1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Quan xã “ăn đất” và lời sám hối sau song sắt

(Dân trí) - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn của cán bộ địa chính, Nguyễn Sỹ T. đã tư lợi, làm thất thoát của Nhà nước hàng trăm triệu đồng nên phải chịu mức án 30 tháng tù. Sau song sắt, Nguyễn Sỹ T. đã có những lời “gan ruột” với cán bộ và nhân dân xã nhà.

LTS: Khi bài viết này đến với độc giả thì Nguyễn Sỹ T. mãn hạn tù trở về với gia đình, kết thúc quãng thời gian trả giá cho lỗi lầm của mình sau 4 bức tường trại giam. Tuy nhiên, bài học Nguyễn Sỹ T. rút ra sau sai lầm của mình là không hề cũ, đặc biệt là đối với một bộ phận cán bộ không làm đúng nhiệm vụ mà nhân dân giao phó. 

Quan xã “ăn đất” và lời sám hối sau song sắt (bài đăng Tết)
Hối tiếc những gì đã để vuột mất, Nguyễn Sỹ T. thấm thía hơn nỗi đau mà mình đã gây ra cho những ai đã tin tưởng và yêu mến mình. (Ảnh minh họa).

Nguyễn Sỹ T. nguyên là cán bộ địa chính một xã thuộc huyện Đô Lương, Nghệ An bị kết án 30 tháng tù giam về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” và “giả mạo hồ sơ”.

Trong năm 2008, cùng với một cán bộ khác, Nguyễn Sỹ T. đã lập khống danh sách nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, gây thất thoát cho nhà nước hàng trăm triệu đồng. Với hai hành vi này, Nguyễn Sỹ T. bị TAND huyện Đô Lương tuyên phạt 30 tháng tù giam trong phiên xử diễn ra hồi tháng 7/2012. Nguyễn Sỹ T. thi hành án tại Trại giam số 3 - Bộ Công an đóng tại xã Nghĩa Dũng, Tân Kỳ (Nghệ An).

Trong cuộc vận động “Viết thư sám hối” do Tổng cục III, Bộ Công An phát động, Nguyễn Sỹ T. đã có những lời gan ruột tạ tội với chính quyền và nhân dân trong xã.

“Với suy nghĩ góp sức mình xây dựng quê hương sao cho ngày một no ấm, hạnh phúc, ấy vậy mà bản thân tôi đã có những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của Ban lãnh dạo xã nhà, chính quyền địa phương, tổn thất kinh tế của nhà nước, làm mất đi niềm tin của nhân dân. Nghĩ lại mà không sao ngẩng mặt lên được, xấu hổ vô cùng”, bức thư của Nguyễn Sỹ T. viết.

Những ngày tháng ngồi sau song sắt trại giam, đối diện với bản án pháp luật đã tuyên, hơn ai hết, Nguyễn Sỹ T. đã thấm thía cái giá mà mình phải trả. Sau những ngày tự soi xét lại bản thân, tự rèn luyện mình, T. mới thấu hiểu được cuộc sống đời thường hạnh phúc và yên ả biết bao nhiêu.

Người đàn ông này đã từng khóc khi tự đối diện với 4 bức tường trại giam trong những đêm mất ngủ, khi vẳng đâu đó tiếng khóc trẻ con, tiếng ru hời của người mẹ. “Có những đêm trằn trọc vì nhớ nhà, nhớ vợ con mà lòng nghe ray rứt, khóe mắt cay cay, lòng nghẹn ngào khó tả, thương vợ con da diết.

Nhiều lúc ước sao được nâng niu đứa con thơ, ậm ờ lời ru cò lả mà nước mắt cứ trào ra. Bởi thế càng nghĩ lại càng hận bản thân đã sai lầm, khiến bao điều đỗ vỡ, hạnh phúc ly tan, cha mẹ tủi nhục với bà con xóm làng”, người đàn ông từng là “công bộc của dân” trải lòng qua trang giấy.

Hối tiếc những gì đã để vuột mất, Nguyễn Sỹ T. càng thấm thía hơn nỗi đau mà mình đã gây ra cho những ai đã tin tưởng và yêu mến mình. Thời gian đã cho T. nhìn nhận được lỗi lầm của mình dẫu rằng nó quá muộn màng. Trong thư, Nguyễn Sỹ T. đã thành thực cúi mình nhận lỗi trước Đảng và nhân dân xã nhà đồng thời “mong cán bộ, Đảng viên tha thứ cho tôi”.

“Bát nước đổ đi thì vớt lại cũng chẳng thể đầy. Tôi đã gây ra cho xã nhà những tổn thất nặng nề đến thế bởi tôi hiểu rằng sự mất niềm tin mà vạn sự mất tín. Biết bao giờ vết dơ tôi gây ra mới được rửa sạch cho uy tín của cơ quan xã nhà. Tôi biết rằng lỗi lầm của tôi gây ra là quá lớn, nhưng dù sao đi nữa tôi cũng muốn nói ra một lần nữa, xin Ban lãnh đạo và nhân dân xã nhà hãy tha thứ cho tôi”, Nguyễn Sỹ T. viết.

Hoàng Lam