1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TPHCM:

Trộm cắp như “người nhện” đại náo khu dân cư

(Dân trí) - Án trộm cắp tài sản tại TP.HCM luôn chiếm tỷ lệ cao nhất, đặc biệt, thời gian gần đây bọn “đạo chích” còn bất chấp thủ đoạn, táo tợn “đột vòm” theo kiểu “người nhện”.

Một “người nhện” sau khi bị bắt đã diễn lại cảnh đột nhập vào nhà cao tầng trộm cắp tài sản
Một “người nhện” sau khi bị bắt đã diễn lại cảnh đột nhập vào nhà cao tầng trộm cắp tài sản

Theo phản ánh của người dân cư ngụ tại chung cư K26 nằm trên đường Dương Quảng Hàm (P.7, Q.Gò Vấp), vừa qua một số căn hộ tại đây đã bị kẻ gian đột nhập trộm cắp tài sản. Nạn nhân gần đây nhất là anh Trần Việt D. (28 tuổi ở lô N04). Anh D. cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, căn hộ 403B của anh đã bị trộm “hỏi thăm” hai lần. Lần gần đây nhất xảy ra vào giữa tháng 8/2013, khi thức dậy đi làm, anh D. hốt hoảng phát hiện ví tiền của mình nằm ở ban công nhà.

Kiểm tra tài sản, anh D. đã bị kẻ gian đột nhập lấy một máy tính xách tay, một điện thoại di động, một máy ảnh kỹ thuật số và toàn bộ số tiền trong ví. Cửa chính vẫn khóa nên bọn trộm chỉ có thể vào căn hộ của anh qua đường ban công.

Tiếp đến vào 22/10, chị Phượng (ngụ phòng 505, chung cư TDH Phước Bình, quận 9) thức giấc chuẩn bị đi làm thì hốt hoảng phát hiện nhiều tài sản trong nhà gồm 4 điện thoại đắt tiền, 1 Ipad 3, 1 túi xách hàng hiệu, 10 triệu đồng tiền mặt, thẻ ATM và nhiều giấy tờ tùy thân khác đã bị kẻ gian lấy mất.

Ngay sau đó, chị Phượng đã trình báo bảo vệ chung cư. Lực lượng công an địa phương cũng có mặt ghi nhận vụ việc. Theo phỏng đoán ban đầu của những người cư ngụ trong chung, có thể tên trộm đã leo từ tầng 1 lên đến tầng 5 bằng dây thừng, các thanh sắt ở buồn phơi quần áo rồi trèo qua ban công đột nhập vào phòng 505 trộm tài sản.

Người dân cư ngụ nơi đây phản ánh, dù chung cư Phước Bình đã có người ở trên 70% số lượng căn hộ nhưng chủ đầu tư vẫn chưa tổ chức hội nghị chung cư như quy định nên nhiều vấn đề ảnh hưởng đến đời sống người dân chưa được giải quyết thấu đáo. Đặc biệt, công viên phía trước chung cư vốn không được chủ đầu tư bao bọc tường vây nên những kẻ nghiện ma túy thường tụ tập ở đây ăn nhậu, la hét, làm mất an ninh trật tự.

Hình ảnh một tên trộm “đột vòm” vào nhà dân giữa đêm bị camera an ninh ghi lại
Hình ảnh một tên trộm “đột vòm” vào nhà dân giữa đêm bị camera an ninh ghi lại

Mới đây, Công an Q.8 đã triệt phá băng nhóm “người nhện” từng gây ra 11 vụ trộm tài sản. Các đối tượng tuổi đời chỉ từ 18 đên 22 tuổi, tụ tập lang thang. Sau khi bị bắt giữ, bọn chúng khai nhận thường hành động vào khoảng 2h sáng. Băng nhóm này khá chuyên nghiệp khi phân chia nhiệm vụ cụ thể như: cảnh giới, chuyển đồ và đột nhập. Bọn chúng “khoắng” mọi thứ có thể, nếu thuận lợi sẽ xuống tầng trệt tìm chìa khóa mở cửa trộm xe máy đưa ra ngoài.

Không chỉ các căn hộ tại chung cư cao tầng, bọn trộm còn ngang nhiên “đột vòm” vào nhà dân để trộm cắp. Mới đây, “người nhện” đã leo vào một căn nhà ba tầng ở P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức). Camera an ninh đã kịp ghi lại, hình ảnh cho thấy, tên trộm này đội nón, đeo mắt kính, bịt khẩu trang kín mít đu qua tường vào nhà. Do căn nhà được trang bị nhiều lớp cửa nên tên trộm bỏ cuộc.

Điều đáng nói, bọn đạo chích” ngoài những khả năng leo trèo như “người nhện” còn có thể tự chế hàng chục loại đoản phá khóa, vam phá khóa, chìa dò bi, đột nhập nhà dân…

Sau khi “ăn hàng” xong, tên trộm còn bình thản ngồi kiểm tra số tài sản vừa lấy được
Sau khi “ăn hàng” xong, tên trộm còn bình thản ngồi kiểm tra số tài sản vừa lấy được

Theo khuyến cáo của Công an TPHCM, tình trạng đột nhập nhà cao tầng để trộm cắp là vì người dân chưa thực sự cảnh giác. Dù trang bị cửa nẻo ở tầng trệt khá kỹ, có khi đến ba, bốn lớp cửa nhưng lại thiếu cảnh giác ở các tầng trên, chỉ sử dụng các dạng khóa thông thường, có khi còn quên đóng cửa nên bọn trộm cắp mới có cơ hội đột nhập vào, cần thận trọng ở tất cả những nơi có thể ra vào của căn nhà.

Đối với các chung cư tập trung nhiều hộ gia đình, có hiện tượng bọn trộm sắm vai sinh viên, người ngoại tỉnh đến thuê nhà sống ngay trong chung cư, đợi thời điểm thích hợp gây án. Theo nhận định của Đội phòng, chống tội phạm trộm cắp, lừa đảo thuộc Phòng CSĐT (PC45) Công an TPHCM, tình trạng này có thể kéo giảm bằng cách cộng đồng dân cư phải trực tiếp giám sát hoạt động của bảo vệ chung cư thay vì để chủ đầu tư quản lý như một số nơi. Nhiều bảo vệ chung cư trực ca đêm, thay vì thức canh gác tài sản thì lại ngủ, khi người dân báo mất mới biết.

Thống kê của Công an thành phố cho thấy, án trộm cắp tài sản tại TP.HCM từ đầu năm đến nay xảy ra gần 3.000 vụ, chiếm 53,77% trên tổng số vụ phạm pháp hình sự.

Trung Kiên