1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Hàng ngàn khẩu hiệu được mang đến phiên tòa Vinasun kiện Grab

(Dân trí) - Hàng ngàn tài xế đã mang theo khẩu hiệu đến phiên tòa Vinasun kiện Grab mặc dù phiên tòa đã hoãn nhưng các tài xế này vẫn la hét trước cổng phòng xử.

Ngày 24/9, tòa Kinh tế (TAND TPHCM) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun (gọi tắt Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (gọi tắt là Grab).

Trước đó vụ kiện này đã phải tạm đình chỉ để chỉ giải quyết vụ án này để thu thập chứng cứ từ Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Giao thông vận tải TPHCM và Bộ Giao thông vận tải.

img20180924085619

Các khẩu hiệu được mang đến tòa.

Sáng nay, có hàng ngàn tài xế của hãng Vinasun, Mai Linh đã đến tòa theo dõi vụ kiện. Do số lượng tài xế quá đông nên HĐXX bố trí những người này theo dõi vụ án qua màn hình bên ngoài phòng xử tuy nhiên vẫn không đủ chỗ đứng cho các tài xế.

Theo quan sát, các tài xế của Vinasun, mang theo các biểu ngữ khiến bảo vệ tòa và cảnh sát hỗ trợ tư pháp khá khó khăn trong việc giữ trật tự phiên tòa. Sau khi tòa quyết định hoãn, nhiều tài xế tài tụ tập trước cổng phòng xử la hét.

Trong đơn kiện, Taxi Vinasun cho rằng, Grab đã lợi dụng việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành Quyết định 24 ngày 7/1/2016 về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (còn gọi là Đề án 24) để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường.

img_8461

Hàng ngàn tài xế đến tòa ủng hộ hãng kiện Grab.

Theo nguyên đơn, Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải nhưng trên thực tế đơn vị này cung cấp dịch vụ vận tải và hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi – lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun. Đặc biệt, Grab còn thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong pháp luật về cạnh tranh gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận cho Vinasun.

Trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, Vinasun đã bị thiệt hại gần 76 tỉ đồng, trong đó do Grab gây ra là gần 42 tỉ đồng. Do đó, phía Vinasun yêu cầu tòa buộc Grab phải bồi thường số tiền này ngay sau khi bản án có hiệu lực.

Phía Grab cho rằng, họ có vi phạm pháp luật hay không, có làm đúng Đề án 24 hay không... thì Bộ GTVT mới là cơ quan có thẩm quyền xử lý. Và việc này Vinasun chưa cung cấp được bằng chứng. Nếu cho rằng hoạt động của Grab gây thiệt hại, VinaSun phải khiếu nại quyết định cho phép đề án thí điểm lên Bộ trưởng GTVT hoặc khiếu kiện hành chính, chứ không phải vụ kiện này.

img_8468

Không chỉ Vinasun các tài xế của hãng khác cũng tới tòa.

Bị đơn cũng phản bác quan điểm cho rằng Grab vi phạm về cạnh tranh, khuyến mại tràn lan… Bởi nếu có, Bộ Công thương đã phạt họ.

Đối với số tiền thiệt hại Vinasun yêu cầu bồi thường, Grab cho rằng nguyên đơn dựa trên báo cáo nghiên cứu thị trường chưa được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận nên không được coi là căn cứ để xác định thiệt hại.

Tại phiên tòa hôm nay đại diện phía bị đơn vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa với lý do đang khiếu nại kết quả thẩm định thiệt hại của Vinasun lên Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM. Theo phía bị đơn thì kết quả thẩm định này chưa khách quan, công ty thẩm định do Vinasun mời cũng như trả tiền thẩm định. Ngoài ra phía nguyên đơn có cung cấp cho bị đơn một số tài liệu hơn 5.000 trang nên bị đơn yêu cầu có thời gian để nghiên cứu tài liệu này một cách thấu đáo.

Sau khi, hội ý HĐXX quyết định hoãn phiên tòa và phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 17/10.

42507612_1736106996515656_5890683938661203968_n

Mặc dù phiên tòa đã hoãn nhưng các tài xế vẫn đứng lại hò hét trước phòng xử.

Xuân Duy