1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Hà Nội: Nước mắt muộn màng của kẻ giết người tại ngân hàng

TAND Tp. Hà Nội vừa đưa vụ án giết người cướp của ở Phòng giao dịch ngân hàng Agribank chi nhánh Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) ra xét xử. Kẻ thủ ác đã phải trả giá cho hành vi tàn độc của mình...

Nhưng, đằng sau vụ án từng làm chấn động quê nghèo này còn để lại rất nhiều đớn đau, hệ lụy lên những phận người…

Gã trai quê sớm sa vào “cạm bẫy đời”

Không ít người tham dự phiên tòa hôm ấy, khi chứng kiến Nguyễn Bá Quỳnh (SN 1983, ở Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) đứng run rẩy bám vành móng ngựa, họ đều không thể ngờ một thanh niên với khuôn mặt hiền lành, quê kiểng nhường kia lại có thể xuống tay một cách tàn độc, man rợ đến thế. Nhưng thực chất, nếu lần giở lại cuộc đời Quỳnh, thì có lẽ những hồ nghi ấy cũng sẽ được xua tan.

Tuy lớn lên từ đồng đất Mỹ Hưng, nhưng Quỳnh chưa bao giờ thôi lêu lổng. Lúc Quỳnh vừa chớm tuổi trưởng thành, cũng là lúc quá trình đô thị hóa bắt đầu lan tỏa. Bờ xôi ruộng mật biến thành nhà máy, công trường. Làng xóm trút bỏ lớp áo choàng im lìm ngàn năm hăm hở chuyển mình lên phố xá. Đèn hoa giăng mắc. Kèm theo cái không khí phố phường đó, cũng có vô vàn những mặt trái của xã hội len lỏi về vùng quê thôn dã. Nó cứ dần dần ngấm vào đám thanh niên nhầng nhầng thích khám phá, thể hiện như Quỳnh.

Đám thanh niên ấy, phần lớn đều xuất phát từ bờ tre, gốc lúa, họ vừa thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Không trình độ, không tay nghề, họ bị quá trình đô thị hóa đào thải, hắt ra ngoài rìa guồng quay hối hả. Và, không ít những kẻ đó bị hắt vào các quán cà phê, karaoke, hắt vào các trò đỏ đen, cá cược. Trong số đó, có Nguyễn Bá Quỳnh.

Những giọt nước mắt muộn màng...
Những giọt nước mắt muộn màng...

Dù gia cảnh chả lấy gì làm khá giả, nhưng Quỳnh sớm nhiễm thói ăn chơi, đua đòi, lêu lổng. Bố mẹ nói mãi không được, ông bà đành cưới cho Quỳnh một cô vợ để những mong khi đã lập gia đình, Quỳnh sẽ tu tỉnh làm ăn. Nhưng, dù đã có vợ con, Quỳnh vẫn thường xuyên dạt nhà chơi bời, bồ bịch, giao du với đám bạn “giang hồ”. Chẳng thế, mới ngoài hai mươi tuổi, Quỳnh đã kịp “khoác” 1 tiền án, 1 tiền sự lên mình.

Do bí bách và túng quẫn, đêm 11-11-2011, Quỳnh đã đột nhập vào Phòng giao dịch ngân hàng Agribank chi nhánh Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) với mục đích giết người, cướp của. Sau khi hạ sát bảo vệ ngân hàng là ông Nguyễn Tiến Văn (SN 1963, trú tại thôn Đìa, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai), Quỳnh tiếp tục cắt hết hệ thống chuông báo động rồi mang bình gas, bình oxi, đầu khò ra phá két sắt. Loay hoay mãi vẫn không thu được kết quả, Quỳnh đành cho tất cả dụng cụ vào túi rồi lấy chiếc xe Wave RS của ông Văn để tẩu thoát.

Trên đường trốn chạy, Quỳnh về nhà thay quần áo sau đó mang chiếc xe máy vừa cướp được ra vứt ở khu vực phường Kiến Hưng, quận Hà Đông nhằm phi tang, đánh lạc hướng. Còn chiếc điện thoại, Quỳnh bán cho một hiệu cầm đồ ở làng Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội).

