1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đình chỉ 1 bị can liên quan đến tham nhũng vì đã chết

(Dân trí) - Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ trong 3 tháng qua, cơ quan điều tra Bộ Công an đã đình chỉ điều tra 1 bị can vì lý do bị can chết.

Theo quy định hiện hành, bị can tham nhũng chết là hết chuyện (Ảnh minh họa).
Theo quy định hiện hành, bị can tham nhũng "chết là hết chuyện" (Ảnh minh họa).

Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng quý I và nhiệm vụ công tác quý II/2015. ​Theo đó, tính đến ngày 13/3, cơ quan điều tra trong lực lượng công an nhân dân đã thụ lý điều tra 185 vụ, 465 bị can phạm tội về tham nhũng. Trong đó, án kỳ trước chuyển sang 140 vụ, 367 bị can; khởi tố mới 44 vụ, 96 bị can (thiệt hại trên 181,4 tỷ đồng, tài sản thu hồi 213,7 tỷ đồng, trong đó có 173,7 tỷ đồng thu hồi từ các vụ án trước năm 2015); điều tra bổ sung 1 vụ, 2 bị can (viện kiểm sát trả hồ sơ điều tra bổ sung).

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 56 vụ, 130 bị can; tạm đình chỉ điều tra 2 vụ, 1 bị can; đình chỉ điều tra 1 bị can vì lý do bị can chết; hiện đang điều tra 126 vụ, 330 bị can.

Trong khoảng thời gian này, Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2015 quy định việc khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan có liên quan về dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng; làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải trao đổi một số giải pháp phòng, chống tiêu cực đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản tại Việt Nam; phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện nghiên cứu, khảo sát xã hội học về xung đột lợi ích, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Như Dân trí đã phản ánh trước đó, nhóm nghiên cứu “Thu hồi tài sản tham nhũng - Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” thuộc Ban Nội chính Trung ương đã chỉ ra bất cập trong quy định của Điều 42 Bộ luật Hình sự: “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”.

Theo quy định này, chỉ “người phạm tội” mới có nghĩa vụ trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra; còn người khác được hưởng không có căn cứ pháp luật.

Hơn nữa, Điều 107 và Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định một trong những trường hợp không được khởi tố vụ án hình sự, nếu đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can thì đình chỉ điều tra, đó là “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác”.

“Từ những quy định này, trong thực tiễn, truy cứu trách nhiệm hình sự, đặc biệt là các vụ án về tham nhũng, khi người thực hiện hành vi tham nhũng chết thì vụ án được đình chỉ và không tiến hành điều tra, xác định rõ tài sản tham nhũng bao nhiêu, đang ở đâu, ai được hưởng để thu hồi”- nhóm nghiên cứu đưa ra nhận định.

Do pháp luật chưa quy định về cơ quan, tổ chức có trách nhiệm yêu cầu, trình tự, thủ tục điều tra xác minh nên trong thực tiễn truy cứu trách nhiệm hình sự “khi người phạm tội chết là hết chuyện” (?!).

Thế Kha