1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Siêu lừa “cổ vật”

Nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích lừa đảo, Zhong Tielin và Yang Faqing đem những pho tượng làm bằng đồng, kẽm rồi “hóa phép” thành tượng vàng, đem đi lừa bán cho những người có máu chơi “cổ vật”.

Hai bị cáo Zhong Tielin và Yang Faqing trước vành móng ngựa tại phiên tòa hôm qua
Hai bị cáo Zhong Tielin và Yang Faqing trước vành móng ngựa tại phiên tòa hôm qua
 
Theo cáo buộc của cơ quan công tố, trước khi sang Việt Nam, Zhong Tielin (SN 1971) và Yang Faqing (SN 1972), đều trú tại huyện Nhâm Điền (TP Thụy Kim, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc), bàn bạc và giao cho đối tượng tên “A Ling” (hiện cơ quan điều tra chưa xác minh được lý lịch) chịu trách nhiệm liên lạc qua điện thoại, làm quen với những người có nhu cầu mua “cổ vật”. Sau đó, Tielin sẽ trực tiếp đến và giới thiệu mình là công nhân Trung Quốc, đang thi công một số công trình xây dựng tại Việt Nam, trong quá trình làm việc, có đào được một số cổ vật nhờ “tư vấn”.
 
Tưởng thật, nhiều “chuyên gia” đồ cổ nhận lời liền bị những tên đại bịp qua mặt bằng cách: Khi đến “xin” tư vấn, Tielin và Faqing mang theo một pho tượng Phật màu vàng và nhiều thỏi kim loại (chất liệu chủ yếu bằng đồng, kẽm và nhôm) cùng một mảnh giấy cũ kỹ, viết chữ Hán cổ giả, mang từ Trung Quốc sang. Tại nhà “chuyên gia” đồ cổ, Tielin và Faqing dùng cưa sắt, cưa một mẩu nhỏ từ thỏi kim loại hoặc một phần nhỏ trên pho tượng. Lợi dụng nhà “tư vấn” không chú ý, chúng đổi mẩu vàng thật có hình dáng tương tự rồi tán nhỏ và đưa cho “chuyên gia” mang đến hiệu vàng nhờ kiểm tra. Sau khi kiểm tra cho kết quả “mỹ mãn”, những “chuyên gia” hám lời liền bị lừa khi chúng gạ bán lại với giá rẻ không ngờ!
 
Điển hình, ngày 17-10-2011, thông qua mạng Internet, “A Ling” tìm đến nhà anh Đỗ Thái Hán (SN 1977, ở phố Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) và mang theo một pho tượng Phật màu vàng.
 
Tại đây, “A Ling” để Tielin và Faqing cắt một mẩu nhỏ ở pho tượng Phật, rồi đánh tráo bằng một mẩu vàng thật và đưa cho anh Hán nhờ mang đến hiệu vàng kiểm tra. Sau khi kiểm tra, tưởng pho tượng Phật bằng vàng, anh Hán đã đồng ý mua pho tượng cùng với 38 thỏi vàng giả hình thuyền, với giá 125.000 USD. Tuy nhiên, trong lúc đang giao dịch, nghi ngờ đây là những đồ cổ giả nên anh Hán báo CAP Trung Hòa, đến kiểm tra, bắt giữ cùng tang vật.
 
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng còn khai nhận: cùng thủ đoạn tương tự, ngày 10-8-2011, “A Ling” gọi điện cho ông Vi Tô Nam (SN 1952, trú tại phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) và giới thiệu, trong quá trình đang san lấp mặt bằng xây dựng công trình ở Huế, “A Ling” đào được một hũ đất, bên trong chứa một pho tượng Phật, 1 thỏi kim loại màu vàng và nhiều tiền cổ cùng tờ di chúc viết chữ Hán, muốn nhờ ông Nam xem hộ. Tưởng thật, ông Nam nhận lời, hẹn Tielin và Faqing ngày 15-8, mang theo số “cổ vật” trên cùng 6 pho tượng Phật khác và 65 thỏi kim loại màu vàng đến gặp để “tư vấn”. Sau đó, ông Nam cũng bị bọn chúng lừa bán cho số “cổ vật” rởm trên với giá 100.000 USD.
 
Hôm qua 11-7, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Zhong Tielin và Yang Faqing, bị Viện KSND TP Hà Nội cáo buộc phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139-BLHS và có khung hình phạt cao nhất là chung thân. Tại phần xét hỏi, cả hai bị cáo đều quanh co, giả bộ không hề biết ông Nam. Trước tình huống này, HĐXX đã công bố một loạt bút lục, trong đó thể hiện lời khai của bị cáo Zhong Tielin cho thấy, ngay sau khi bị bắt quả tang, bị cáo đã thừa nhận cùng với “A Ling”, Yang Faqing sang Việt Nam lừa đảo. Phi vụ lừa 100 nghìn USD của ông Nam, “A Ling” đã chia cho mỗi bị cáo 30 nghìn USD. Nhận xong phần được chia, cả hai bị cáo về nước qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).
 
Cuối giờ chiều qua, sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, HĐXX đã ra quyết định tuyên phạt Zhong Tielin 18 năm tù và Yang Faqing 17 năm, 6 tháng tù. Ngoài ra, các bị cáo còn phải có trách nhiệm trả lại toàn bộ số tiền là 100.000 USD, hiện còn chiếm đoạt của ông Vi Tô Nam.
 
Theo ANTĐ