1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đập phá vỏ mộ của người sống, phải bồi thường

Một cụ ông xây dựng vỏ mộ để làmnơi an táng cho vợ chồng mình sau này, do có người đập bỏ nên ông kiện đòi bồi thường tiền xây vỏ mộ này.

TAND tỉnh Phú Yên vừa xét xử phúc thẩm vụ án bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm giữa nguyên đơn là ông Võ Đáp (SN 1926, trú xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu) với bị đơn là ông Lê Văn Liên (trú xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu). Đây là vụ án khá hi hữu bởi tài sản bị xâm phạm không phải loại tài sản thông thường mà là vỏ… mộ.

Đập vỏ mộ vì không biết của ai

Theo trình bày của nguyên đơn, năm 2012 vì thấy tuổi đã cao nên ông Đáp hỏi người cháu họ mình là Trần Dũng xin một khoảnh đất thổ mộ để làm nơi an táng cho vợ chồng ông sau này. Ông Dũng đồng ý, chỉ cho ông một khoảnh đất có diện tích khoảng 50 m2, tọa lạc tại chân núi đá dựng thuộc thôn Chánh Lộc, xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu.

Ưng ý với khu đất này, tháng 4-2013, ông Đáp đã thuê nhân công xây dựng vỏ mộ, tổng chi phí hơn 8,8 triệu đồng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà cuối năm 2013, các ông Lê Văn Liên, Lê Văn Tâm, Lê Hoàng Sơn đến đập phá vỏ mộ, làm hư hỏng toàn bộ. Vì vậy, ông yêu cầu các ông này phải bồi thường thiệt hại cho ông với số tiền nói trên.

Ông Liên cùng những người liên quan là các ông Tâm, Sơn thừa nhận vào khoảng cuối năm 2013, dòng họ Lê đến khu mộ tại chân núi đá dựng thuộc thôn Chánh Lộc để tảo mộ thì phát hiện một vỏ mộ mới xây trên đất dòng họ Lê. Do không biết là vỏ mộ của ai nên các ông đã đập phá vỏ mộ này. Nay ông Đáp yêu cầu bồi thường, các ông không đồng ý vì ông Đáp xây dựng vỏ mộ trên đất của dòng họ Lê khi chưa được sự đồng ý của dòng họ.

Ông Trần Dũng thì trình bày: Ông được dòng họ Trần giao quản lý một khu đất thổ mộ của dòng họ tại chân núi đá dựng thuộc thôn Chánh Lộc, xã Xuân Lộc. Nguồn gốc đất do dòng họ Trần khai hoang từ thời Pháp thuộc, không ai tranh chấp. Năm 2012, ông Đáp có hỏi xin một khoảnh đất tại khu vực này để xây vỏ mộ làm nơi an táng cho vợ chồng ông Đáp. Ông đồng ý cho ông Đáp khoảnh đất khoảng 50 m2 nên sau đó ông Đáp đã xây vỏ mộ.

Đập phá vỏ mộ của người sống, phải bồi thường - 1

Tòa tuyên phải bồi thường

Xử sơ thẩm cuối tháng 5-2016, TAND thị xã Sông Cầu chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc các ông Liên, Tâm, Sơn liên đới bồi thường thiệt hại cho ông Đáp hơn 8,8 triệu đồng (mỗi người bồi thường hơn 2,9 triệu đồng).

Không đồng ý với phán quyết của tòa, các ông Liên, Tâm, Sơn kháng cáo.

Tại phiên xử phúc thẩm mới đây của TAND tỉnh Phú Yên, ông Đáp giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Các ông Tâm, Sơn giữ nguyên kháng cáo. Riêng ông Liên được tòa giao giấy triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt nên HĐXX quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của ông này.

Theo HĐXX, nguyên thửa đất thổ mộ của dòng họ Trần đã tồn tại lâu đời, không ai tranh chấp, việc ông Đáp xây vỏ mộ trên đất dòng họ Trần đã được sự đồng ý của người quản lý là ông Trần Dũng, phù hợp với tập quán ở địa phương. Ông Đáp đã xây dựng vỏ mộ hết hơn 8,8 triệu đồng, có chứng từ hợp lệ và có người làm chứng thừa nhận, đúng như giá xây dựng do ông đưa ra tại phiên tòa phúc thẩm.

Theo tòa, ông Liên, ông Tâm, ông Sơn cho rằng ông Đáp xây dựng vỏ mộ trên đất dòng họ Lê là không có cơ sở vì đất thổ mộ này lâu nay không có tranh chấp giữa những người trong dòng họ Trần và họ Lê. Đất này không có căn cứ xác lập quyền sử dụng đất của họ Lê nên hành vi đập phá tài sản (vỏ mộ) của người khác là trái pháp luật, gây thiệt hại cho ông Đáp.

Với những lập luận trên, tòa cho rằng án sơ thẩm buộc các ông Liên, Tâm, Sơn phải liên đới bồi thường cho ông Đáp số tiền xây mộ (mỗi người hơn 2,9 triệu đồng) là có căn cứ. Từ đó HĐXX đã bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.

Theo Hồ Lưu

Pháp luật TP Hồ Chí Minh