1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Lời sám hối sau song sắt của kẻ giết người trốn nã 18 năm

(Dân trí) - 18 năm chạy trốn chưa bao giờ lương tâm Phạm Văn Hiền thôi day dứt, hối hận. Cuối cùng, con người ấy đã quay về, chấp nhận sự trừng phạt của pháp luật để đổi lấy những phút bình yên những ngày cuối đời.

Phạm nhân Phạm Văn Hiền.
Phạm nhân Phạm Văn Hiền.

Bức thư viết trong những đêm không ngủ ở trại giam

Hồ sơ vụ án ghi lại, vào năm 1995, trong một lần đi nhậu về, thấy một nhóm học sinh đi xe đạp dàn hàng ngang trên đường, Phạm Văn Hiền (SN 1975, trú tại xã Hưng Lộc, Tp Vinh, Nghệ An) bực tức đã đạp đổ một số xe và rút dao đâm chết một học sinh 15 tuổi. Sau khi gây án, quá hoảng sợ, Phạm Văn Hiền đã bỏ trốn.

Các đơn vị Công an tỉnh Nghệ An đã truy bắt nhưng không thành công. Lệnh truy nã toàn quốc Phạm Văn Hiền được tung ra nhưng Hiền vẫn biến mất một cách khó hiểu. Trong khi lực lượng truy nã Công an tỉnh Nghệ An vẫn kiên trì truy tìm hành tung thì Hiền đã chạy vào Nha Trang rồi Bình Phước. Hiền đã thay tên đổi họ để trốn sự truy đuổi của lực lượng công an. Cứ mỗi nơi Hiền ở một thời gian rồi lại tiếp tục chạy trốn.

Năm 2002, Hiền “dạt” vào Ninh Thuận lấy vợ rồi sinh con đẻ cái. Cuộc sống tạm bợ, nai lưng ra làm lụng nuôi 4 miệng ăn nhưng chưa một lần tâm trí Hiền thôi day dứt, ám ảnh tội lỗi đã gây ra. Ngày 28/3/2013, Hiền quyết định về đầu thú, để lại người vợ và 2 đứa con ngơ ngác trước hình ảnh thực của người chồng, người cha bấy lâu nay bị dấu kín.

Với hành vi giết người, Phạm Văn Hiền bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 12 năm tù giam. Năm 2014, Hiền được chuyển lên Trại giam số 3 – Bộ Công an (đóng tại xã Nghĩa Dũng, Tân Kỳ, Nghệ An) thi hành án. Cuộc vận động “Viết thư xin lỗi” do Tổng cục VIII – Bộ Công an tổ chức như là một cơ hội để Hiền bày tỏ sự sám hối và cầu xin sự tha thứ từ thân nhân của người bị hại.

Bức thư pham nhân Phạm Văn Hiền tạ tội và cầu xin sự tha thứ của gia đình bị hại.
Bức thư pham nhân Phạm Văn Hiền tạ tội và cầu xin sự tha thứ của gia đình bị hại.

Trong bức thư gửi bố nạn nhân, Phạm Văn Hiền mở đầu bằng những lời tha thiết: “Cầu xin bác và đại gia đình xoa dịu nỗi đau thương, mất mát trong lòng, mở rộng tấm lòng nhân ái bao dung mà tha thứ cho tội lỗi cháu đã gây ra. Đó là tất cả ước mong và hi vọng cháu hằng ấp ủ suốt quãng đời đã qua”.

Cuộc đời chạy trốn trong sự bất an, trong lương tâm dằn vặt đã được trải ra trên từng dòng chữ của kẻ giờ đang trả giá trong 4 bức tường trại giam. “… cháu dù rất muốn quay về để làm một điều gì đó có ý nghĩa trước vong hồn người đã khuất nhưng sự yếu hèn và nỗi lo sợ đã không cho cháu cơ hội để đầu thú mà đánh dấn thân vào kiếp sống tha phương cầu thực, sống chui sống lủi nơi đất người.

Đó là quãng thời gian cháu sống trong thấp thỏm lo âu, ăn không ngon, ngủ không yên. Không dám liên lạc với gia đình. Sống mà suốt ngày đêm ăn năn, áy náy và lo sợ. Sự đói khổ không đau xót bằng sự day dứt vò xé trong lương tâm”, Hiền viết trong bức thư gửi bố nạn nhân.

