1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TP.HCM:

Mất gần nửa tỷ vì lầm tưởng người quen qua điện thoại

(Dân trí) - Nghe đầu dây bên kia tự xưng tên Sĩ, chị T. tưởng đó là người em của mình đang sống ở nước ngoài nên vui vẻ trò chuyện, chỉ sau vài cuộc điện thoại gã đàn ông tên Sĩ đã đưa chị T. “vào tròng” lừa đảo, chiếm đoạt của chị T. gần nửa tỷ đồng.

"Cuỗm” ngay tiền tỷ bằng vài cuộc điện thoại


Bà C. gần 70 tuổi vừa bị kẻ lừa đảo qua điện thoại chiếm đoạt gần 50 triệu đồng

Bà C. gần 70 tuổi vừa bị kẻ lừa đảo qua điện thoại chiếm đoạt gần 50 triệu đồng

Giữa tháng 4/2016, chị T. (ngụ phường Đa Kao, Q.1) nhận được cuộc gọi vào số máy bàn của gia đình, đầu dây bên kia tự xưng là Sĩ. Ngỡ là Sĩ – người em thân thiết của gia đình nên chị T. chuyện trò. Nói chuyện một lúc, Sĩ cho biết đang cùng vợ đi Mỹ thăm con nhưng ở Việt Nam đang có người cháu bị tai nạn cần tiền mổ gấp. Do Sĩ đang ở nước ngoài nên nhờ chị T. chuyển dùm 45 triệu vào một tài khoản trong nước. Khi số tiền được chuyển thành công, chỉ vài tiếng sau Sĩ tiếp tục thông báo, người bị hại đòi cháu của Sĩ bồi thường 100 triệu mới chịu bãi nại. Chị T. lại chuyển thêm 100 triệu cho Sĩ.

Một ngày sau, Sĩ tiếp tục gọi điện cho chị T. thông báo anh em của Sĩ bên Mỹ có góp cho người cháu bị tai nạn 350 triệu nhưng chuyển về không kịp nên Sĩ lại nhờ chị T. chuyển trước dùm, khi về Việt Nam Sĩ sẽ trả lại ngay. Tin lời, chị T. tiếp tục chuyển 350 triệu. Sau đó, Sĩ đã biến mất dạng.

Nhiều nạn nhân khác đến cơ quan công an trình báo về việc bị lừa lấy tiền sau cuộc điện thoại
Nhiều nạn nhân khác đến cơ quan công an trình báo về việc bị lừa lấy tiền sau cuộc điện thoại

Tháng 6/2016, ông Tr. (ngụ phường Phước Bình, Q.9) nhận được cuộc gọi từ người đàn ông tên Hoàng. Nghĩ Hoàng là người em họ sống bên Pháp gọi điện nên ông Tr. mừng rỡ. Hoàng cho hay đang có người bạn tên Hậu ở Cần Thơ đang cần tiền chữa bệnh cho con trai bị tai nạn. Nhưng do Hoàng ở xa không chuyển tiền về kịp nên nhờ ông Truyện chuyển giúp. Ông Truyện đã chuyển 120 triệu vào tài khoản mang tên Huỳnh Văn Hậu. Hôm sau, Hoàng lại gọi điện nhờ ông Truyện chuyển tiếp 48 triệu với lí do “để anh Hậu lo cho người bị đụng xe” và hứa sẽ trả lại toàn bộ số tiền đã vay trong ngày. Xong việc sẽ tặng thêm 5 triệu đồng. Tin lời, ông Tr. chuyển tiếp 48 triệu nhưng Hoàng “lặn mất tăm”.

Cũng với thủ đoạn tương tự, nhiều nạn nhân đã bị lừa với số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Lộ diện “ông trùm” lừa đảo!

Ông trùm lừa đảo qua điện thoại Phan Văn Ngoan sa lưới
"Ông trùm" lừa đảo qua điện thoại Phan Văn Ngoan sa lưới

Sau khi bị lừa mất gần 500 triệu đồng, chị T. cho biết do tin người em tên Sĩ trong cuộc điện thoại với mình là người quen nên mới bị lừa. “Giọng nói trong điện thoại rất giống người em tên Sĩ rất thân thiết của gia đình. Sĩ là người em rất tốt nên nhờ gì gia đình tôi cũng giúp đỡ. Tên “Sĩ” giả trong cuộc điện thoại còn biết cả giờ giấc đi lại của cả nhà, biết cả chồng chị tôi đi đá banh lúc mấy giờ nên tôi không chút nghi ngờ”, chị T. chia sẻ.

Bà C. (ngụ phường Cầu Kho, Q.1), người bị lừa 50 triệu đồng cũng chia sẻ, nhận được điện thoại bà cứ tưởng của thằng Cọc cháu bà gọi về từ nước ngoài. Cọc gọi vay tiền cho bạn để chữa bệnh cho con. Do Cọc là đứa cháu bà C. rất thương nên bà đã giúp hết sức.

Tại Cơ quan cảnh sát điều tra, các nạn nhân đều bị lừa vì tin tưởng đó là người thân của mình và không xác minh lại. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát đã xác định Phan Văn Ngoan (SN 1959, ngụ xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi) là đối tượng gây ra các vụ giả danh trên điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Bước đầu, tên Ngoan khai nhận đã dùng tiền để mua danh bạ điện thoại bàn rồi gọi đến các số máy bất kỳ. Nếu bên kia đầu dây đoán Ngoan là người thân nào đó của họ thì Ngoan sẽ “vào vai” luôn để trò chuyện. Cuộc nói chuyện sẽ diễn ra tùy theo tình hình và Ngoan luôn là “diễn viên” chuyên nghiệp khiến “con mồi” không chút hoài nghi. Các tài khoản ngân hàng cũng được Ngoan mua lại từ bên ngoài để chiếm đoạt tài sản.

Một số tang vật vụ án được thu giữ phục vụ công tác điều tra
Một số tang vật vụ án được thu giữ phục vụ công tác điều tra

Trung tá Phạm Nguyễn Sĩ Quế, Đội phó đội 8 – Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an TP.HCM cho biết, cơ quan điều tra đã lấy lời khai rất kỹ nhưng khá bất ngờ về việc tên Ngoan chỉ nói chuyện điện thoại và lấy thông tin rồi lừa đảo chứ không hề đến nhà nạn nhân để quan sát hay theo dõi trước. “Người dân cần cảnh giác cao độ với việc giúp đỡ người thân, bạn bè thông qua việc trao đổi trên điện thoại và cần xác minh kỹ càng. Việc một số người dân làm thẻ ATM rồi cung cấp, bán lại cho người khác là vi phạm pháp luật, nếu các thẻ ATM này liên quan đến các vụ phạm pháp thì hình thức xử lý là rất nặng có thể lên đến 16 năm tù”, Trung tá Quế khuyến cáo.

Trung Kiên