Sau hơn 48 tiếng đồng hồ tích cực điều tra phá án, ngày 14-11-2011, cơ quan Công an đã bắt được Quỳnh khi hắn đang ẩn nấp trong một nhà nghỉ ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Muộn rồi nước mắt!

Quỳnh bảo, trong những ngày đầu bị bắt, Quỳnh khóc rất nhiều. Những giọt nước mắt ân hận muộn màng. Nhiều đêm liền, Quỳnh không tài nào chợp mắt, vì day dứt và lo lắng không biết bản án dành cho mình sẽ như thế nào. Dù trong những “đêm trắng” ở trại giam, Quỳnh cũng tự “ước lượng” được cái giá mà mình phải trả. Nhưng, trong thâm tâm, Quỳnh vẫn hy vọng mình thoát chết, dù biết là rất mong manh.

Trong phiên tòa diễn ra vào ngày 29-9-2012, nhận định hành vi của Quỳnh là đặc biệt nghiêm trọng, bản thân Quỳnh lại có nhân thân xấu (1 tiền án, 1 tiền sự) nên cần phải tuyên mức hình phạt cao nhất để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Bá Quỳnh tử hình về tội Giết người, 10 năm tù về tội Cướp tài sản, tổng hợp mức hình phạt chung là tử hình.

Dù đã có sự chuẩn bị về tâm lý, nhưng lúc nghe Tòa tuyên án, Quỳnh vẫn không thể nào đứng vững. Hai bàn tay Quỳnh run rẩy bám vào vành móng ngựa, như cố níu kéo sự sống cho mình. Có lẽ, chính Quỳnh cũng không ngờ rằng, chỉ vì những phút giây ăn chơi, sa đọa của mình mà dẫn đến bi kịch. Một người dân vô tội phải chết, còn Quỳnh lên “đoạn đầu đài”. Tội ác đã phải trả giá bằng một bản án nghiêm minh, nhưng, với những người thân của Quỳnh và gia đình nạn nhân lại là một nỗi đau dai dẳng.

Bố mẹ Quỳnh, những người từng rất căm phẫn trước hành vi tàn độc của kẻ sát hại bảo vệ ngân hàng, thế nhưng ông bà không thể ngờ hung thủ chính là đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Từ hôm “đứa con trời đánh” gây nên thảm án, ông bà không dám bước chân ra khỏi cửa, cơm cũng chẳng buồn ăn. Bởi, gia đình ông, cũng như gia đình nạn nhân, tất thảy đều là những người dân thật thà, chất phác, sống cách nhau chỉ mấy quãng đồng. Người quê xem trọng chữ tình. Ấy vậy mà thằng con trai ông, đã xuống tay tàn độc, đẩy cả gia đình người ta vào bể khổ, ông dằn vặt lắm.

Nỗi đau của những bậc sinh thành là vậy, nhưng còn với người vợ trẻ Lê Thị Tâm và đứa con thơ của Quỳnh, tương lai phía trước bỗng trở lên mịt mù, tăm tối. Rồi đây, cái gia đình nhỏ bé ấy sẽ chống chọi ra sao trước tấn bi kịch khủng khiếp này? Còn gia đình ông Văn, nạn nhân của vụ án, họ sẽ sống như thế nào khi một người vợ, một người bà, hai đứa con mất đi chỗ dựa vững chắc về cả tinh thần và vật chất? Chỉ sau một đêm, sau những nhát dao oan nghiệt của Quỳnh, tất cả họ đều phải hứng chịu những nỗi đau. Rất nhiều nước mắt đã rơi, nỗi đau nào cũng lớn lao.

Giờ đây, khi đã yên vị ở trại giam, đối diện với bản án của pháp luật cũng như bản án lương tâm, chắc Quỳnh thấy thấm thía cái giá phải trả cho tội ác của mình đã gây ra. Nếu Quỳnh biết tu tỉnh thì có lẽ, Quỳnh đang được vui vầy hạnh phúc bên đứa con thơ và người vợ trẻ. Nhưng, tất cả những điều đó giờ đã quá xa vời…

Theo Trung Thành
Công lý