1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đối tượng khống chế con tin phải chịu hình phạt đích đáng

Như ANTĐ thông tin, chiều nay (16-4), TAND quận Thanh Xuân đã mở phiên tòa xét xử công khai bị cáo Trần Thanh Bình về các tội “Cướp tài sản”, “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cố ý gây thương tích”.

Có ý đồ cướp tài sản từ trước

Cùng với cáo trạng truy tố, lời khai của Trần Thanh Bình thể hiện, giữ tháng 8-2014, đối tượng nghỉ việc ở Công ty Kho vận đá, tại Quảnh Ninh lên Hà Nội tìm việc làm. Khi đi, đối tượng mang theo 4 triệu đồng, 1 khẩu súng ngắn bắn đạn bi, 1 băng tiếp đạn, bên trong có 8 viên, 15 túi nilon đựng đạn bi, 1 bình xịt hơi cay, 1 con dao và 1 côn 3 khúc bằng sắt và thuê phòng trọ ở Nguyễn Sơn, phường Ngọc Lâm, Long Biên.

Trần
Thanh Bình bị dẫn giải vào hội trường xử án

Trần Thanh Bình bị dẫn giải vào hội trường xử án

Đến ngày 15-9-2014, hết tiền, Bình nảy sinh ý định đi cướp tài sản. Anh ta mang theo dao và đi xe buýt sang lang thang ở khu vực quận Thanh Xuân tìm sơ hở của người dân.

Khoảng 1h ngày 16-9-2014, đối tượng đi đến khu E, tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, rồi đi lên chiếu nghỉ tầng 4 cầu thang nhà E6 để ngủ. Đến khoảng 5h45 cùng ngày, đối tượng phát hiện bà Đỗ Thị Ánh Hồng (SN 1966, ở phòng 401) mở cửa để đi chợ mua đồ ăn cho con.

Thấy bà Hồng mở cửa đi xuống dưới, Bình lập tức nảy sinh ý định dùng dao khống chế người phụ nữ này để cướp tài sản. Do đó, đối tượng đi trước xuống cầu thang. Đến chiếu nghỉ giữa tầng 3 và tầng 4 thì bà Hồng đi ngay phía sau. Tức thì Bình rút dao đe doạ bà Hồng.

Toàn
cảnh phiên xử bị cáo Trần Thanh Bình

Toàn cảnh phiên xử bị cáo Trần Thanh Bình

Hoảng sợ, bà Hồng bị ngã ra bậc cầu thang. Bình di chuyển ra phía sau lưng bà Hồng, tay phải cầm dao quàng qua cổ bà Hồng khống chế. Bà Hồng kêu cứu và giằng co nhằm thoát khỏi sự khống chế thì bị Bình dùng dao gây thương tích chảy máu bàn tay phải.

Nghe tiếng bà Hồng kêu cứu, bà Đỗ Thị Mai Hương (chị gái bà Hồng) ở phòng 401 chạy ra mở cửa. Thấy vậy, Bình vừa gí dao vào cổ vừa kéo bà Hồng vào nhà và quát mọi người vào trong nhà đóng cửa lại. Lúc này, trong nhà bà Hồng còn có bà Đỗ Thị Bích Hạnh – chị gái bà Hồng, cháu Phạm Đỗ Tùng Lam và cháu Phạm Đỗ Mộc Lam (con gái bà Hồng).

Bất ngờ thay đổi yêu sách hòng trốn tội

Cũng theo lời khai của Bình tại phiên tòa, sau khi ép bà Hồng vào nhà và thấy có đông người, không thể chiếm được tài sản nên đối tượng từ bỏ ý định cướp tài sản và quay sang yêu sách muốn gặp người nhà. Bình yêu cầu tất cả mọi người trong nhà bà Hồng đi vào phòng đặt ban thờ và bảo bà Hạnh ra chốt cửa lại.


Trần
Thanh Bình lúc tòa nghị án

Trần Thanh Bình lúc tòa nghị án

Nhân cơ hội đó, bà Hạnh trốn thoát ra ngoài và điện báo công an. Bình dùng dao cắt dây điện ở ổ cắm điện để trong phòng rồi tách đoạn dây điện thành nhiều đoạn nhỏ. Bình trói hai tay cháu Tùng Lam, Mộc Lam quay lưng vào nhau, trói hai tay bà Hồng ra phía sau và bắt bà Hương tự trói tay mình lại.

Nhìn thấy tay bà Hồng chảy nhiều máu, bà Hương xin Bình cho băng bó vết thương và được đối tượng đồng ý. Sau đó, Bình khống chế bà Hồng ra ngoài để chốt cửa. Khi ra đến gần cửa, bà Hồng tiếp tục vùng vẫy nên bị Bình dùng dao gây thêm thương tích ở bàn tay trái.

Chốt cửa xong, Bình khống chế bà Hồng quay lại phòng thờ. Khi nghe thấy tiếng còi xe của lực lượng công an, biết không thể thoát, Bình đồng ý thả bà Hồng ra ngoài với mục đích thông báo với cơ quan công an rằng Bình muốn gặp người thân và nếu được đáp ứng thì đối tượng sẽ phóng thích con tin.

Do không nhớ số điện thoại của người thân, Bình viết dòng chữ “cô Bé điện về nhà, đi đến đèn xanh đèn đỏ Uông Bí hỏi bà Tuyến” rồi đưa cho bà Hồng sang gặp bà Trần Thị Bé (SN 1958, ở phòng 303 E7, cùng tập thể TXB, cô họ của Bình) để nhờ bà Bé điện về cho gia đình, đồng thời hướng dẫn cho công an đương đi về nhà Bình.

