1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đời phụ nữ và tận cùng của bất hạnh

Một phiên tòa mà bị đơn là người vợ, người mẹ, người bà không còn nước mắt để khóc khi mất tất cả: Mất chồng, mất con, mất dâu, mất cháu...

Gần 20 năm hành nghề luật sư (LS), tôi đã tham gia hàng trăm vụ án hôn nhân-gia đình. Có hàng trăm lý do, nguyên nhân khiến một gia đình tan vỡ, không lý do nào giống lý do nào và tòa án thường là nơi đến cuối cùng sau những nỗ lực cứu vãn cuộc hôn nhân trên bờ vực đổ vỡ. Án hôn nhân thường khiến tôi trăn trở nhiều, khi tòa tuyên án, dù ai thắng, ai thua thì một mái ấm cũng đã không còn tồn tại. Cha mẹ ly tán kéo theo các con không còn được vẹn tròn trong vòng tay yêu thương của cả cha lẫn mẹ.

Không xa lạ với án ly hôn nhưng vụ việc mà TAND một huyện ở Tây Ninh vừa xét xử, trong đó tôi là LS bảo vệ cho bị đơn, đã làm tôi phải day dứt quá nhiều. Một phiên tòa mà bị đơn là người vợ , người mẹ , người bà đã không còn nước mắt để khóc khi mất đi tất cả thiên chức của một người phụ nữ: Mất chồng , mất con, mất cháu, mất cả con dâu.

1. Mưa hắt vào mái hiên nhà bạc phếch. Chị ngồi bó gối, thất thần nhìn đám bèo hoa dâu trôi bảng lảng giữa dòng kênh trước nhà. Chị ngồi thật lâu, chẳng buồn nói. Gió thổi phần phật từng cơn từ phía bờ sông, hất tung mái tóc lưa thưa, nước mắt trào ra khóe mắt. Nhưng chị không khóc, không hề khóc, chỉ có tiếng ùng ục nơi cổ họng rám nắng.

Một lúc, chị vào nhà lục lọi, đưa tôi quyết định đưa vụ án ra xét xử và giấy triệu tập của tòa, rồi nói như không thể buông bỏ hơn: “Ngày kia tòa xử, LS ạ!”. Chị thở dài rồi dán mắt ra bờ kênh, nơi vài con chim sẻ ướt mưa ủ rũ, thi thoảng giũ cánh khiến nước văng tung tóe.

Tốt nghiệp đại học sư phạm, chị được phân về dạy ở một trường cấp III ngoại thành. Chị quen rồi yêu anh - người đàn ông rời Tây Ninh xuống TP.HCM làm thợ nhôm kính. Một thời gian dài, cha mẹ chị kiên quyết phản đối mối tình chông chênh về bằng cấp. Nhưng chị vẫn yêu thương anh và một đứa con trai kháu khỉnh ra đời khi cả hai còn chưa kịp cưới. Con tròn ba tuổi, anh chị mới ra xã đăng ký kết hôn chỉ nhằm làm khai sinh trễ hạn cho con. “Bỏ cha mẹ, bỏ trường, bỏ học trò, bỏ lại phía sau tất cả, tôi theo ảnh về Tây Ninh làm vợ, làm dâu” - chị nấc nghẹn, nhớ lại.

Chị giơ hai bàn tay, bảo nó đã sần thế nào, đã biết bao vết gai cắt thịt da khi một cô giáo thành thị bỏ phố phường về quê khai phá đất trồng mì, trồng mãng cầu. Trời thương, cùng với đứa con trai giống anh như đúc mỗi ngày một lớn, chị lại chăm chỉ làm lụng nên dù không cưới hỏi, chị vẫn được cha mẹ chồng thương, vun vén, đỡ đần lúc mùa lúc vụ... Rồi vợ chồng dần cũng có của ăn của để, dù gia đình từng gần như khánh kiệt khi đứa con trai lúc 10 tuổi bị sốt quai bị, biến chứng hạch, tưởng chừng không qua khỏi. “Trời thương, giữ lại cho tôi hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời là mạng sống con trai, LS ạ!”.

