1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Từ 1/1/2018, thao túng thị trường chứng khoán thu lời 500 triệu đồng sẽ bị xử lý hình sự

(Dân trí) - Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018), đối với tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, trường hợp có khoản thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự.

Như tin đã đưa, Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Nguyễn Vân Giang (Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á - Chi nhánh Hà Nội) với tội danh “Thao túng giá chứng khoán” theo quy định tại Điều 181c, Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Nguyễn Vân Giang bị khởi tố về tội Thao túng giá chứng khoán.
Nguyễn Vân Giang bị khởi tố về tội "Thao túng giá chứng khoán".

Theo luật sư Trường Anh Tú, Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, thị trường chứng khoán, trước đòi hỏi của tiến trình phát triển kinh tế xã hội, tội “Thao túng giá chứng khoán” được bổ sung vào BLHS từ năm 2009 nên mới có ký hiệu “181c” như vậy.

“Trên thực tế, rất ít trường hợp bị khởi tố về tội danh này. Đây là lần thứ 2 tội danh “Thao túng giá chứng khoán” bị khởi tố. Trước đó, ngày 30/12/2011, ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Dược Viễn Đông - bị kết án 4 năm tù về tội thao túng giá chứng khoán.” - luật sư Trương Anh Tú thông tin và cho biết, mặc dù tội danh này không mới theo quy định của BLHS nhưng lại rất mới trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử.

Trong thực tế, theo luật sư Tú, các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh chứng khoán đã và đang diễn ra âm thầm. Trong năm 2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hành chính và chuyển cơ quan công an các giao dịch có dấu hiệu thao túng là 320 trường hợp với tổng số tiền xử phạt là 18,5 tỷ đồng.

“Việc khởi tố điều tra về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” đối với Nguyễn Vân Giang là dấu hiệu cho thấy hoạt động vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán đang ngày càng diễn biến phức tạp. Các hành vi của những kẻ trục lợi có thể thu về những khoản lợi bất chính khổng lồ, gây thiệt hại cho những người đầu tư và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự minh bạch trong hoạt động chứng khoán.” - Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú nhìn nhận.

Theo quan điểm của luật sư Tú, tại BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (đang có hiệu lực), quy định trong lĩnh vực chứng khoán còn hạn chế, chưa theo kịp được sự thay đổi phát triển của ngành này. Mặt khác, hiện nay, các trường hợp không có khoản thu lời hay không xác định được thiệt hại mới chỉ bị xử phạt hành chính, không thể xử lý hình sự, do đó không đủ tính răn đe đối với hành vi này.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn, BLHS năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) được bổ sung thêm các tội: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209); Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 210); Tội thao túng thị trường chứng khoán (Điều 211); Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212).

Đáng chú ý, BLHS 2015 quy định đối với tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán”: trường hợp có khoản thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự.

“Điều này sẽ tạo ra hành lang pháp lý để tiến hành xử lý hình sự các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán. Thêm vào đó, BLHS 2015 có một nội dung quan trọng là bổ sung thêm căn cứ xác định tội phạm. Nếu theo luật hiện hành, một trong các căn cứ xác định tội phạm là phải “gây hậu quả nghiêm trọng” thì trong BLHS 2015 bổ sung thêm căn cứ “thu lợi bất chính”.

Sở dĩ có việc bổ sung thêm căn cứ xác định tội phạm này là do đặc thù của thị trường chứng khoán, với hành vi thao túng giá chứng khoán, rất khó xác định được thiệt hại. Chính vì vậy, mặc dù Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã tiến hành xử phạt hàng loạt các tổ chức cá nhân có hành vi thao túng giá chứng khoán, cá biệt mức phạt lên đến 705 triệu đồng, nhưng lại không thể truy tố, xử lý hình sự đối với các trường hợp này bởi hầu như không thể xác định những nhà đầu tư nào bị thiệt hại do hành vi thao túng giá chứng khoán.” - luật sư Trương Anh Tú phân tích.

Luật sư Tú cho rằng, với nhiều sự thay đổi, BLHS 2015 được sẽ kỳ vọng tạo ra bước đột phá trong việc xử lý, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động chứng khoán, tạo ra sự minh bạch trong hoạt động này.

Tiến Nguyên