1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến hầu tòa

(Dân trí) - Hôm nay (18/5), tại trụ sở Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân mở phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến và 7 bị cáo.

Đây là những bị cáo có liên quan đến sai phạm tại 3 khu "đất vàng" ở TPHCM.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ đầu sáng 18/5 an ninh tại khu vực quanh phiên toà được thắt chặt. Những người tham dự phiên toà được kiểm tra danh sách kỹ lưỡng.

Thiếu trách nhiệm để 3 khu đất quốc phòng rơi vào tay tư nhân

Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến hầu tòa

Quang cảnh phiên tòa sáng nay (18/5)

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương: Các khu đất số 2, khu đất 7-9, khu đất số 9-11, ở đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TPHCM, với tổng diện tích trên 7.300 m2) có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của Quân chủng Hải quân (QCHQ).

Ngày 13/3/2006, Thường vụ Đảng ủy QCHQ họp phiên mở rộng nghe ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Công ty Hải Thành báo cáo phương án hợp tác kinh doanh trong liên doanh Hako và hợp đồng hợp tác kinh doanh 3 khu đất nói trên. Thường vụ đã nhất trí phương án hợp tác kinh doanh, giao cho Chuẩn đô đốc Lê Quang Đạo trực tiếp chỉ đạo.

Theo đó, Công ty Hải Thành phối hợp với cơ quan chức năng đề xuất, tổ chức thực hiện hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp trên 3 khu đất, nhưng đảm bảo giữ vững chủ quyền, đúng quy định của pháp luật và có lợi cho quân chủng.

Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến hầu tòa

Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vì lý do sức khỏe nên được HĐXX cho ngồi để khai báo

Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến hầu tòa - 3

Bị cáo Nguyễn Văn Hiến tại phiên tòa

Đầu tháng 10/2006, Thành ủy, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương để lại toàn bộ tiền sử dụng đất cho Bộ tư lệnh Hải quân để chi phí giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng doanh trại hoặc cơ sở phúc lợi cho các đơn vị của hải quân.

Quá trình thực hiện, các bị cáo Bùi Như Thiềm (nguyên Trưởng phòng Kinh tế QCHQ), Bùi Văn Nga (nguyên Giám đốc Công ty Hải Thành), Đoàn Mạnh Thảo (nguyên Trưởng phòng Tài chính QCHQ) đã đề xuất với Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh QCHQ và trực tiếp tổ chức thực hiện các phương án chuyển mục đích sử dụng 3 khu đất nêu trên từ đất quốc phòng sang đất làm kinh tế không đúng quy định pháp luật.

Cụ thể, mặc dù QCHQ chưa có báo cáo đề nghị Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng 3 khu đất trên nhưng các bị cáo Thiềm, Thảo đã trình Thường vụ Đảng ủy QCHQ xin ý kiến ký hợp đồng liên doanh liên kết xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê trong thời hạn từ 45-49 năm tại 3 khu đất trên, với mức khoản kinh doanh là từ 4,5-5 USD/m2/tháng trong suốt thời gian liên doanh.

Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến hầu tòa

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ

Bị cáo Nguyễn Văn Hiến khi đó là Tư lệnh QCHQ, do thiếu kiểm tra, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý đất quốc phòng, đã nhất trí với những đề xuất không đúng quy định của bị cáo Thiềm, Nga, Thảo về quản lý đất đai. Ông Hiến đã ký nhiều văn bản báo cáo, đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, UBND TPHCM xin chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng, đưa 3 lô đất vào hợp tác kinh doanh, xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê.

Thủ trưởng Bộ Quốc phòng nhất trí về chủ trương đầu tư nhưng yêu cầu QCHQ thực hiện đúng quy định của Luật đất đai và các quy định của Bộ Quốc phòng; đặc biệt “Thực hiện theo Thông tư 35/2009/TT-BQP của Bộ Quốc phòng, đất vẫn do QCHQ quản lý. Không được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vì sẽ mất đất”. Nhưng với sai phạm của các bị cáo, cả 3 khu đất trên đều rơi vào tay tư nhân.

Đất quốc phòng bị chiếm quyền sử dụng như thế nào?

Tại khu đất số 2, ngày 15/7/2006, ông Hiến ký quyết định giao cho Công ty Hải Thành sử dụng khu đất này vào mục đích hợp tác liên doanh làm kinh tế với Công ty Cảnh Hưng. Sau đó, đại diện 2 công ty này đã thành lập Công ty TNHH liên doanh Cảnh Hưng Hải Thành với vốn điều lệ 15 triệu USD (Công ty Hải Thành 10%, Công ty Cảnh Hưng 90%) trong thời hạn 49 năm.

