1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Day dứt chuyện tình của phạm nhân mang án tử

Không thể khóc trước mặt vợ, anh đã ôm ảnh vợ con khóc ròng từng đêm, nước mắt của sự hối hận, day dứt và kính nể.

Trước khi khoác áo tử tù, anh là một bác sỹ, được người đời trọng vọng. Vợ anh là một giáo viên, đồng lương khiêm tốn nhưng với anh đấy là chỗ dựa, niềm hy vọng cả đời mà mỗi khi nhắc tới vợ, trong giọng nói của anh đan xen giữa yêu thương là một sự kính nể.

Với những người sợ, việc thừa nhận chẳng bao giờ có nhưng liệu có mấy người thể hiện sự kính nể vợ ra miệng, vậy mà anh đã làm điều đó, nói ra một cách chân thành, không chút đăn đo, sĩ diện. Anh là Vũ Năng Sỹ, sinh năm 1967, kẻ khoác áo tử tù đã 4 năm nay ở trại giam công an tỉnh Bắc Giang. Với pháp luật, anh là kẻ có tội, một tội lớn vì buôn ma túy là gieo cái chết trắng cho đồng loại nhưng ngoài cái tội ấy ra, anh vẫn là một con người, biết yêu thương, giận hờn và cả sự ăn năn, hối hận. Nhất là giờ đây, ở cái thời điểm chẳng biết chết đêm nay hay đêm mai, anh mới thấy quý từng ngày được sống nên cứ mỗi khi bình minh vừa ló rạng, anh lại giở ảnh vợ con ra, tâm sự.

Lấy nhau từ tình yêu nhưng chính anh lại là kẻ phản bội để rồi khi khoác áo tử tù, anh mới nhận ra rằng tình cảm mà vợ anh dành cho chồng thật rộng lượng. Chị yêu chồng, thương chồng theo cách riêng của một phụ nữ có học cho dù ngày anh ra tòa, chị mới hay chồng mình vướng lưới tình và kẻ mà anh “say nắng” đến quên cả gia đình và pháp luật ấy lại cũng đang chung vành móng ngựa với anh, cùng lĩnh án tử hình. Sốc là điều không tránh khỏi với một người vợ luôn yêu và tin tưởng chồng nhưng chị đã vượt qua, đứng dậy để hàng tháng lên thăm chồng với những lời động viên chân thành. Chị khuyên anh cố sống, không bi lụy để làm chỗ dựa cho hai con và cũng để chị còn nhìn vào anh để chèo chống. Không thể khóc trước mặt vợ, anh đã ôm ảnh vợ con khóc ròng từng đêm, nước mắt của sự hối hận, day dứt và kính nể.

Tử tù bác sỹ
Tử tù bác sỹ

Anh sinh ra trong một gia đình cơ bản, lại thông minh nên sau khi Tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên, Sỹ về công tác ở Trung tâm y tế huyện Phú Lương. Vợ giáo viên còn chồng là một bác sỹ, đẹp trai, hai con đủ nếp, đủ tẻ xinh xắn và học giỏi. Khỏi phải nói thì trong con mắt của nhiều người gia đình anh là hình ảnh lý tưởng của nhiều đôi trai gái mơ tới vậy mà anh lại không nhận thức được điều đó, hay nói đúng hơn là sự đa tình trong con mắt của anh đã khiến anh để vuột mất hạnh phúc.

Trong quá trình công tác ở bệnh viện, Sỹ được giao nhiệm vụ cai nghiện cộng đồng và chẳng hiểu sao đôi mắt ướt át của anh đã động lòng trắc ẩn trước một người đàn bà đẹp đưa chồng tới cai nghiện. Nguyễn Thị Ngọc, tên người đàn bà đó, kể rằng chồng chị ta đã cai vài lần nhưng mãi vẫn không thành công. Lần này đi cai, Ngọc nhờ Sỹ giúp đỡ vì nếu cứ tiếp tục nghiện như thế, cô chẳng biết bấu víu vào đâu vì tài sản gần như cạn kiệt. Lương tâm thầy thuốc, lòng trắc ẩn của một người đàn ông trước một người đàn bà hai con nhưng còn rất đẹp đã khiến Sỹ thấy thương cho thân phận một đóa hồng.

