1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đề nghị y án cựu công an kêu oan vụ phá “chợ” ma túy Thanh Nhàn

(Dân trí) – Vụ án cựu thiếu tá CA Hà Nội Phạm Đình Tiếng bị cáo buộc nhận lối lộ, “bảo kê” chợ ma túy Thanh Nhàn đã bước sang năm thứ 8 vẫn chưa đi đến kết cục, bị cáo vẫn trong tình trạng bị… tạm giam. Nhiều đại biểu QH đã lên tiếng về vụ việc…

Bác lời khai “gỡ tội” của chủ cũ vũ trường New Century

Phiên tòa phúc thẩm lần thứ 2 đối với cựu thiếu tá công an Phạm Đình Tiếng có thêm 2 nhân chứng mới, một là ông chủ cũ của vũ trường New Century Nguyễn Đại Dương. Nhân chứng trình bày, thời gian tạm giam với Bảy, hai người hay tâm sự. Bảy thú nhận với ông Dương, phải làm chứng chống lại một người CA. Theo đó, giữa Bảy và CQĐT có sự “đổi chác”. Bảy được hứa sẽ nhận những ưu ái nếu đổ vấy cho Tiếng.

Nhân chứng Nguyễn Đại Dương khẳng định, có việc Bảy và Mạnh (người bán thuê ma túy cho Bảy mà Bảy đã chi 8000USD để chạy tội giúp) được giam chung phòng một thời gian và đây là “ngoại lệ”. “Khi các cơ quan tố tụng cho rằng, tôi vu khống nên nói Mạnh được giam cùng với Bảy, sau phiên tòa sơ thẩm, tôi đã lấy được chữ ký của 6 người cùng phòng giam thừa nhận có việc này” – ông Dương cho hay. Nhân chứng nói thêm, rời trại tạm giam, ông đã làm đơn gửi các cơ quan tố tụng về những gì được nghe nhưng chưa một lần được gọi đến lấy lời khai.
 
Đề nghị y án cựu công an kêu oan vụ phá “chợ” ma túy Thanh Nhàn
 
Ông Dương Trường Giang, người cùng bị tạm giam thời điểm đó với Trần Thị Lan thuật lại, do bị tạm giam ở sát phòng nên ông được Lan nhờ “tư vấn” vì đã từng học luật. Bấy giờ, Lan có hỏi ông Giang, nếu phản cung thì có phạm tội “Vu khống” không? Ông có khuyên Lan không nên khai vì sẽ phạm tội “Vu khống” hoặc “Đưa hối lộ”.
 
Theo lời ông Giang, Lan có cho xem bản kết luận điều tra về vụ án của 2 vợ chồng. Để có giấy viết, phân tích giúp Lan, ông Giang đã tách đôi tờ giấy của bản kết luận điều tra. Vì vi phạm nội quy của phòng tạm giam, bản viết này đã bị tịch thu và phòng của ông Giang bị cắt nước 3 ngày.

Tuy nhiên, đại diện VKS nhận định, lời khai của ông chủ vũ trường New Century trước đây là thông tin duy nhất về việc này, không có căn cứ nào khác để đối chứng trong khi Bảy đã phủ nhận toàn bộ. Lời khai của nhân chứng Dương Trường Giang thì chứa đựng nhiều mâu thuẫn về phương thức trao đổi giữa ông Giang và Lan, lúc nói chuyển bằng thùng rác mỗi buổi vệ sinh qua các phòng giam, lúc nói chuyển qua phòng vệ sinh… Xác định thông tin các nhân chứng mới đưa ra không phù hợp với các chứng cứ khác, không có giá trị, công tố viên đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm (18 năm tù) đối với cựu thiếu tá công an Phạm Đình Tiếng.

Nhận 12.000USD xong đề xuất bắt người “chạy tội”?

