1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Hải Dương:

Lừa xin việc, bỏ túi gần 10 tỷ đồng

Ngày 14-2, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Hải Dương đã làm rõ vụ án lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP dịch vụ sửa chữa Nhiệt điện miền Bắc (Công ty NPS).

Cơ quan công an bước đầu xác định có 25 người là bị hại của Vũ Thị Hằng (SN 1983), trú tại khu Bình Giang, phường Phả Lại, thị xã Chí Linh, Hải Dương, với số tiền bị chiếm đoạt lên đến gần 10 tỷ đồng.

Vũ Thị Hằng (ngoài cùng bên trái) tại cơ quan điều tra

Một trong số những người mắc bẫy đường dây lừa đảo do Vũ Thị Hằng cầm đầu là bà Ngô Thị Hợi, trú tại thị xã Chí Linh. Hàng xóm của bà Hợi là Bùi Thị Bích Hằng, nhân viên Công ty NPS.

Nhiều lần nghe Bích Hằng tỉ tê, gợi ý xin cho cậu con trai vào làm tại Công ty NPS với thu nhập cao, bà Hợi đã chuyển cho Bích Hằng hơn 100 triệu đồng, và cầm lại giấy biên nhận tiền, cam kết trong nửa tháng con trai sẽ được đi làm.

Tuy nhiên, đợi quá nửa tháng, bà Hợi liên hệ với Hằng thì đối tượng này nói do công ty đang thay đổi nhân sự nên phải chờ đợi thêm. Giữa năm 2012, do không xin được việc, Hằng viết giấy trả lại tiền cho bà Hợi, hứa chia thành 2 đợt nhưng sau cô ta khất lần không trả.

Cùng thời gian này, Công an thị xã Chí Linh và Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Hải Dương nhận được nhiều đơn tố cáo của các bị hại bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đối tượng Vũ Thị Hằng. Căn cứ vào lời khai của người bị hại, các nguồn tài liệu thu thập được, CQĐT đã dựng được toàn bộ hoạt động của các đối tượng trong ổ nhóm lừa đảo trên. Trong đường dây này, Vũ Thị Hằng là đối tượng cầm đầu, còn Bùi Thị Bích Hằng là “mắt xích”. Bản thân Bích Hằng cũng lôi kéo nhiều đối tượng tham gia đường dây lừa đảo.

Trong số các nạn nhân của Bích Hằng, trường hợp bà Tiêu Thị Nhân (trú ở đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), là một bị hại điển hình. Từng là công nhân Công ty NPS, bà Nhân quen biết với Bích Hằng. Khoảng tháng 5-2011, Bích Hằng gọi điện thoại, thông báo với bà Nhân Công ty NPS đang tuyển người, với số tiền xin việc 110 triệu đồng.

Bà Nhân tin tưởng, báo ngay cho người quen rồi gửi tiền “đặt cọc” trước cho Bích Hằng 85 triệu đồng để xin việc cho anh Trần Tuấn Đạt, quê ở Bắc Giang. Thấy công việc có thu nhập cao, bà Nhân tiếp tục môi giới, nộp hồ sơ xin việc cho anh Nguyễn Thái Sơn, ở TP Hạ Long (Quảng Ninh), để Bích Hằng xin việc hộ. Tất cả những trường hợp này đều bị lừa; và khi biết “chân rết” bị CQĐT tiến hành điều tra, Vũ Thị Hằng cùng chồng đã bỏ trốn vào miền Nam.

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, CQĐT Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra quyết định truy nã đặc biệt Vũ Thị Hằng trên toàn quốc về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một thời gian sau, Vũ Thị Hằng bị bắt tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), khi đang kiếm sống bằng nghề bán nước.

CQĐT xác định, Vũ Thị Hằng từng là nhân viên văn thư lưu trữ của Công ty NPS.

Đang có một công việc ổn định, cô ta xoay sang buôn bán cổ phiếu và bị thua lỗ. Để có tiền trả nợ, Vũ Thị Hằng nảy ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người có nhu cầu xin việc, đồng thời huy động vốn vay với lãi suất cao.

Vũ Thị Hằng đưa cho Bùi Thị Bích Hằng xem bản thông báo giả với nội dung Công ty NPS tuyển dụng 117 lao động, và khoe cô ta có mối quan hệ rộng với lãnh đạo của Công ty NPS, có khả năng xin việc cho người có nhu cầu lao động dài hạn tại doanh nghiệp này. Mỗi trường hợp xin việc, các “ứng viên” phải nộp cho Vũ Thị Hằng một bộ hồ sơ và chi phí từ 90 - 100 triệu đồng.

Ngay khi nộp hồ sơ, người xin việc phải nộp cho Vũ Thị Hằng 50 triệu đồng, số còn lại sẽ trả khi đã nhận việc. Để gây dựng lòng tin của các bị hại, Vũ Thị Hằng chi tiêu rất phóng khoáng, ăn mặc sành điệu, đánh bóng bản thân bằng những chiếc ô tô hạng sang, các món đồ trang sức đắt tiền.

Khi thu được nhiều tiền, Vũ Hằng thường xuyên bỏ bê công việc và đã bị công ty sa thải. CQĐT làm rõ, vào thời điểm vụ án xảy ra, Công ty NPS không có chủ trương tuyển dụng lao động dài hạn. Những trường hợp được tuyển dụng thường là hợp đồng ngắn hạn; đối tượng tuyển chọn là con của cán bộ, công nhân, lao động trong công ty đã nghỉ hưu, có ngành nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Hiện vụ án đang tiếp tục được Công an tỉnh Hải Dương điều tra làm rõ.

Theo Quang Tấn
An ninh thủ đô