1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nếu Phạm Nhật Vũ không khắc phục hậu quả, thêm nhiều người sẽ vào vòng lao lý!

(Dân trí) - Theo phân tích của luật sư, nếu cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ và gia đình không tự nguyện và cố gắng khắc phục hậu quả, trả lại tiền thì phải ra tòa lần này không chỉ có những bị cáo ở đây và mức án cũng không như Viện Kiểm sát đề nghị.

Chiều 21/12, bào chữa cho cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn, luật sư Vũ Xuân Nam nêu quan điểm, cho dù ông Tuấn và bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên (cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone) có nỗ lực bao nhiêu trong việc hủy hợp đồng cũng không bằng sự chủ động khắc phục của ông Phạm Nhật Vũ - cựu Chủ tịch HĐTV AVG.

Nếu Phạm Nhật Vũ không khắc phục hậu quả, thêm nhiều người sẽ vào vòng lao lý! - 1
Các bị cáo tại tòa sơ thẩm.

Ông Nam cho rằng, giả sử ông Vũ và gia đình không khắc phục thì ông nghĩ mức án đề nghị của các bị cáo trong phiên tòa này sẽ không như thế này mà khả năng sẽ nặng hơn nhiều.

“Cá nhân tôi cảm ơn ông Vũ vì nếu ông Vũ và gia đình không tự nguyện và cố gắng trả lại tiền thì ngồi ở đây không phải chỉ có từng này người và mức án cũng không thể như VKS đề xuất. VKS cũng ghi nhận hết rồi và tôi nghĩ rằng những người ở đây cũng phải ghi nhận việc này.” - luật sư Nam nói.

Trước đó, tại phần luận tội sáng 20/12, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Phạm Nhật Vũ mặc dù không phải chịu trách nhiệm chính về các hậu quả thiệt hại của MobiFone do hành vi phạm tội vi phạm về đầu tư công của Nguyễn Bắc Son và đồng phạm gây ra nhưng trước khi khởi tố vụ án, nhưng ông Vũ đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại cho MobiFone.

Đồng thời, bị cáo Vũ đã tích cực phối hợp cung cấp tài liệu để cơ quan điều tra làm rõ hành vi của các bị cáo vi phạm về đầu tư công, cũng như hậu quả của vụ án. Do đó, đại diện VKS cho rằng có đủ căn cứ không xử lý trách nhiệm của ông Vũ về hành vi này.

Tại tòa, trả lời câu hỏi của HĐXX về việc vì sao lại quyết định trả lại tiền, ngoài gần 8.500 tỷ hợp đồng còn có hơn 400 tỷ bao gồm các chi phí khác như lãi phát sinh, chi phí tư vấn, mua hàng tồn kho của MobiFone…, ông Vũ cho biết, một trong những lý do trả lại tiền là mong muốn những người có liên quan trong vụ việc được được giảm nhẹ trách nhiệm.

Trao đổi thêm với PV Dân trí về tình huống pháp lý này, luật sư Vũ Xuân Nam cho hay, hiện nay, có rất nhiều vụ án mà những người phải thi hành án với con số lớn, lên đến hàng nghìn, thậm chí vài nghìn tỷ đồng như vụ Huyền Như, Hà Văn Thắm, Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh.

“Tòa án tuyên số tiền buộc bồi thường rất lớn, thực tế không thi hành án được, không thu hồi được tiền cho nhà nước. Trường hợp này, ông Vũ và gia đình chủ động khắc phục hậu quả, Nhà nước mới thu lại được tiền.” - ông Nam nói.

Theo nhận định của luật sư Vũ Xuân Nam, trong vụ án này, với tổn thất 6-7 nghìn tỷ của Nhà nước, nếu không được thu hồi, các bị cáo bị truy tố, xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” sẽ phải nhận mức án trên 10 năm tù, chưa kể những bị cáo đầu vụ sẽ cao hơn.

“Theo quy định, chỉ những người nào phạm tội “Vi phạm…” mới là người khắc phục hậu quả nhưng ông Vũ không bị truy tố tội đó. Thực chất chỉ là trả lại tiền nhưng đối với những người phạm tội là hậu quả đã được khắc phục. Hậu quả những người đó gây ra đã được khắc phục toàn bộ, không mất đồng nào. Chính vì thế, khi lượng hình, tòa sẽ cân nhắc, đưa mức hình phạt xuống thấp vì thiệt hại đã được triệt tiêu.” - luật sư Nam phân tích.

Cũng theo luật sư Nam, nếu thiệt hại trong vụ án này không được khắc phục, nhiều người khác ở MobiFone sẽ dính án.

“Có thể là nhân viên dưới cấp Phó Tổng Giám đốc, ở các phòng ban, những người làm hồ sơ dự án, những người thẩm định giá khác chứ không chỉ có 2 người.” - ông Nam nói và cho rằng, tính nghiêm trọng của việc này đã được triệt tiêu nên cơ quan tố tụng chỉ xử lý những người cấp trên để răn đe, tính trừng phạt hầu như không còn.

Tiến Nguyên