1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TPHCM:

Luật sư ngồi tù vì nhận tiền “chạy án”

(Dân trí) - Biết bị can không thể thoát tội, nhưng luật sư hứa hẹn sẽ “chạy” để trắng án hoặc được trả tự do ngay tại tòa. Tốn gần 2 tỷ đồng nhưng người nhà không thể thoát tội, phía gia đình làm đơn tố luật sư lừa đảo.

Ngày 21/5, kết thúc phiên tòa sơ thẩm, TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Lương Anh Tiến (47 tuổi, ngụ TPHCM) 16 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo hồ sơ vụ án, thông qua mối quan hệ quen biết, gia đình của bà Lê Thị Tám liên hệ thuê luật sư Lương Anh Tiến bào chữa cho chồng của mình là bị can trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tiến đã liên hệ với gia đình bà Tám về việc tham gia bào chữa và chi phí dịch vụ là 100 triệu đồng nhưng không ký hợp đồng. Theo đúng thủ tục, Lương Anh Tiến được cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an cấp giấy chứng nhận bào chữa ngày 19/11/2011.

Luật sư chạy án hầu tòa
Luật sư "chạy án" hầu tòa

Mặc dù biết chồng bà Tám phạm 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” đã rõ, nhưng Tiến vẫn nhiều lần gặp gia đình bà Tám đặt vấn đề “chạy án” với hứa hẹn: giúp chồng bà được tại ngoại và được bỏ tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, chỉ còn lại một tội danh; Tòa tuyên trắng án hoặc bằng thời gian tạm giam và được trả tự do tại tòa.

Sau khi thỏa thuận, nhiều lần Tiến đã yêu cầu gia đình bà Tám đưa tiền lo “chạy án”. Trong thời gian từ tháng 11/2011 đến tháng 9/2012, gia đình bà Tám đưa cho Tiến 4 lần, tổng cộng 1,81 tỷ đồng. Lần đưa nhiều nhất là 1 tỷ đồng. Trong thời này, Tiến nhiều lần nhắn tin và gặp gia đình bà Tám hối thúc đưa tiền. Sau khi nhận số tiền trên, Tiến đã chiếm đoạt số tiền này, không thực hiện được việc “chạy án” như đã hứa hẹn.

Sau khi Tòa tuyên án, chồng bà Tám không thể thoát tội. Phát hiện việc Tiến nói “chạy án” chỉ là bịa đặt để lừa đảo chiếm đoạt tiền, bà Tám đã làm đơn tố cáo Lương Anh Tiến “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đến Cơ quan điều tra – Bộ Công an.

Luật sư trả giá đắt cho hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp
Luật sư trả giá đắt cho hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp

Tại phiên tòa, Lương Anh Tiến cho rằng mình không nhận tiền từ gia đình bà Tám. Tiến phản đối cáo buộc của VKSND Tối cao cho rằng mình phạm tội. Tiến một mực khẳng định, tại cơ quan điều tra đã bị mớm cung, dụ cung và dùng nhục hình, điều tra viên hứa hẹn rằng sẽ cho bị cáo được tại ngoại.

Tuy nhiên, HĐXX nhận định, bị cáo đã hành nghề luật sư lâu năm, là người am hiểu pháp luật nên nói việc bị dụ cung, ép cung là không có căn cứ. Ngoài các chứng cứ, tài liệu thu thập được trong vụ án, thì bức tâm thư bị cáo viết cầu cứu người thân là bằng chứng không thể chối cãi cho hành vi phạm tội của bị cáo.
Hành vi của bại cáo là đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo đã đi ngược với lời hứa khi hành nghề luật sư, làm trái đạo đức nghề nghiệp. HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Tiến 16 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Quốc Anh – Công Quang