1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Hà Tĩnh:

Hội Nông dân tỉnh biểu dương công an tóm gọn nhóm bảo kê tiền gặt lúa của nông dân

(Dân trí) - “Mặt bằng chung người ta thu có 140.000 đồng, nhưng nhiều nơi người nông dân phải è cổ trả cho chủ máy 180.000 đồng/sào ruộng. Phải khổ lắm người nông dân mới làm ra được hạt lúa, làm ra rồi có khi trừ hết chi phí lợi nhuận không còn được bao nhiêu, vậy mà người nông dân bị “cướp” mất mồ hôi. Vì thế chúng tôi hết sức ủng hộ, biểu dương lực lượng công an khởi tố, bắt giam những kẻ bảo kê, ăn chặn tiền của người nông dân”-

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia lên tiếng sau khi công an tại một huyện của tỉnh này quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 4 đối tượng bảo kê máy gặt lúa.

Sáng 2/6, CQĐT Công an huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 4 đối tượng về hành vi ’Cưỡng đoạt tài sản’ theo điều 135 Bộ luật Hình sự. Trước đó, vào khoảng 16h30 ngày 30/5, Phạm Quang Minh (SN 1980, ở tổ dân phố Hưng Thịnh, phường Sông Trí, TX Kỳ Anh) mang súng thể thao cùng Phạm Ngọc Trung (SN 1991, ở tổ dân phố 1, phường Sông Trí, TX Kỳ Anh) và Nguyễn Tiến Dũng (SN 1991), Hồ Công Huy (SN 1988, ở thôn Bắc Sơn, xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh) đến khu vực ruộng lúa ở xã Kỳ Thọ và Kỳ Khang với mục đích đe dọa, uy hiếp các chủ máy gắt lúa để thu tiền.

4 đối tượng bị Công an huyện Kỳ Anh khởi tố, bắt tạm giam vì dùng vũ lực uy hiếp, buộc nông dân phải nộp tiền cho chúng. Đây là lí do nông dân tại địa phương đang phải chịu mức giá gặt lúa cao ngất ngưởng.
4 đối tượng bị Công an huyện Kỳ Anh khởi tố, bắt tạm giam vì dùng vũ lực uy hiếp, buộc nông dân phải nộp tiền cho chúng. Đây là lí do nông dân tại địa phương đang phải chịu mức giá gặt lúa cao ngất ngưởng.

Tại đây, Minh bảo Trung và Dũng lên dừng các máy gắt đang hoạt động tại thôn Hoàng Dụ, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh. Theo lời của Minh, Trung và Dũng liền đến khu vực Ruộng Nậy, thuộc thôn Hoàng Dụ, xã Kỳ Khang, đe dọa, yêu cầu anh Mai Văn Đức (SN 1977, ở thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang) dừng máy gặt lúa.

Trước hành động vô lý của Trung và Dũng, anh Đức và một số người dân xã Kỳ Khang phản ứng quyết liệt nên 2 đối tượng này quay lại báo với Minh. Thấy vậy, Minh cùng 3 đối tượng Trung, Dũng, Huy mang theo súng tiến lại khu vực anh Đức đang gặt lúa, rồi yêu cầu dừng ngay máy gặt và đe dọa muốn tiếp tục việc thu hoạch thì phải đưa cho nhóm của Minh 1 triệu đồng.

Do người dân kịch liệt phản đối, nhất là anh Nguyễn Minh Châu (SN 1973, trú tại thôn Hoàng Dụ, xã Kỳ Khang), Trung liền dùng cuốc đánh anh Châu bị thương ở cánh tay phải. Thấy vậy, anh Mai Văn Đức đành "ngậm bồ hòn làm ngọt", lấy tiền đưa cho Minh để tiếp tục việc đồng áng.

Với những tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Anh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Quang Minh, Phạm Ngọc Trung, Nguyễn Tiến Dũng và Hồ Công Huy về tội "Cưỡng đoạt tài sản", đồng thời hoàn tất hồ sơ để xử lý đối tượng theo qui định của pháp luật.

Nông dân tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh từng chịu mức giá gặt lúa cao ngất ngưởng do nạn bảo kê, cò mồi.
Nông dân tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh từng chịu mức giá gặt lúa cao ngất ngưởng do nạn bảo kê, cò mồi.

Ông Trần Đình Gia, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh bức xúc: “Cứ vào mùa gặt, khi máy gặt lúa được đưa về hoạt động trên địa bàn thì nhiều đối tượng đứng ra "bảo kê" hòng cưỡng đoạt tài sản. Nếu các chủ máy không chịu nộp tiền theo yêu cầu của chúng thì những người đó sẵn sàng dùng hung khí đe dọa. Thực trạng đó gây bức xúc trong nhân dân. Mặt bằng chung, người ta thu có 140.000 đồng, nhưng nhiều nơi người nông dân phải è cổ trả cho chủ máy 180.000 đồng/sào ruộng. Phải khổ lắm người nông dân mới làm ra được hạt lúa, làm ra rồi có khi trừ hết chi phí lợi nhuận không còn được bao nhiêu, vậy mà người nông dân bị “cướp” mất mồ hôi. Vì thế chúng tôi hết sức ủng hộ, biểu dương lực lượng công an khởi tố, bắt giam những kẻ bảo kê, ăn chặn tiền của người nông dân”.

Ông Gia cho biết, hiện Hội Nông dân tỉnh cũng đã giao các Hội cơ sở nắm bắt thông tin. “Chúng tôi yêu cầu các cấp hội cơ sở, nếu xuất hiện tình trạng bảo kê, ép giá tuốt lúa đối với người dân thì báo ngay cho Hội nông dân tỉnh hay cơ quan chức năng tại các địa phương. Chúng tôi muốn sát cánh cùng nông dân trong việc loại bỏ nạn bảo kê không chấp nhận này”- ông Gia nói.

Văn Dũng