1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nguyên Bí thư thị xã Bến Cát không câu kết với cán bộ ngân hàng?

(Dân trí) - Trong phần tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Hồng Khanh cho rằng vợ chồng bị cáo mua đất của bà Nguyễn Thị Hiệp thông qua môi giới và đúng theo giá thị trường nên việc cáo trạng quy kết bị cáo câu kết với cán bộ ngân hàng BIDV là không có căn cứ.

Chiều 16/12, TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hồng Khanh (sinh năm 1967, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư thị xã Bến Cát) về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.

Trong phiên tòa buổi sáng, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Dương đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Khanh mức án từ 14 – 16 năm tù.

Nguyên Bí thư thị xã Bến Cát không câu kết với cán bộ ngân hàng? - 1

Bị cáo Nguyễn Hồng Khanh cho rằng mình không câu kết với ngân hàng.

Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Khanh cho rằng xét về mặt đạo lý, vợ chồng bị cáo mua đất của bà Hồ Thị Hiệp thông qua môi giới và theo giá thị trường, nên cáo buộc bị cáo câu kết với cán bộ ngân hàng BIDV là vô lý.

Bị cáo Khanh cho rằng vợ chồng ông mua đất nông nghiệp với giá khoảng 650 triệu đồng/ha là giá đúng thời điểm mua bán. Việc bán đất và mức giá thì bà Hiệp cũng đã rao bán công khai trước khi vợ chồng bị cáo Khanh mua. Bị cáo Khanh cho biết trước khi mua đất của bà Hiệp, vợ chồng ông bán đất cao su ở chỗ khác, tuy có xa hơn nhưng trên mặt tiền đường DT744, với giá chỉ 500-550 triệu đồng/ha.

Bào chữa cho bị cáo Khanh, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) và luật sư Lê Thị Minh Nhân (Đoàn lật sư TPHCM) cho rằng cáo buộc của Viện Kiểm sát là không có căn cứ pháp luật và đề nghị HĐXX trả tự do cho ông Khanh tại tòa.

Luật sư bào chữa cho bị cáo  Khanh cho rằng cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đã hình sự hóa quan hệ dân sự. Theo các luật sư, việc mua bán giữa bị cáo Khanh và bà Hiệp là quan hệ dân sự được pháp luật công nhận, đồng thời, luật sư chỉ ra nhiều kẽ hở trong cáo trạng của Viện Kiểm sát.

Luật sư cho rằng, tổng diện tích đất của bà Hồ Thị Hiệp và con gái Nguyễn Hiệp Hảo, trên giấy tờ là trên 23ha. Thế nhưng, nếu cộng phần đất mà vợ chồng bị cáo Khanh mua khoảng 18ha, và phần một doanh nghiệp khác mua là 2ha thì tổng cộng chỉ 20ha. Vì vậy, cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát không làm rõ 3 ha đất trên giấy tờ đi đâu, không tiến hành đo đạc lại tổng thể khu đất mà đã cáo buộc các bị cáo là thiếu căn cứ.

Về việc Viện Kiểm sát yêu cầu hủy bỏ toàn bộ các hợp đồng mua bán đã được công chứng giữa vợ chồng bị cáo Khanh và bà Hiệp, các luật sư đưa ra nhiều bằng chứng cho rằng yêu cầu này là vô lý. Theo luật sư, trong tổng diện tích hơn 20 ha mà bà Hiệp và công ty của gia đình thế chấp ngân hàng, có khoảng 9,7 ha là đứng tên con gái bà Hiệp là Nguyễn Hiệp Hảo (hiện đang định cư tại Mỹ).

Kết quả ủy thác tư pháp từ Mỹ cho thấy bà Hảo chỉ ủy quyền cho mẹ bán đất cho vợ chồng ông Khanh, còn các giấy ủy quyền khi vay ngân hàng thì thời điểm vay bà Hiệp không về Việt Nam, cũng không có ủy thác tư pháp nên có khả năng giấy ủy quyền thời điểm vay vốn bị làm giả.

Còn luật sư Trần Minh Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Nguyễn Huy Hùng (sinh năm 1968, nguyên giám đốc chi nhánh ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Tây Sài Gòn) cho rằng cáo trạng và quan điểm luận tội của Viện Kiểm sát đối với bị cáo Hùng là không đúng pháp luật, không có căn cứ, gây oan sai.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Hùng chỉ ra 10 điểm bất hợp lý trong vụ án như con số thiệt hại trong vụ án bị “thổi phồng”, vi phạm về thủ tục định giá, cơ quan tố tụng đã tính nhầm thiệt hại trên cả tài sản mà ngân hàng cũng không có quyền xử lý…Theo luật sư để cấu thành tội tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí thì phải có tài sản Nhà nước bị tác động, phải có chế độ quản lý tài sản Nhà nước bị vi phạm, phải có người được giao quản lý tài sản Nhà nước và phải có thiệt hại trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, trong vụ án này bị cáo Hùng không được Nhà nước giao tài sản để quản lý, tài sản Nhà nước không bị xâm phạm và không có thiệt hại.

Đối với khoản nợ của công ty gia đình bà Hiệp, BIDV Tây Sài Gòn đã trích quỹ dự phòng rủi ro ra để xử lý, vì vậy luật sư cho rằng tài sản nếu bán được sẽ được tính vào lợi nhuận của ngân hàng, không có việc mất vốn nhà nước như cáo trạng nêu.

Ngày 17/12, phiên tòa tiếp tục tranh luận.

Xuân Duy