Tháng 11/2007, Đoàn Mạnh Thảo ký báo cáo giải trình về 3 khu phương án cho Công ty Cảnh Hưng thuê khu đất số 2. Sau đó, Thường vụ Đảng ủy QCHQ họp phiên mở rộng đã nhất trí theo phương án 3 “Chuyển sang hình thức liên doanh góp vốn”.

Sau đó, ngày 17/12/2007, UBND TPHCM phê duyệt giá trị khu đất số 2 là  hơn 187 tỷ đồng để Công ty Hải Thành nộp vào ngân sách nhà nước khi khu đất làm dự án.

Bị cáo Thảo đã trình cho ông Hiến ký các văn bản gửi UBND TPHCM xin được ghi thu, ghi chi tiền sử dụng khu đất số 2 với nội dung: "Việc nộp số tiền chuyển quyền sử dụng khu đất số 2 là  hơn 187 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước là rất khó khăn đối với kinh phí của Bộ tư lệnh Hải quân và Công ty Hải Thành.  Đề nghị UBND TP.HCM xem xét giải quyết cho ghi thu, ghi chi số tiền này vào thẳng tài khoản của QCHQ, sau đó QCHQ sẽ chi cho Công ty Hải Thành để tạo một phần vốn đầu tư dự án. Khi dự án đi vào hoạt động, Bộ tư lệnh Hải quân chỉ đạo Công ty Hải Thành chuyển toàn bộ tiền thu được về Bộ tư lệnh sử dụng theo đúng quy định của Nhà nước".

Sau đó, UBND TPHCM đã trình Bộ Tài chính và được Bộ Tài chính thống nhất đồng ý.

Ngày 21/5/2008, các bên ký hợp đồng góp vốn, xác định giá trị góp vốn của Công ty Hải Thành là hơn 187 tỷ đồng bằng giá trị quyền sử dụng khu đất số 2 với thời hạn 49 năm.

Hiện tại Công ty Cảnh Hưng Hải Thành đã xây dựng tòa nhà 27 tầng nổi, 4 tầng hầm, và đã hoàn thiện 9 tầng đang cho thuê làm văn phòng. 

Đồng thời, Công ty Cảnh Hưng đã bán cổ phần cho một số đối tác (Công ty TNHH Waterfont Sài Gòn 89,64%, ông Nguyễn Công Thành 0,134%). Thế nhưng đến nay, Công ty Hải Thành chưa nộp về QCHQ số tiền sử dụng

Tương tự, tại khu đất 9-11, Bộ Quốc phòng cũng giao cho Công ty Hải Thành hợp tác liên doanh làm kinh tế với Công ty Mai Anh thực hiện dự án xây dựng cao ốc đa chức năng tại đây với thời hạn 49 năm. Sau đó, đại diện 2 công ty đã thành lập Công ty TNHH Mai Thành.

Ngày 18/7/2008, UBND TPHCM có quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng khu đất 9-11 là hơn 248 tỷ đồng. Sau đó, Công ty Hải Thành cũng hợp tác thực hiện dự án với Công ty Mai Anh tương tự như ở khu đất số 2.

Công ty TNHH Mai Thành đã xây dựng xong tòa nhà 34 tầng, hiện đang cho thuê làm văn phòng. Đến nay, Công ty Hải Thành chưa nộp về QCHQ số tiền sử dụng đất 248 tỷ đồng.

Đối với khu đất số 7-9, ngày 8/3/2006, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Dịch vụ Yên Khánh (Công ty Yên Khánh) đã gửi Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tờ trình giới thiệu năng lực của mình và xin hợp tác kinh doanh. Tin tưởng nội dung phản ánh về năng lực của Công ty Yên Khánh, bị cáo Nguyễn Văn Hiến đã không kiểm tra, thẩm định về năng lực của công ty này.

Các bị cáo Thiềm, Thảo, Nga cũng không đề xuất kiểm tra Công ty Yên Khánh. Vì vậy đã tiến hành đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ký kết với Công ty Yên Khánh khai thác khu đất không đúng quy định. Các bị cáo Đinh Ngọc Hệ  “út trọc”, Phạm Văn Diệt, Vũ Thị Hoan lợi dụng danh nghĩa Công ty Yên Khánh chiếm đoạt quyền sử dụng khu đất và thất thoát toàn bộ số tiền sử dụng đất hơn 503 tỷ đồng.

Nguyễn Dương