1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nguyên Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 hầu tòa

(Dân trí) - Trong quá trình quản lý chi nhánh GPBank TPHCM, Hiền sử dụng ngân quỹ vào mục đích cá nhân và thâm hụt 10,5 tỉ đồng. Sau đó, Hiền nhờ Cường (nguyên Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1) làm thủ tục tất toán khống số tiền 10,8 tỉ đồng của ban này gửi trong ngân hàng để cấn trừ vào.

Ngày 15/10, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Lê Thị Minh Hiền (sinh năm 1977, nguyên giám đốc GPBank TPHCM), Nghiêm Tiến Sỹ (nguyên phó tổng giám đốc GPBank TPHCM) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nguyên Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 hầu tòa - 1
Bị cáo Lê Thị Minh Hiền.

Liên quan tới vụ án, bị cáo Lê Quốc Cường (sinh năm 1961, nguyên trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1) bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, bị cáo Huỳnh Thị Cúc (sinh năm 1971, nguyên Thủ quỹ ban Bồi thường GPMB quận 1) bị xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Vụ án này tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung, trong quá trình điều tra lần gần nhất thì cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM quyết định khởi tố bị cáo Nghiêm Tiến Sỹ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Hiền.

Theo cáo trạng, từ tháng 3/2009 đến ngày 15/7/2010, Hiền làm giám đốc GPBank TPHCM. Trong quá trình làm việc, Hiền nhiều lần tạm ứng tiền quỹ của GPBank TPHCM sử dụng vào mục đích cá nhân.

Chiều 15/7/2010, GPBank TPHCM bàn giao chức Giám đốc chi nhánh cho ông Nghiêm Tiến Sỹ, tiến hành kiểm kê quỹ tiền mặt thì phát hiện thiếu hụt gần 10,5 tỉ đồng.

Bà Hiền khai đứng ra mượn của Nguyễn Quốc Huy (thủ quỹ ngân hàng), có báo cáo với lãnh đạo hội sở ngân hàng GPBank. Lúc này, lãnh đạo GPBank đồng ý tách phần tiền thiếu hụt thành một khoản nội bộ tự giải quyết với nhau.

Từ tháng 2/2006 đến tháng 4/2013, bị cáo Cường được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Bồi thường GPMB quận 1. Ban này có 4 tài khoản tại GPBank TPHCM gửi gần 10,8 tỉ đồng. Ngày 16/7/2010, Hiền gặp ông Cường nhờ đứng tên lấy ra 10,5 tỉ đồng gửi tại GPBank TPHCM để mượn.

Sau đó, ông Cường tiến hành lập hồ sơ tất toán 4 tài khoản tiền của Ban bồi thường GPMB quận 1 gửi tại ngân hàng này để chuyển đến Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) để đảm bảo cho khoản vay 10,5 tỉ đồng của công ty Cường Nguyễn.

Ban lãnh đạo GPBank cho tất toán 4 tài khoản tiền gần 10,8 tỉ đồng nói trên, nhưng thực chất thao tác trên chứng từ, chỉ có gần 280 triệu đồng được chuyển đến Agribank Chợ Lớn.

Về phía Agribank Chợ Lớn có làm thủ tục nhận trên giấy tờ, chứng từ và giải ngân cho công ty Cường Nguyễn số tiền 10,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây cũng mới là thao tác trên giấy tờ, chưa giao dịch tiền mặt.

Trong quá trình xét xử, bị cáo Hiền liên tục kêu oan cho rằng bản thân không nhận được tiền từ giao dịch nói trên. Bị cáo Hiền cho rằng, thực chất số tiền 10,5 tỉ đồng mà cáo trạng cáo buộc bị cáo lừa đảo là do Hiền vay giúp của Cường cho một người phụ nữ khác.

Nguyên Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 hầu tòa - 2
Bị cáo Lê Quốc Cường.

Về số tiền 10,5 tỉ đồng, bà Hiền thừa nhận đây là số tiền còn hụt quỹ, nhưng do có một số chứng từ chưa hạch toán. Trong khi đó, bị cáo Sỹ khẳng định có hụt quỹ 10,5 tỉ đồng, nhưng Sỹ không có các giấy tờ chứng minh việc hụt quỹ này.

Bị cáo Cường cho rằng bà Hiền có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ban bồi thường GPMB quận 1. Thế nhưng, khi chủ tọa trưng ra các văn bản thể hiện việc Cường ký giấy tờ, dùng tiền của ban Bồi thường để bảo lãnh cho khoản vay của công ty Cường Nguyễn thì Cường không lý giải được.

Trải qua một buổi xét xử, HĐXX cho rằng, lời khai của bị cáo Nghiêm Tiến Sỹ có mâu thuẫn, cần phải được làm rõ. Đồng thời, bị cáo Hiền cho rằng, 10,5 tỉ đồng là Hiền mượn của Cường vay giúp cho bà Đoàn Minh Hà, người nhận tiền là ông Lương Tiến Thành. Bị cáo Hiền đề nghị làm rõ vai trò của ông Thành trong việc nhận 10,5 tỉ đồng này. Từ đó, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều vấn đề liên quan tới vụ án.

Xuân Duy