1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Hải Phòng:

Vụ án 2 cái mũ: Chỉ xin được làm công dân tốt

(Dân trí) - Phiên tòa xét xử vụ án cướp giật 2 cái mũ của nữ sinh đã kết tội 4 thanh thiếu niên mức án gần 8 năm tù giam. Người phạm tội “trêu gái “ vừa có đơn kháng cáo xin được làm 1 công dân tốt.

“Em không muốn mất học”

Trong dòng nước mắt cậu bé Vũ Văn Lộc (sinh ngày 30/3/1996, nguyên học sinh lớp 11b, trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Tiên Lãng) mong muốn: "Nếu Tòa đã bảo em phạm tội rồi thì xin cho em được hưởng án treo để em không mất học. Em không muốn ngồi tù.”.
 
Ước mơ của cậu bé này quá đỗi giản dị nhưng đã trở nên vô cùng khó khăn sau phiên xử của tòa án huyện Tiên Lãng vừa qua. Không chỉ bị cáo mà gia đình, địa phương cũng khẩn khoản xin một điều như vậy nhưng cũng đã không được chấp nhận vì “hành vi phạm tội nguy hiểm” cần bỏ tù 4 thanh niên đề phòng ngừa chung cho xã hội. Người bào chữa là cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý Hải Phòng cũng đã đề nghị hội đồng xét xử cho các em được hưởng án treo nhưng cũng bị bác bỏ.

Những đứa trẻ hồn nhiên vô tư nay mang án tù vì  tội nguy hiểm
Những đứa trẻ hồn nhiên vô tư nay mang án tù vì  "tội nguy hiểm"

Trước thái độ kiên quyết để giữ nghiêm công lý tại phiên tòa ngày 3/4/2014 của tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng, 4 thanh thiếu niên sau vụ” trêu gái” đã bị tuyên phạt gần 8 năm tù giam về tội cướp giật tài sản do “hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”.

Ngày sau phiên tòa, các bị cáo và gia đình đã có đơn kháng cáo lên tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng để xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 13/4, em Vũ Văn Lộc (sinh ngày 30/3/1996, trú tại thôn Xuân Trại, xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng), là một trong 4 bị cáo đã tự tay viết đơn kháng cáo gửi tòa cấp trên xin được "trở thành một công dân có ích”.

Trong đơn gửi tòa án, em Lộc trình bày: "Tôi bị tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng xét xử …18 tháng tù giam”. Không giám mơ trắng án mà Lộc chỉ khẩu cầu xin được hưởng án treo. Mục đích của em thật giản dị nhưng trong hoàn cảnh hiện tại thì thật xót xa. Lộc khẩn cầu trong tha thiết: "Tôi kháng cáo phần hình phạt mà Tòa Tiên Lãng xử và đề nghị Tòa án thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho tôi được hưởng án treo để tôi được tiếp tục đi học, thực hiện ước mơ của mình và trở thành công dân có ích”.

Những tội nhân này vốn dĩ chỉ là những đứa bé ngoan, yêu lao động
 
Những tội nhân này vốn dĩ chỉ là những đứa bé ngoan, yêu lao động
Những tội nhân này vốn dĩ chỉ là những đứa bé ngoan, yêu lao động

Một đứa bé theo anh họ đi trêu gái khi còn chưa đủ tuổi thành niên và cứ nghĩ rằng trò đùa đó là vô hại. Sau những ngày dài tạm giam và trước phán quyết của tòa đã phải khẩn khoản bày tỏ muốn được đi học để làm người có ích. Lời khẩn cầu của em, của gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương đã không được chấp nhận để thay đổi “bản án đã định” tại phiên tòa sơ thẩm.

Ông Vũ Văn Thành (sinh năm 1964) là bố đẻ của cháu Lộc cũng đã làm đơn đề nghị xin được xem xét cho con trai ông được hưởng án treo. Ông Thành trình bày trong đơn gửi các cơ quan chức năng: "Gia đình, nhà trường cùng với UBND xã Bắc Hưng đã có đơn xin cam kết sẽ giám sát, quản lý, giáo dục cháu không để cho cháu có bất kỳ sai phạm nào khác”. Người nông dân nghèo khổ này chỉ cầu mong một điều duy nhất cho con mình đó là van xin một cơ hội” để cháu tiếp tục được đi học để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”.

