1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Hà Nội: Tái diễn thủ đoạn bắt cóc giả, tống tiền thật

(Dân trí) - Dù đã được cơ quan công an cảnh báo, nhiều gia đình vẫn trở thành nạn nhân của các nhóm tội phạm chuyên nhắm vào những gia đình có con em du học hoặc sống ở nước ngoài. Các đối tượng gọi điện, nói đang bắt cóc con em họ nhằm mục đích tống tiền.

Nhiều nạn nhân “sập bẫy”

Thủ đoạn vờ bắt cóc để tống tiền đã được Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 - CATP Hà Nội) cảnh báo khá nhiều sau những vụ việc liên tiếp xảy ra trong năm 2013. Các đối tượng sử dụng các đầu số từ nước ngoài gọi điện về Việt Nam, thông báo với các “con mồi” rằng chúng đang bắt giữ người thân của họ và yêu cầu nạn nhân gửi số tiền lớn qua tài khoản cho chúng để chuộc người. Sau khi chuyển tiền, các nạn nhân mới biết người thân trong gia đình không có ai bị bắt cóc cả.

Từ đầu năm 2014 đến nay, nhiều vụ lừa đảo với thủ đoạn tương tự lại tiếp tục xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Chỉ trong tháng 3, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra trên 5 vụ lừa đảo bắt cóc tống tiền với thủ đoạn giống nhau. Số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu đồng.

Khoảng 8h ngày 17/3, bà Phạm Thị Tuyết Hằng (trú tại Nghĩa Đô, Cầu Giấy) bị một đối tượng lạ gọi vào máy bàn và di động của bà, cho biết chúng đang bắt cóc con trai bà vì nợ chúng 700 triệu đồng. Các đối tượng yêu cầu bà chuyển 200 triệu vào số tài khoản chúng đưa. Tuy nhiên, sau khi xác minh được các con bà không ai bị bắt cóc, bà Hằng đã đến cơ quan công an trình báo.

Cùng ngày 17/3, bà Lê Kim Thúy (trú tại Cống Vị, Ba Đình) đang ở nhà thì nhận được điện thoại từ đầu số +36 gọi vào máy bàn của gia đình bà và cho biết chúng đang bắt giữ anh Hùng, con trai bà vì anh này nợ tiền chúng. 5 phút sau, chúng yêu cầu bà Thúy chuyển 150 triệu đồng thì mới thả người. Sau khi ra ngân hàng chuyển tiền xong, bà Thúy mới biết gia đình bà không có ai bị bắt cóc.
Một tin nhắn tống tiền
Một tin nhắn tống tiền

Trước đó, ngày 14/3, ông Nguyễn Văn Thanh (ở quận Cầu Giấy) nhận được cuộc điện thoại có mã vùng từ CHLB Đức gọi vào máy cá nhân của mình. Sau khi nghe máy, ông Thanh được một đối tượng cho biết, con trai ông hiện đang nằm trong tay chúng và yêu cầu ông nộp ngay 100 triệu vào số tài khoản thì chúng mới thả người. Do được phát hiện kịp thời, số tiền 100 triệu đồng của ông Thanh chưa rơi vào tay kẻ xấu.

Cũng trong ngày 14/3, gia đình ông Đ.H.T (ở Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được một cuộc điện thoại từ số máy lạ ở nước ngoài gọi về, nói con ông là Th., đang sống ở Đức, nợ họ 300 triệu đồng, tính cả lãi 700 triệu đồng. Đối tượng yêu cầu ông T. gửi tiền sang trả thay nếu không sẽ giết con ông.

Sau khi thương lượng qua điện thoại, bọn tội phạm yêu cầu ông T. trả cho chúng 300 triệu đồng đúng với số nợ. Ông T. đã ra ngân hàng và chuyển 44 triệu đồng vào tài khoản theo chỉ dẫn của đối tượng. Chuyển tiền xong, ông T. về nhà mới vỡ lẽ con mình ở Đức vẫn đang bình an.

Thủ đoạn không mới

Theo nhận định của cơ quan điều tra, bọn tội phạm thường gọi cho các “con mồi” vào thời điểm nạn nhân và người thân ở nước ngoài không liên lạc được với nhau. Chúng còn cho người giả giọng khóc lóc trong điện thoại như đang bị bắt giữ thật.

Trung tá Đặng Hồng Minh - Đội phó Đội 2 (Phòng PC50 - CATP Hà Nội) - cho hay, các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan đã dùng thủ đoạn dụ dỗ nhiều người dân tại các vùng giáp biên làm thẻ thanh toán quốc tế tại các ngân hàng ở Việt Nam cho chúng. Sau khi mua lại số thẻ này với giá 800.000 đến 1.000.000đ/thẻ, chúng mang sang nuớc ngoài (chủ yếu là Trung Quốc, Campuchia) sử dụng.

Các đối tượng thường gọi điện thoại từ các số điện thoại thông qua mạng internet (+313851668; +313850018; +36022,…) đến số máy cố định của nhà riêng hoặc cơ quan của bị hại và cho bị hại nghe các tiếng “kêu cứu” giả giọng người thân gia đình bị hại với nội dung chúng đã bắt cóc người thân của bị hại. Chúng yêu cầu gia đình phải chuyển tiền ngay cho chúng vào các tài khoản ngân hàng để “chuộc người”.

Tin là người thân bị bắt cóc thật, bị hại không gọi điện hay liên lạc với người nhà để kiểm tra bắt cóc thật hay không mà đã vội vàng chuyển tiền cho bọn chúng. Không ít người sau khi chuyển tiền xong thì mới biết người thân không ai bị bắt nên đã đến trình báo cơ quan công an. Lúc này, bọn chúng đã rút hết tiền trong tài khoản đó ở nước ngoài.

Theo Thượng tá Ngô Minh An - Phó Trưởng phòng PC50 - hầu hết các vụ án tống tiền, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật xảy ra trên địa bàn đều được cơ quan điều tra phát hiện và điều tra. Tuy nhiên, cho đến nay, qua kiểm tra, rà soát, tất cả các vụ tống tiền với hình thức như trên đều là giả mạo.

Theo đánh giá của ban giám đốc công an thành phố Hà Nội, thủ đoạn lừa đảo, bắt cóc, tống tiền qua điện thoại tuy không mới nhưng ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp. Vì vậy, CATP Hà Nội khuyến cáo mọi người dân luôn nâng cao ý thức tự quản lý và giữ bí mật những thông tin về cá nhân, số điện thoại của mỗi người; không nên đưa thông tin về đời tư, ảnh, lên các trang mạng thông tin xã hội, tránh để tội phạm phát hiện, lợi dụng.

“Khi xảy ra vụ việc, cần bình tĩnh, khéo léo thuyết phục, nhằm trì hoãn và kéo dài thời gian yêu cầu của đối tượng, kiểm tra ngay các thông tin về đối tượng và báo cho cơ quan công an xác minh, phối hợp.” - Thướng tá An khuyến cáo.

Tiến Nguyên