Sau khi bà Hồng ra ngoài, Bình vẫn tiếp tục khống chế bà Hương và hai cháu nhỏ. Bà Hương xin Bình cởi trói cho cháu Mộc Lam và thả để cháu đi học. Bình đồng ý. Sau đó, Bình trói tay cháu Tùng Lam ra phía trước và gí dao vào cổ cháu bắt đưa đi kiểm tra các phòng để tránh công an đột nhập.

Sau nhiều lần được công an vận động, thuyết phục và trực tiếp được Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP  Hà Nội khuyên nhủ, khoảng 10h45 cùng ngày, Bình đồng ý thả người, hạ vũ khí đầu hàng và theo chân lực lượng công an về trụ sở làm việc.

Trước đó, quá trình điều tra, cơ quan công an thu giữ của hung thủ khống chế con tin ở khu thập thể Thanh Xuân Bắc tại nơi ở của đối tượng (phường Ngọc Lâm) 1 dao nhọn, 1 ổ cắm Lioa màu đen bị cắt dây, 7 đoạn dây điện, áo phông trắng, quần vải bò, súng bắn đạn bi, côn sắt, bình xịt hơi cay…

Về hung số khí trên, Bình khai mua của một cửa hàng tại Lào Cai, rồi mang từ Quảng Ninh về Hà Nội nhằm cướp tài sản. Kết luận giám định cho thấy, khẩu súng ngắn thu giữ là súng đồ chơi nên cơ quan công an đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bị cáo. Đối với thương tích của bà Hồng, được xác định là tổn hại 8% sức khỏe. Tuy nhiên, gia đình bà Hồng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường và cũng không tham dự phiên tòa.

Khai báo quanh co

Trước tòa, khi nhận ra những lời khai của bị cáo có nhiều điểm mâu thuẫn nhau, một vị hội thẩm nhân dân trong HĐXX đã liên tiếp căn vặn. Bởi theo vị hội thẩm này, bị cáo nói rằng không có ý định cướp tài sản từ trước; chỉ nảy sinh khi thấy bà Hồng mở cửa và rất thương nhớ 2 đứa con của mình ở vào thời điểm gây án…

Bị vị hội thẩm nhân dân trong HĐXX truy vấn, bị cáo không giải thích gì thêm. Không nhận được câu trả lời của bị cáo, vị hội thẩm đặt ra hàng loạt câu hỏi: bị cáo không có ý định cướp từ trước mà cầm dao nằm ngủ qua đêm ở chiếu nghỉ khu tập thể làm gỉ? Bị cáo bảo thương nhớ và muốn gặp con, vậy tai sao bị cáo lại trói 2 cháu bé cũng trạc tuổi con mình?


Bị
cáo Trần Thanh Bình khi tòa tuyên án

Bị cáo Trần Thanh Bình khi tòa tuyên án

Tiếp đến, nữ hội thẩm nhân dân nhận xét: Bị cáo gây án mà cứ thản nhiên như không thế. Đòi hết yêu sách này đến yêu sách khác. Hành vi của bị cáo đã vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng và làm cho cả khu tập thể Thanh Xuân Bắc hoảng loạn, gây bất bình trong nhân dân.

Sau đó, vị KSV đã phải dùng rất nhiều lời lẽ động viên, khơi gợi thì bị cáo mới chịu thừa nhận có ý định cướp tài sản từ trước với lý do nợ nần nhiều vì chơi lô đề. Bị hỏi về nhận thức của bản thân khi gây ra vụ án gây nhức nhối dư luận xã hội, Bình chỉ ngắn gọn: “Bị cáo biết tội của mình rồi”.

Với những gì mà Bình gây ra, tại phiên tòa, đại diện VKSND quận Thanh Xuân khẳng định, hành vi của bị cáo là rất nghiêm trọng, cùng lúc phạm vào 3 tội khác nhau. Hành vi của bị cáo không chỉ gây thiệt hại sức khỏe, tinh thần cho gia đình bà Hồng mà còn gây mất trật tự trị trên địa bàn.

Sau khi phân tích hành vi phạm tội của bị cáo, đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt Trần Thanh Bình từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù về tội “Cướp tài sản”, từ 8 tháng đến 12 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” và từ 16 tháng đến 18 tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”. Tổng hợp hình phạt là từ 9 năm đến 10 năm tù giam về cả 3 tội danh bị đưa ra truy tố.

Sau nửa ngày xét xử, HĐXX sơ thẩm TAND quận Thanh Xuân khẳng định cáo trạng truy tố đối với bị cáo là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật; lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của bị hại cũng như kết quả điều tra. Hành vi của bị cáo đã không chỉ xâm phạm đến sức khỏe, tài sản, tinh thần của gia đình bị hại mà còn gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Do đó, cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo thì mới đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm chung.

Với khẳng định của mình, HĐXX TAND quận Thanh Xuân đã tuyên phạt Trần Thanh Bình 7 năm tù về tội “Cướp tài sản”, 9 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” và 18 tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luât”. Tổng hợp hình phạt cả 3 tội danh, hung thủ khống chế con tin tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc phải chấp hành chung là 9 năm 3 tháng tù giam.

Về dân sự, HĐXX không xem xét do bị hại không yêu cầu bồi thường gì. Và với số hung khí, công cụ của Trần Thanh Bình, Tòa án tuyên tịch thu, tiêu hủy và trao trả cho bị cáo một số giấy tờ, vật dụng không liên quan tới vụ án.

Theo Trịnh Tuyến

An ninh thủ đô