháng cáo kêu oan.
Trước đó, ngày 20/6, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Trung (nguyên trưởng Công an huyện Khánh Sơn) 10 năm tù về tội“Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Các bị cáo Luân Văn Nam (trú thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) 3 năm tù; Nguyễn Hồng Hà (nguyên Đội trưởng Đội CSGT Công an Khánh Sơn) và Vũ Anh Trung (nguyên Đội trưởng Đội cảnh sát Kinh tế Môi trường Công an Khánh Sơn) cùng mức án 5 năm 6 tháng tù; Trần Lệ Kiên (nguyên phó đội trưởng Đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an Khánh Sơn) 5 năm tù, cùng về tội“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Phiên tòa phúc thẩm ngày 29/9 được mở theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nam và đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Thành Trung (nguyên trưởng Công an huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa). Đến 18h20 cùng ngày, HĐXX mới kết thúc phần xét hỏi vì các nhân chứng khai mâu thuẫn nhau.

Theo hồ sơ vụ án, vào tối 27/9/2012, bị cáo Thành Trung gặp mặt các bị cáo Anh Trung, Hà, Kiên, Trần Văn Khánh (người đào trầm) tại quán cà phê tại thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn để bàn bạc việc ăn chia tiền bán trầm kỳ. Tuy nhiên, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Thành Trung đã trưng ra văn bản mang chữ ký, xác nhận chính quyền nơi cư trú của ông Phạm Hồng Ngọc (ngụ thị trấn Tô Hạp), ông Đỗ Nguyên Tuấn (xã Ba Cụm Bắc) và ông Nguyễn Quốc Khanh (cán bộ Phòng TNMT huyện Khánh Sơn), xác nhận họ dự cuộc nhậu đêm 27/9 ở quán Quê Hương (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) với bị cáo.

Tại tòa, ông Ngọc cho biết, sau khi kiểm tra hỏi lại một số người cùng bàn nhậu, ông xác thực ông Trung có nhậu khoảng thời gian từ 18h30 đến 22h ngày 27/9/2012. Với nhân chứng Đỗ Nguyên Tuấn, khoảng 18h30 ngày 27/9/2012, ông Tuấn có chào ông Trung ở quán nhậu trên, nhưng không xác nhận được ông Trung về vào thời gian nào. Trong khi đó, 2 bị cáo có liên quan trực tiếp là Hà và Anh Trung đều khẳng định bị cáo Thành Trung là người tham gia trực tiếp việc “ăn chia” tỷ lệ 40-40-20 số tiền bán trầm kỳ.

Trước đó, vào tháng 9/2012, tại khu vực núi Gộp Ngà (thôn Ma O, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn) có rất nhiều người dân tụ tập thành từng nhóm đến đào bới, tìm kiếm trầm kỳ trái phép, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Ngày 24/9/2012, UBND huyện Khánh Sơn ban hành quyết định thành lập Đội liên ngành làm công tác vận động quần chúng, ngăn chặn việc khai thác trầm kỳ trái phép tại xã Sơn Trung.

Đội liên ngành gồm các lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ… do Vũ Anh Trung làm Đội trưởng, Nguyễn Hồng Hà làm Đội phó.

Cuối tháng 9/2012, rất đông phu trầm đứng đơn tố cáo một số cán bộ trong đội liên ngành của huyện đã “ăn chặn” trầm của họ mà không chia như thỏa thuận trước đó với các phu trầm.

Sau khi vào cuộc điều tra, cơ quan công tố kết luận, tối ngày 26/9/2012, Vũ Anh Trung, Hà, Kiên đã có hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong việc thu giữ 1 đoạn trầm kỳ khai thác trái phép gây thiệt hại lợi ích Nhà nước 3,8 tỉ đồng.

Trong khi đó, Nam đã cùng với Hà thu giữ 1 đoạn trầm kỳ khai thác trái phép gây thiệt hại lợi ích Nhà nước 350 triệu đồng. Đối với Thành Trung biết rõ 2 đoạn trầm kỳ này là tài sản do 4 người trên phạm tội mà có, nhưng vẫn đứng ra thực hiện việc mua bán, đưa ra tỉ lệ ăn chia nhằm mục đích hưởng lợi.

Ngày 30/9, tòa tiếp tục xét xử.

Viết Hảo