1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Viện Kiểm sát “cảm thấy rất gợn” về lời khai của cựu Chủ tịch Đà Nẵng

(Dân trí) - Đại diện Viện Kiểm sát cho biết, cơ quan công tố “cảm thấy rất gợn” trước lời khai của ông Trần Văn Minh. Trong khi các thuộc cấp của ông đều thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật theo chỉ đạo cấp trên thì bị cáo này lại cho rằng những việc mình làm phù hợp pháp luật.

Viện Kiểm sát: Ông Minh áp dụng luật cũ

Trong ngày thứ 3 xét xử hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng, bị cáo Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) được yêu cầu trả lời thẩm vấn khá nhiều. Ông Minh bị cáo buộc đã ký ban hành các văn bản pháp lý chỉ đạo chủ trương quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước đối với việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất công sản và quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố.

Các công văn, quyết định này trái với các quy định của Nghị định số 61/CP về mua bán và kinh doanh nhà ở, quyết định 09/2007 của Thủ tướng về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và các quy định của pháp luật về đất đai.

Viện Kiểm sát “cảm thấy rất gợn” về lời khai của cựu Chủ tịch Đà Nẵng - 1
Cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh.

Trước những lời khai của bị cáo Minh tại tòa, đại diện VKS cho biết, cơ quan công tố “cảm thấy rất gợn” vì trong quá trình trả lời thẩm vấn, các bị cáo là cấp dưới của hai cựu Chủ tịch đều thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật theo chỉ đạo cấp trên. Tuy nhiên, bị cáo Minh lại khẳng định những chủ trương, quyết định đã thực hiện đều phù hợp pháp luật.

Trả lời xét hỏi của đại diện VKS, ông Minh thừa nhận 22 nhà, đất công sản mà cáo trạng xác định có sai phạm và truy tố trong vụ án là tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, những nhà, đất này không thuộc diện nhà ở nên không phải đối tượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định 61/1994 như cáo trạng truy tố vì các công ty mua lại để kinh doanh chứ không phải để ở.

Đại diện VKS nêu rõ, bị cáo Minh trích dẫn căn cứ Nghị định 38/2000 để giảm giá 10% khi cho chuyển nhượng nhà đất công phù hợp với luật. Tuy nhiên, Nghị định 38 là hướng dẫn thực hiện theo Luật đất đai năm 1993, trong khi toàn bộ 22 nhà đất công sản mà Viện kiểm sát truy tố ở vụ án này được xác định sai phạm tính từ năm 2004 đến 2014, áp dụng theo Luật đất đai 2003.

“Phải chăng là bị cáo đang áp dụng luật đất đai cũ. Nghị định 38 cũng đã được thay thế bằng Nghị định 198 năm 2004, những người mua tài sản nhà nước không qua đấu giá thì không được giảm tiền sử dụng đất.” - đại diện VKS nói.

Cựu Chủ tịch Đà Nẵng biện luận, Nghị định 38 hết hiệu lực năm 2004 nhưng đối với Đà Nẵng có Quyết định 13 của Thủ tướng cho cơ chế riêng. Đại diện VKS cắt ngang lời khai của ông Minh vì cho rằng đang làm rõ hành vi vi phạm luật hình sự của bị cáo chứ không đề cập đến việc thực hiện theo Nghị quyết, Quyết định nào.

Cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh đây là sự sáng tạo của Đà Nẵng nhưng bị HĐXX yêu cầu tập trung vào các câu hỏi của đại diện VKS.

Khi được hỏi quen Vũ “nhôm” từ thời điểm nào, ông Minh nói không rõ ngày tháng mà chỉ trả lời trong thời gian làm Chủ tịch Đà Nẵng từ năm 2006 đến năm 2011. Trước lời khai trên, đại diện VKS cho rằng bị cáo nói trái ngược với lời khai tại cơ quan điều tra.

Sai sót mang tính sáng tạo?

Được đại diện VKS đề nghị lên đối chất, giám định viên tư pháp của Bộ Xây dựng cho rằng việc UBND TP Đà Nẵng có quyết định nhà đất đang cho thuê được duyệt bán nhà theo diện công sản nếu nộp tiền một lần là trái với Nghị định 61 của Chính phủ. Theo lý giải của giám định viên, những người đang thuê nhà ở của Nhà nước thì được mua và khi mua thì phải mua theo các quy định của Nghị định 61/1994. Nhưng TP Đà Nẵng lại thực hiện bán theo diện công sản, trái với quy định pháp luật.

Đà Nẵng áp dụng Nghị định 38/2000, trong đó có quy định giảm 20% cho một số trường hợp. Tuy nhiên, tháng 10/2004, Nghị định này hết hiệu lực, được thay thế bằng Nghị định 198/2004, do vậy các quyết định của Chủ tịch UBND TP sau thời điểm này là trái với Nghị định 198 vì Nghị định 198 không quy định việc giảm tiền sử dụng đất.

“Về việc bán chỉ định theo Nghị định 140/2008, trong Nghị định có quy định ba trường hợp được bán chỉ định. Thứ nhất là sau thời hạn thông báo đấu giá mà chỉ có một tổ chức tham gia. Thứ hai là bán để phục vụ mục đích xã hội hóa. Thứ ba là bán cho những tổ chức cá nhân đang thuê cơ sở nhà đất đó nhưng với điều kiện phải nằm trong phương án tổng thể sắp xếp đã được phê duyệt và phải là Sở Tài chính thẩm định giá để trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Nếu bán mà không đáp ứng đủ các điều kiện đó thì có nghĩa là trái với quyết định của Thủ tướng.” - giám định viên nói.

Tiếp tục trả lời thẩm vấn của luật sư, cựu Chủ tịch Trần Minh trình bày, khi Thanh tra Chính phủ vào thanh tra cũng đặt vấn đề giảm giá 10% này là vi phạm, UBND TP Đà Nẵng cũng đã có giải trình.

Bộ Chính trị sau đó có thành lập đoàn kiểm tra để xem xét cho khách quan. Ủy ban kiểm tra có báo cáo, trong đó phân tích, nói có sai sót, nhưng cũng có tính sáng tạo, mang lại hiệu quả.

“Lúc đó Bộ Chính trị nói làm hiệu quả nhưng không xin ý kiến Trung ương. Nghị quyết Trung ương cho TP Đà Nẵng được hưởng quy chế đặc thù, nhưng không xin ý kiến Trung ương là sai sót.” - ông Minh trình bày.

Tiến Nguyên