Lấy vợ, sinh con, thực hiện trách nhiệm của một người làm cha, Hiền càng day dứt hơn trước tội ác mà mình đã gây ra. Thậm chí, hành vi tội lỗi đó đã ám ảnh Hiền trong giấc mơ. “Trong giấc ngủ, những ám ảnh do hành vi của cháu cứ quấn lấy cháu. Cháu thấy người ta giết con mình. Cháu gào thét đớn đau nhìn đứa con dấu yêu của mình rời xa mà lịm đi tưởng như không thể nào gượng dậy được nữa. Giờ cháu mới thấu hiểu một phần nỗi đau mà gia đình bác đã phải trải qua là nhức nhối, xót xa như thế nào”.

Đã nhiều lần Hiền cầm bút lên để viết thư xin lỗi nhưng lại không dám gửi. Hiền sợ mình gợi lại đau thương đối với gia đình nạn nhân bởi bây giờ, Hiền mới thấu hiểu được tâm can của tình phụ tử.

“Bây giờ, bản án 12 năm tù đối với cháu không còn là gánh nặng mà ân huệ gia đình bác ban cho sự tha thứ sẽ là cứu cánh cho cuộc đời cháu bác ạ. Mong được gia đình bác tha thứ cho lỗi lầm đã qua và cháu xin bác một ân huệ rằng, khi cháu trở về, bác hãy cho cháu đến trước nấm mồ của người đã khuất để thắp một nén nhang tạ lỗi. Có như thế đời cháu mới có chút bình an bác ạ”, Hiền viết.

Lòng vị tha của cha mẹ nạn nhân

Khi bức thư này đến tay ông Nguyễn Đình Quyền – bố đẻ nạn nhân cũng là khi vụ án đã xảy ra được gần 20 năm. Vết thương đã dần lên da non, sự đau thương đã dần nguôi ngoai. Thế nhưng, những dòng thư của Hiền đã vô tình đào xới lại nỗi đau mất mát của người làm cha, làm mẹ. Khi đọc đến dòng chữ cuối cùng, khi gấp bức thư lại, người cha này đã bình tâm lại.

Ngày Phạm Văn Hiền trở về đầu thú để mong được nhận sự khoan hồng của pháp luật, nỗi đau trong ông bị xới lại. Ông ngã bệnh, phải đi cấp cứu ở viện nhưng hôm xét xử vẫn cố gắng chống gậy lên tòa để xin giảm nhẹ hình phạt cho kẻ đã giết con trai mình.

Tôi tha thứ cho Hiền, mong Hiền cải tạo tốt để trở thành người lương thiện.

"Tôi tha thứ cho Hiền, mong Hiền cải tạo tốt để trở thành người lương thiện".

"Nhiều đêm tôi không tài nào ngủ được. Mất con, ai không đau, không xót, không căm giận, nhất là khi kẻ thủ ác lại bỏ trốn hàng chục năm trời? Nhưng rồi, ngẫm nghĩ lại, mình có thù oán cũng không thể thay đổi được sự việc đã xảy ra. Nghe bảo trong quá trình trốn chạy, Hiền cũng yêu nhiều cô gái nhưng cuối cùng lại chọn cô gái có tên giống tên con trai tôi để lấy. Ngày rằm, mồng một, Hiền mang cháo hoa ra sân cúng vong. Sự hối hận, day dứt của Hiền khiến vợ chồng tôi được an ủi phần nào", ông Quyền tâm sự.

Sự thành tâm, hối hận của người viết đã chạm vào lòng trắc ẩn của người làm cha. Ông đồng ý tha thứ cho Hiền. "Tôi tha thứ cho Hiền, từ lâu lắm rồi. Chỉ mong Hiền biết hối hận để cải tạo tốt, sởm trở về làm người lương thiện".

Sự tha thứ của cha mẹ bị hại sẽ là động lực giúp Hiền cải tạo tốt để sớm trở về, thực hiện mong ước quỳ trước nấm mồ của nạn nhân để nói lời tạ lỗi, dẫu rằng lời nói đó phải ấp ủ đến mấy chục năm trời.

Hoàng Lam