1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Quân chủng Hải quân đã mất quyền sử dụng 3 khu “đất vàng”?

(Dân trí) - Trong khi đại diện VKS khẳng định Quân chủng Hải quân đã mất quyền sử dụng 3 khu đất ở TPHCM, vì 2 khu đất đưa vào liên doanh, 1 khu đất bị thế chấp ngân hàng thì luật sư lại có quan điểm khác...

Sáng nay (21/5), tại Hà Nội, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân (QCHQ) tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm liên quan đến sai phạm tại 3 khu “đất vàng” (khu đất số 2, số 7-9, số 9-11) của Bộ Quốc phòng tại đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TPHCM).

Quân chủng Hải quân đã mất quyền sử dụng 3 khu “đất vàng”? - 1

Quang cảnh phiên tòa.

Trước đó, trong phần tranh luận chiều 20/5, luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương và bản luận tội của Viện Kiểm sát (VKS) quân sự Quân chủng Hải quân cho rằng, các bị cáo đã làm cho Quân chủng Hải quân (QCHQ) mất quyền sử dụng đất 3 khu đất (số 2, số 7-9, 9-11) của Bộ Quốc phòng ở đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TPHCM) cần đánh giá đúng bản chất và nội dung.

Quân chủng Hải quân đã mất quyền sử dụng 3 khu “đất vàng”? - 2

Luật sư Hoàng Văn Hướng (ngoài cùng bên trái).

Theo ông Hướng, nếu căn cứ vào mục đích an ninh quốc phòng đối với việc sử dụng 3 lô đất nói trên, thì bất kể lúc nào, tài sản gì, Nhà nước và quân đội hoặc QCHQ vẫn có quyền trưng thu, trưng dụng để phục vụ các mục đích an ninh quốc phòng, vì đó là mục đích tối cao của mỗi quốc gia.

Việc cho rằng mất quyền quản lý 3 khu đất khi đã thông suốt quan điểm, chủ trương chuyển đổi mục đích đưa vào kinh doanh, làm kinh tế là mất đất là không thuyết phục. Mọi người đều hiểu rằng hết thời hạn 49 năm liên doanh liên kết, thì quyền sử dụng đất bất kể do ai quản lý sử dụng phải được trả lại cho QCHQ (Bộ Quốc phòng).

Tuy nhiên, trong phiên xử sáng nay (21/5), đối đáp phần tranh luận với luật sư Hướng về nội dung trên, đại diện VKS quân sự Quân chủng Hải quân tái khẳng định, QCHQ đã mất quyền sử dụng 3 khu đất trên, vì 2 khu đất đã đưa vào liên doanh (số 2 và số 9-11), 1 khu đất (7-9) đang bị thế chấp ở ngân hàng.

Quân chủng Hải quân đã mất quyền sử dụng 3 khu “đất vàng”? - 3

Đại diện VKS Quân sự Quân chủng Hải quân.

Về tài sản nhà nước bị quy kết thất thoát, luật sư Hướng đánh giá chỉ "chuyển hóa" từ giá trị đất sang dạng cổ phần. Các chủ thể, cá nhân liên quan việc thế chấp sai quyền sử dụng đất cho ngân hàng thì phải chịu trách nhiệm. "Do vậy, việc thất thoát tài sản có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm của cá nhân, hoặc tổ chức đem thế chấp mà không phải từ việc phê duyệt quyết định đem ba khu đất vào làm kinh tế của ông Hiến", luật sư Hướng nêu.

Luật sư kiến nghị xác định lại hậu quả vụ án, cho rằng hành vi của ông Hiến không gây thất thoát hơn 939 tỷ đồng như cáo trạng quy kết. "Số tiền vẫn còn đó khi các cơ quan đơn vị quản lý chưa giao vốn và hạch toán đúng đủ theo quy định", luật sư nói và cho hay cần dùng thuật ngữ "thất thu" với số tiền 939 tỷ đồng.

Đối đáp nội dung trên, sáng nay, đại diện VKS cho rằng, dùng từ “thất thoát” là đúng, bởi đến thời điểm hiện nay, Công ty Hải Thành vẫn chưa nộp số tiền hơn 939 tỷ đồng cho QCHQ.