Từ chỗ giúp đỡ chân thành, thường xuyên trò chuyện, họ bỗng dưng cảm thấy không thể thiếu nhau. Lao vào mối tình vụng trộm như con thiêu thân, Sỹ và Ngọc thường chọn điểm dừng chân để tâm sự là nhà nghỉ Hải Yến ở thành phố Thái Nguyên. Rồi chẳng hiểu sao, Sỹ nghe lời Ngọc, góp vốn buôn chung ma túy.

Nhớ lại thời kỳ đó, Sỹ bảo chẳng biết mình ăn vào bùa lú nào, thấy Ngọc rủ thì răm rắp làm theo. Cũng có đôi lúc anh chột dạ nhưng rồi lại chặc lưỡi bởi nếu không làm thì tiền đâu để đi chơi với nhân tình, tiền đâu vào nhà nghỉ và tiền đâu để trưng diện. Điều mà anh đau khổ không phải cái án tử đang mang mà vì đã lừa dối vợ và kéo cả em ruột mình cùng tham gia. Đường dây buôn bán ma túy của Sỹ gồm 13 đối tượng, hoạt động từ tháng 9-2004, đến năm 2006 thì bị phát hiện. 

Ngày Sỹ bị bắt, vợ anh bàng hoàng còn đứa con gái lúc đó mới thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh thì khóc ngất thế nhưng chị chưa sốc khi biết ngoài việc buôn ma túy, anh còn vướng lưới tình với một người đàn bà đẹp, có chồng là con nghiện. Đứng trước tòa, anh biết phía sau mình là ánh mắt giận dữ của người thân, là sự đau xót tuyệt vọng của vợ con nên không dám quay lại vì sợ bắt gặp những cái nhìn phán xét. Ngay cả khi vào phòng biệt giam, mỗi khi vợ đến thăm, anh không dám nhìn thẳng vào mắt vợ. Một cảm giác xấu hổ, tội lỗi khiến anh chỉ dám nhìn vợ qua tấm ảnh, mở lòng hơn vào mỗi sáng sớm.

“Thực lòng tôi chẳng oán trách gì vì tội tôi làm đáng bị án tử nhưng cứ sợ hai con không vượt qua được cú sốc này rồi việc học hành dang dở thì dẫu có chết tôi cũng ân hận lắm. Nhưng giờ thì yên tâm rồi”, Sỹ nở nụ cười tự tin khiến khuôn mặt vốn bảnh bao càng trẻ hơn so với độ tuổi. 

Ngày Sỹ bị bắt, con gái mới thi vào cấp ba còn cậu con trai đang tiểu học nhưng giờ cô con gái đã là sinh viên năm thứ 3 ĐH sư phạm còn cậu con trai cũng đã thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh. Sỹ bảo đấy là công của vợ và chị là người anh mang ơn nhiều nhất. “Chỉ có tình yêu em là chỗ dựa trong anh”, Sỹ đã viết thế sau tấm ảnh gia đình nhưng lại không đủ can đảm nói ra điều đó khi đứng trước mặt vợ.

Anh bảo chỉ mong được nghe một lời trách mắng của chị nhưng đã 4 năm rồi, kể từ ngày anh mang án tử, để lại bao điều tiếng cho vợ nhưng tuyệt nhiên không một lần chị nặng nhẹ với anh. Tất cả những lần đến thăm chỉ là những lời động viên, săn sóc. Anh muốn lắm được đáp lại tình cảm của vợ nhưng không biết có còn cơ hội nữa không dẫu rằng đơn xin được ân xá anh đã viết gửi Chủ tịch nước. Sỹ bảo dẫu số phận có được định đoạt thế nào thì mỗi ngày qua đi anh càng thương nhớ về vợ con da diết.

Dường như sau những vấp váp cuộc đời, người ta mới nhìn rõ giá trị của nhau, cần lắm một bờ vai làm điểm tựa, dẫu cho bờ vai ấy chỉ có trong tâm tưởng.

Theo Lam Trinh
Công lý