1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang nộp đơn kháng cáo kêu oan

(Dân trí) - Bà Triệu Thị Chính (cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang) vừa nộp đơn kháng cáo kêu oan về bản án sơ thẩm số 46/2019/HS-ST ngày 25/10/2019 của TAND tỉnh Hà Giang.

Bà Chính là người bị buộc tội trong vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mà TAND tỉnh Hà Giang đã xét xử sơ thẩm ngày 14/10/2019 theo Bản án số 46/2019/HS-ST ngày 25/10/2019.

Trong đơn gửi TAND tỉnh Hà Giang, bà Chính kháng cáo kêu oan với bản án này về phần quyết định và những vấn đề liên quan đến bà.

Lý do của việc kháng cáo: Tôi không có tội, tôi bị oan theo cáo buộc tại cáo trạng của Viện kiểm sát và theo quyết định tại bản án của TAND tỉnh Hà Giang. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết những việc sau đây: Hành vi của tôi không cấu thành tội danh: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi” theo điều 358 Bộ Luật Hình sự. Vậy tôi xin kháng cáo toàn bộ nội dung liên quan đến tôi trong bản án và kính mong Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết cho tôi theo đúng quy định của pháp luật” – nội dung đơn kháng cáo của bà Chính.

Cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang nộp đơn kháng cáo kêu oan - 1

Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án, sáng 25/10.

Theo bản án trên, bị cáo Chính bị tuyên phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi”, với mức hình phạt 2 năm tù, thời gian chấp hành tù tính từ thời điểm bị cáo chấp hành án phạt tù. Ngoài ra, bị cáo Chính còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý trong ngành giáo dục 1 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt.

Tài liệu điều tra cho biết, trong vụ án gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở tỉnh Hà Giang: khoảng thời gian từ ngày 28/6/2018 đến ngày 1/7/2018, Triệu Thị Chính đưa cho Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) một tờ giấy khổ A4 có danh sách chữ đánh máy tính gồm thông tin của 13 thí sinh để nhờ Hoài nâng điểm môn ngữ văn và Hoài đồng ý.

Sau đó, Chính cùng Hoài thống nhất số điểm cần nâng của 12 thí sinh, Hoài đã ghi số điểm vào phía lề bên phải phía trên cuối dòng thông tin của 12 thí sinh (còn 1 thí sinh Chính nhờ Hoài xem điểm).

Tuy nhiên, vì lý do khách quan cho nên Hoài không thể thực hiện nâng điểm cho 12 thí sinh mà Triệu Thị Chính nhờ.

Trong quá trình xét xử, bị cáo Triệu Thị Chính nhiều lần khẳng định mình chỉ đưa cho Nguyễn Thanh Hoài danh sách 13 thí sinh để nhờ xem điểm môn ngữ văn chứ không nhờ nâng điểm. 

Bị cáo Chính giải thích trước tòa rằng, quy trình chấm thi môn ngữ văn rất chặt chẽ, không thể can thiệp nâng điểm được. Biết Hoài không thể làm được điều này, nên bị cáo chỉ nhờ Nguyễn Thanh Hoài xem điểm cho 13 thí sinh. Thực tế, 13 thí sinh này cũng chưa được xem điểm.

Nguyễn Dương