Về các tình tiết xin giảm nhẹ hình sự và một số tình tiết khác của bị cáo Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) được luật sư Hướng đưa ra, VKS cho rằng đã rất đầy đủ và toàn diện về công lao đóng góp xây dựng quân đội QCHQ, đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Đối với các tài liệu là đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo Nguyễn Văn Hiến của các cựu chiến binh, thương binh thuộc một số xã, huyện của tỉnh Nam Định, VKS cho rằng, đây không phải là tình tiết giảm nhẹ theo quy định trong pháp luật, nhưng cũng là nội dung mà VKS đề nghị HĐXX xem xét khi lượng hình hoặc là "trong ý nhân văn".

Trong vụ án này, bị cáo Hiến bị cáo buộc phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và bị đề nghị mức án 3-4 năm tù. VKS Quân sự Quân chủng Hải quân cũng nhận thấy các văn bản ông Hiến ký, phê duyệt đều do các cơ quan tham mưu, đề xuất. Ông Hiến vì thế được xác định "phạm tội với lỗi vô ý vì quá tự tin, không có động cơ mục đích vụ lợi".

Út “trọc” phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là xác đáng!

Quân chủng Hải quân đã mất quyền sử dụng 3 khu “đất vàng”? - 4

Đinh Ngọc Hệ (ngồi giữa) lắng nghe đại diện VKS luận tội.

Trong phần tranh luận chiều 20/5, các luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”), cựu Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng (BQP), Chủ tịch HĐQT-Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P là không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và không liên quan đến Công ty Yên Khánh (công ty liên quan trực tiếp đến vụ án của khu đất số 7-9).

Tuy nhiên, phần đối đáp sáng nay, đại diện VKS tái khẳng định, Đinh Ngọc Hệ phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là hoàn toàn xác đáng. Đại diện VKS cho biết, sẽ không lặp lại phần luận tội đối với bị cáo Hệ vì đã trình bày đầy đủ ngày hôm qua (20/5).

Trong phận luận tội, VKS cho rằng, để thâu tóm khu đất số 7-9, Đinh Ngọc Hệ đã thành lập Công ty Yên Khánh (nhờ người cháu của mình đứng tên là bị cáo Vũ Thị Hoan). Sau đó, chỉ đạo Hoan ký tờ trình số 10 gian dối về năng lực của Công ty Yên Khánh để ký hợp đồng liên doanh với Công ty Hải Thành thuộc QCHQ để làm kinh tế trên khu đất số 7-9. Khi đạt được thỏa thuận với Công ty Hải Thành, 2 bên đã thành lập Công ty Yên Khánh Hải Thành. Khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khu đất số 7-9 sang tên cho Công ty Yên Khánh Hải Thành, Hệ đã chỉ đạo thuộc cấp mang đi thế chấp các ngân hàng để lấy tiền dùng vào việc khác.

Đề nghị tuyên trả nguyên trạng giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất số 7-9

Quân chủng Hải quân đã mất quyền sử dụng 3 khu “đất vàng”? - 5

Đại diện Ngân hàng BIDV.

Ngày 18/9/2019, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã tạm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất số 7-9 do Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Thành Đô giao nộp, ngày 23/9/2019 bàn giao khu đất số 7-9 cho Công ty Hải Thành quản lý, đây là tài sản thuộc sở hữu họp pháp của Quân chủng Hải quân bị phạm tội chiếm đoạt.

Sáng nay, đại diện BIDV đề nghị HĐXX tuyên trả nguyên trạng vật chứng là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Công ty Yên Khánh Hải Thành ở khu đất số 7-9 cho BIDV để các bên tiếp tục thực hiện thế chấp đã được xác lập hợp pháp;

Đề nghị HĐXX cho phép giải tỏa việc phong tỏa các tài khoản thanh toán của các bên vay của các người liên quan; giải tỏa kê biên các tài sản không liên quan trực tiếp đến vụ án của các bên vay, của những người liên quan, Công ty Yên Khánh, Công ty Yên Khánh Hải Thành để doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh để có nguồn thu trả lại khoản nợ cho ngân hàng.

“Trong trường hợp buộc phải thu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở khu đất số 7-9 nói trên theo yêu cầu quốc phòng, an ninh theo điều 61 của Luật Đất đai mà không phải thu hồi để tiếp tục sử dụng cho mục đích kinh tế hoặc mục đích khác, BIDV đề nghị HĐXX tuyên buộc các bên vay và các bên liên quan có trách nhiệm bổ sung thay thế bằng các tài sản đảm bảo khác và cần được nêu tên cụ thể có giá trị pháp lý”, đại diện BIDV đề nghị.

Nguyễn Dương