Phiên phúc thẩm lần thứ 2 cũng chứng kiến màn tranh luận kịch tính liên quan đến đánh giá của VKS và các luật sư về việc các phạm nhân Bảy, Lan tố cáo Phạm Đình Tiếng nhận lối lộ 20.000USD.

Trước tòa, bị án Bùi Trọng Bảy, đối tượng trong chuyên án phá tụ điểm bán lẻ ma túy tại nhà M12 Mai Hương (Thanh Nhàn) khai đã đưa cho cựu thiếu tá công an tổng số 28.000 USD, sau khai lại là 25.000 USD nhờ “cắt đuôi”. Đi giao tiền cùng Bảy, một vài lần có mặt vợ, bị án Trần Thị Lan. Bảy khai, là đặc tình của ông Lê Vinh (đồng nghiệp của ông Tiếng), thông qua người này để kết nối với Phạm Đình Tiếng.

Trần Thị Lan lúc đầu khai khoản tiền hối lộ tổng cộng là 23.000USD, sau đính chính là 25.000USD. Nhân chứng này không nhớ cụ thể địa điểm quán cà phê đã cùng chồng đưa đến cho Tiếng nhưng khai thống nhất về cửa hàng vàng bạc mà Bảy – Lan cùng đi mua “đô” để hối lộ.

Nhận định những lời khai này phù hợp, cơ bản thống nhất qua nhiều lần điều tra, xét xử, đại diện VKS cho rằng, dù bị cáo Phạm Đình Tiếng phản đối là cơ quan công tố chỉ căn cứ nào những lời khai của các đối tượng này kết tội bị cáo nhưng đối chiếu với những việc Tiếng làm sau đó rất có lợi cho Bảy – Lan như thỏa thuận 2 bị án này đã trình bày nên đủ căn cứ kết luận Tiếng phạm tội.

Phản bác lập luận này, luật sư Vũ Quang Ninh lật lại nhiều bút lục thể hiện những mâu thuẫn qua các lần khai của Bảy, Lan từ năm 2006 đến 2010 cũng như nhiều điểm “đá” nhau giữa 2 vợ chồng. Ông Ninh cũng chỉ ra điểm vô lý khi nếu đã nhận 12.00USD để “lơ” cho vợ chồng Bảy - Lan mà chỉ ít ngày sau đó Tiếng vẫn đề xuất bắt Bảy. Sau đó, cựu thiếu tá công an còn nhiều lần nữa đề nghị bắt đối tượng.

Về cáo buộc Tiếng biết vai trò của Lan trong vụ án mà không triệu tập để hỏi, khi triệu tập cũng không hỏi nội dung mua bán ma túy của đối tượng, ông Ninh khẳng định, hồ sơ đã bị sửa chữa, làm giả, đánh lận 2 người cùng tên Lan trong vụ án.

Về bản danh sách “khoanh vùng” 20 đối tượng do Phạm Đình Tiếng lập mà cơ quan công tố cáo buộc bị cáo giấu nhẹm, không trình cấp trên, bị cáo trình bày không báo cáo bằng văn bản nhưng có photo chuyển cho 3 đồng nghiệp. Bản danh sách này hiện vẫn lưu trong hồ sơ chuyên án 609D. Luật sư đề nghị tòa yêu cầu mở hồ sơ chuyên án để xác minh.

Ngoài ra, luật sư cũng trình chứng cứ là đề nghị của đại tá Trần Quang Trong, cấp trên của Tiếng, người ký công văn trao đổi với PC16 về chuyên án (do Tiếng chắp bút) với nội dung ông Trong xin được chịu trách nhiệm về văn bản mình ký mà hiện đang được sử dụng để kết tội bị cáo. “Việc cố tình căn cứ vào công văn này để kết tội là làm oan cho cấp dưới của tôi” – luật sư trích đọc lời ông Trong viết.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về phán quyết cuối cùng của tòa về vụ án tham nhũng đã kéo dài sang năm thứ 8, khiến nhiều đại biểu Quốc hội phải lên tiếng, đề nghị giám sát này.

P.Thảo