“Chúng tôi sợ mất con mình”

Trao đổi với PV Dân Trí, ông Vũ Thanh Sông, bố đẻ của bị cáo Vũ Thanh Hùng (sinh năm 1997) cho biết: "Con trai tôi khi bị bắt đang là học sinh lớp 9b, trường THCS Đông Hưng. Bây giờ thì cháu đã có quyết định thôi học vì bỏ học quá quy định do bị tạm giam. Cương vị người làm cha làm mẹ như tôi với con trẻ đau lòng nhất hai điều là con thất học và bị tù đày. Gia đình tôi chịu một lúc hai nỗi đau đấy. Không biết rồi đây con tôi, đứa bé chưa đủ khôn lớn chưa 1 ngày rời xa vòng tay bố mẹ sẽ thành ai, thành cái gì trong xã hội này sau khi mãn hạn tù ?” Người cha ấy nói đoạn gạt vội nước mắt quay mặt đi tức tưởi khóc.

Những bà mẹ trong vụ án “hiếm” 2 cái mũ này đến giờ phút này gần như đã kiệt quệ. Những người đàn bà nơi vùng quê nghèo ấy đã từ nhiều tháng nay ra đường không tự tin để ngẩng mặt lên nhìn xóm láng. Dù sao thì họ cũng là người đẻ ra những” tội phạm nguy hiểm” cho vùng quê vốn yên bình này. Họ đã không còn hi vọng gỡ tội cho con mình bởi họ biết luật pháp đã ban ra rồi.
 
Bà Nguyễn Thị Miềm, mẹ đẻ bị cáo Vũ Văn Lộc thất vọng nói: "Khi nghe con bảo hôm nay bạn nó bị bắt vì chúng nó lấy mũ trêu bạn gái, tôi đã không tin. Cái trò đấy ngày xưa tôi còn trẻ cũng bị mấy bạn trong làng trêu suốt. Cũng vì những trò trêu đùa đấy mà trai gái nông thôn đến với nhau nên vợ nên chồng. Nhưng đến khi chính con tôi bị còng tay số 8 mang đi thì tôi như ngã gục. Tôi không hiểu luật pháp kiểu gì, nhân tình ở đâu?” .
 
Từ đau đớn hoang mang ban đầu người mẹ này dần thành không phục. Bà nói: "Hai bên gia đình chúng tôi đều là những gia đình giàu truyền thống cách mạng, có đến chết cũng chả ai tin nổi có ngày con cháu trong nhà phá gia phong phạm tội.Vì cái mũ vải xuất phát từ hành vi trêu đùa nhau mà con tôi đi tù, tôi thực không phục”.

Những nén hương thay lời khẩn cầu trong vô vọng về một mức hình phạt không phải nhà tù cho con trẻ
Cụ Vuốt, dưới những chiến công cách mạng của gia đình đau đáu về hai đứa cháu không may thành tội cướp

Riêng ông Nguyễn Bá Hùng, bố của bị cáo Nguyễn Bá Thịnh thì luôn lo sợ về sự không lành cho tương lai cả 4 đứa bé phải ngồi tù. Ông Hùng bày tỏ: "Tại phiên tòa sơ thẩm, tôi đã bày tỏ quan ngại việc bỏ tủ mấy đứa bé non dại chỉ vì 2 cái mũ trị giá 60 nghìn đồng có cần thiết không. Nhà đá đâu phải nơi đầu tiên để giáo dục, định hướng tương lai một đứa trẻ. Sau lần đi tù này về, con chúng tôi sẽ biết thêm những thứ ở nhà tù mà một người dân lương thiện không nên biết. Cá nhân tôi sẽ không chấp nhận bản án tòa đã định tội cho con mình, tôi sẽ đấu tranh. Vì chấp nhận bản án đó là tôi nhìn thấy cảnh mình mất con rất gần”.

Liệu sau khi nhận được đơn kháng cáo đề nghị xử phúc thẩm vụ án cướp 2 cái mũ, 4 thanh thiếu niên phạm tội có được Tòa thành phố Hải Phòng soi xét. Ước nguyện được đi học để làm người công dân có ích của các em liệu có làm “động lòng” hội đồng xét xử?

Hoài Anh