1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Ông “trùm” buôn lậu bị tâm thần, người làm công “lãnh đạn”

(Dân trí) - Sau 3 ngày xét xử, ngày 25/4, TAND TPHCM đã tuyên bị cáo Huỳnh Thanh Khiết (sinh năm 1984, ngụ quận Gò Vấp) 12 năm tù và Lê Thanh Tùng (sinh năm 1972, ngụ quận 12) 9 năm tù về tội buôn lậu.

Tại phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát và các luật sư đối đáp nhiều về hồ sơ tâm thần của Nguyễn Thanh Phương, người được cơ quan tố tụng xác định là chủ mưu vụ buôn lậu. Hiện ông Phương đang được tạm đình chỉ điều tra và có quyết định bắt buộc chữa bệnh.

Ông “trùm” buôn lậu bị tâm thần, người làm công “lãnh đạn” - 1

Bị cáo Tùng lãnh 9 năm tù.

Hồ sơ thể hiện sau khi trốn nã và bị bắt, Phương trình bày bản thân mắc bệnh tâm thần phân liệt, đang điều trị tại BV Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa). Sau đó, cơ qaun điều tra trưng cầu giám định tâm thần lại.

Bản Kết luận giám định pháp y tâm thần số 277 của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TPHCM kết luận ông Phương từ trước tháng 7 đến tháng 9/2015 có bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Từ sau tháng 5/2015 đến khi bị bắt, ông Phương có bệnh tâm thần phân liệt, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Sau đó cơ quan điều tra cho rằng ông Phương chưa thể làm việc tại cơ quan điều tra. Ngày 12/1/2018, Viện kiểm sát có công văn yêu cầu giám định tâm thần lại với ông Phương. Ngày 13/2/2018, Phương đã được tạm đình chỉ điều tra để chờ kết luận.

Ngày 10/5/2018, kết luận giám định pháp y tâm thần của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa (Bộ Y tế) kết luận: “Về năng lực nhận thức và điều hành hành vi tại thời điểm gây án thì ông Phương bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi”. Từ kết luận giám định này, ngày 12/6/2018, Viện KSND TPHCM ra quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với Phương.

Các luật sư bảo vệ cho hai bị cáo cho rằng theo hồ sơ thì ngay và sau khi ông Phương thực hiện hành vi phạm tội, hai bị cáo đều làm theo chỉ đạo của Phương. Vậy việc hai bị cáo làm công ăn lương cho ông Phương và làm theo chỉ đạo của “người bị tâm thần” thì xử sao, liệu có bị tội?

Về tố tụng trong vụ án, các luật sư cho rằng có nhiều sai sót như kiểm sát viên không được phân công lại tham gia tố tụng, không tìm được hợp đồng mua hàng từ Nhật. Chưa có xác nhận chủ lô hàng (bên bán) mà hai bị cáo thì không biết bên trong hai lô hàng bị bắt, có bị cấm nhập khẩu hay không…

Ông “trùm” buôn lậu bị tâm thần, người làm công “lãnh đạn” - 2

Bị cáo Khiết lãnh 12 năm tù.

Một luật sư khác thì cho rằng kết luận giám định tâm thần của ông Phương là nửa vời trong khi luật sư đề nghị triệu tập giám định viên đến tòa để giải thích thì chưa được chấp nhận. Vì sao có chuyện trong cùng kết luận, bên trên thì “đương sự bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi”, còn bên dưới thì “mất năng lực nhận thức và điều khiển hành vi”.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại tòa có đủ căn cứ xác định cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội. HĐXX cho rằng không dùng lời khai của Phương để buộc tội đối với các bị cáo.

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có một số sai sót về tố tụng tuy nhiên những sai sót này không làm thay đổi bản chất vụ án. Từ đó, HĐXX đề nghị cơ quan điều tra cần rút kinh nghiệm không để tình trạng tương tự xảy ra đối với các vụ án khác.

Ông “trùm” buôn lậu bị tâm thần, người làm công “lãnh đạn” - 3

Hai bị cáo sau phiên tòa.

Liên quan tới vấn đề giám định tâm thần đối với Nguyễn Thanh Phương, TAND TPHCM đã từng trả hồ sơ yêu cầu làm rõ. Trong quyết định trả hồ sơ,  nêu rõ Viện kiểm sát ra quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với ông Phương là chưa phù hợp. Bởi lẽ trong kết luận giám định tâm thần nêu “hiện nay đương sự chưa đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi để làm việc với cơ quan pháp luật” chứ không xác định ông Phương mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Do đó cần điều tra làm rõ và yêu cầu Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa giải thích về kết luận trên là thuộc trường hợp mất năng lực, hạn chế năng lực hay đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Sau đó, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa có văn bản trả lời Nguyễn Thanh Phương mất năng lực điều khiển hành vi.

HĐXX nhận định, tòa đã hết vai trò trách nhiệm của mình, nếu sau này phát hiện kết quả giám định tâm thần có sai sót thì trách nhiệm không thuộc về HĐXX.

Trong vụ án này, các bị cáo chỉ là người làm công, phạm tội với vai trò đồng phạm không đánh kể, các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên HĐXX cũng xem xét trong quá trình nghị án.

Nguyễn Thanh Phương là người trực tiếp chỉ đạo, nhưng hiện nay Phương đã mất năng lực hành vi, Viện kiểm sát ra quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với ông Phương là phù hợp.

Xuân Duy