1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TPHCM:

Sự thật nào đằng sau vụ luật sư lừa chạy án?

(Dân trí) - Trong phiên tòa, bị cáo cho rằng, sở dĩ trước đó mình nhận tội là vì có sự dụ cung, ép cung của cơ quan điều tra…

Vướng vòng lao lý

Theo hồ sơ vụ án, ngày 16/11/2010, Nguyễn Minh Tuấn (nguyên Giám đốc công ty Lộc Bình Phú) bị cơ quan An ninh điều tra Bộ công an khởi tố trong vụ án Trương Công Dũng cùng đồng phạm phạm tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vào khoảng tháng 3/2011, sau khi được bà Nguyễn Thị Hiệp giới thiệu, Lương Anh Tiến (47 tuổi, ngụ TPHCM) đã thỏa thuận với vợ, con gái và con rể bị can tham gia làm luật sư bào chữa cho Tuấn.

Bị cáo 
Bị cáo Tiến trong phiên tòa phúc thẩm

Sau đó, Tiến thỏa thuận chi phí cho việc bào chữa là 100 triệu đồng nhưng không ký hợp đồng dịch vụ bào chữa mà chỉ thỏa thuận miệng. Tháng 6/2011, gia đình Tuấn đưa đủ chi phí bào chữa cho Tiến tại nhà bà Hiệp.

Trong quá trình tham gia vụ án, Tiến biết rõ hành vi của Tuấn rất nghiêm trọng với hai tội danh bị truy tố và sẽ bị xử phạt với khung hình phạt cao. Nhưng với ý định chiếm đoạt tiền, Tiến nhiều lần gặp gỡ gia đình Tuấn, tự giới thiệu là luật sư giỏi, từng tham gia những vụ án lớn để tạo niềm tin.

Không chỉ thế, Tiến còn hứa sẽ lo cho Tuấn được tại ngoại, sẽ tác động để VKSND TPHCM kiến nghị VKSND tối cao trả hồ sơ cho Bộ Công an điều tra theo hướng bỏ bớt một tội danh, chỉ còn lại một tội danh Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Đặc biệt, Tiến hứa hẹn Tuấn sẽ được Tòa án tuyên trắng án hoặc bằng thời hạn tạm giam, trả tự do tại tòa. Tiến bảo, để “chạy án” thành công cần đến 3 tỷ đồng.

Do tin tưởng Tiến là luật sư trực tiếp tham gia bào chữa trong vụ án, biết được những tình tiết có thể giúp cho Tuấn được trả tự do nên người thân Tuấn bốn lần đưa tổng cộng 1,81 tỷ đồng. Thế nhưng, ngày 21/9/2012, Tuấn được đưa ra xét xử và bị tuyên phạt tổng cộng 11 năm tù giam về hai tội danh trên. Lúc này, gia đình Tuấn biết mình bị lừa nên gửi đơn tố có đến cơ quan An ninh điều tra Bộ công an.

Hủy án vì còn nhiều bất nhất

Xét xử sơ thẩm, TAND TPHCM cho rằng, có đầy đủ cơ sở xác định Tiến phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên tuyên phạt 16 năm tù giam. Ngay sau đó, bị cáo viết đơn kháng cáo. Trong quá trình thụ lý vụ án, cấp phúc thẩm nhiều lần mở phiên tòa xét xử vụ án nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Ngày 6/11 vừa qua, TAND tối cao tại TPHCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Tiến. Ngay từ khi phiên tòa khai mạc, Tiến khẳng định: “Cấp sơ thẩm xét xử và tuyên phạt tôi không công bằng và quá nặng. Tòa hôm đó không làm rõ những điểm mâu thuẫn của vụ án, chưa làm rõ chứng cứ có thật và là sự thật của vụ án”.

Bức huyết thư Tiến viết trong lúc bị tạm giam
Bức huyết thư Tiến viết trong lúc bị tạm giam

Tiến khai, chỉ nhận 40 triệu đồng của gia đình Tuấn, là tiền thù lao bào chữa trong thời gian 22 tháng. Ngoài ra, Tiến khẳng định có nhận một số khoản tiền khác nhưng đó là tiền của bà Hiệp đã mượn của mình.

Tại phiên tòa, các nhân chứng là người thân của Tuấn khẳng định có đưa tiền cho bị cáo tổng cộng bốn lần với số tiền 1,81 tỷ đồng. Tuy nhiên, lời khai của họ không đồng nhất về cách thức đậu xe, cách thức giao tiền…

Khi được thẩm vấn, Tiến không đồng tình với lời khai của các nhân chứng. Bởi, họ đều có mối quan hệ thân thiết với nhau. Ngoài ra, bị cáo cho rằng giữa nhân chứng và người liên quan có sự thông cung. Gia đình Tuấn nhiều lần thay đổi số tiền Tiến lừa đảo. Lần đầu tiên là 200 triệu đồng và lần cuối cùng là 1,81 tỷ đồng. Số tiền này đều thay đổi phù hợp với số tiền bà Hiệp cho gia đình Tuấn mượn.

Khi được hỏi, tại sao trong các bản cung đầu tiên tại cơ quan điều tra, Tiến đều thừa nhận hành vi nhưng trong phiên tòa sơ thẩm đến nay lại phản cung. Thậm chí, trước đây, Tiến còn viết một bức huyết thư với nội dung mong được tha lỗi. Bị cáo khai, sở dĩ như vậy là vì mình bị ép cung, dụ cung. Điều tra viên hứa hẹn nếu nhận tội thì sẽ cho tại ngoại về ăn tết với gia đình…

Hôm đó, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng Tiến phạm tội và bác bỏ lời khai của bị cáo. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy lời khai của bị cáo, bị hại và người liên quan còn nhiều bất nhất, không phù hợp, chứng cứ buộc tội bị cáo yếu. Để không xảy ra oan sai, Tòa quyết định tuyên hủy toàn bộ bản án, trao trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử, điều tra lại từ đầu.

 Ngoài ra, cấp phúc thẩm kiến nghị điều tra bổ sung để xem xét trách nhiệm hình sự của những người liên quan đã có dấu hiệu đưa hối lộ.

Công Quang