Đời phụ nữ và tận cùng của bất hạnh - 1

2. Sau hai năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, con trai chị cưới vợ. Chị lâng lâng hạnh phúc. Con trai có nghề tài xế chạy xe đường dài, con dâu làm kế toán công nợ cho một doanh nghiệp gần nhà. Vợ chồng chị giao nhà cửa cho vợ chồng con trai, dọn hẳn vào ở trong rẫy mì. Chỉ là chị mãi ngóng mụn cháu nội khi cưới đã bốn năm mà đôi trẻ vẫn chưa có tin vui.

Rồi giữa năm thứ năm, con dâu mang bầu. Đủ ngày đủ tháng, chị hạnh phúc khôn xiết khi được bế cháu nội đích tôn trên tay. Chị như trẻ ra vài chục tuổi.

Cháu nội chưa đầy năm, con trai chị ốm thập tử nhất sinh. Bệnh viện xác định con trai chị bị ung thư tinh hoàn. Cầm bệnh án của con trai trên tay, chị lại càng bàng hoàng hơn khi thấy thêm dòng chữ “vô sinh do di chứng sốt bại liệt quai bị”. Trong chị lúc đó mọi thứ rối bời. Chị không dám nghĩ nữa khi mà liệu kết luận của bệnh viện là đúng thì cháu nội, núm ruột chị ẵm bồng từ nhỏ là cốt nhục của ai?

Chị day dứt, mất ngủ triền miên. Bác sĩ bảo con trai chị chỉ có thể sống thêm tối đa 12 tháng. Mọi thứ sụp đổ! Như để giải thoát cho vợ, tận dụng thời gian sống ngắn ngủi, con trai chị đưa đơn ly hôn. Kết luận giám định ADN do tòa trưng cầu cho thấy 99,99% đứa trẻ và cậu con trai không cùng huyết thống. Rồi con trai chị ra đi mãi mãi khi tòa còn chưa giải quyết xong việc ly hôn. Chị suy sụp chỉ còn da bọc xương, từ 54 ký xuống còn 37 ký.

3. “Đời đã vùi là dập, LS ạ!” - chị nói trong nước mắt giàn giụa. Mới qua thất tuần của con trai, anh bỏ rẫy mà đi. Con dâu cũng ẵm con rời nhà, ra thuê phòng trọ ở khu công nghiệp. Một mình chị cô độc trong căn nhà hiu hắt. Một lần nhớ dâu, nhớ cháu, chị tìm đến thăm và không tin ở mắt mình: Chồng chị và con dâu đang ôm nhau trong phòng trọ.

Anh đưa đơn xin ly hôn. Chị đồng ý nhưng phản tố đề nghị tòa xác định ADN của cháu nội nhằm làm rõ sự thật. Rồi chị lẳng lặng xách sợi dây dù vào rẫy. “Chỉ cần bà Tám rẫy kế bên không thấy kịp thì tôi đã mồ yên mả đẹp rồi, LS ơi”. Nói rồi, chị lau nước mắt lăn dài trên khuôn mặt già nua, méo xệch.

Gió vẫn hắt từng cơn mạnh phía bờ sông. Chị chẳng buồn khép cửa, nhắm hờ mắt, khẽ dỗ dành mình bằng câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan thoát ra khỏi đôi môi xám nhợt “Trời chiều bảng lảng ánh hoàng hôn. Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn…”.

Ờ, chị đã từng là cô giáo dạy sử mà!

“Tội nghiệp chị ấy”

Phiên xử diễn ra rất chóng vánh. Tòa tuyên cho anh chị ly hôn vì cả hai bên đã không thể sống với nhau được nữa.

Phiên xử kết thúc, vị nam thẩm phán đã có tuổi tới hỏi tôi với vẻ mặt buồn rười rượi: “LS có tin rằng chuyện này là có thật?”. Rồi ông chỉ tay về phía chị, nói với tôi như dặn dò: “LS nên an ủi chị ấy. Thật tội nghiệp!”.

Theo Luật sư VÕ VĂN TRÀ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Pháp luật TP Hồ Chí Minh