1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Cuộc sống địa ngục vì nỗi oan thấu trời

Ở cái tuổi 79, bà Đặng Thị Nga có một sự minh mẫn đến kỳ lạ, có lẽ ba thập niên đi kêu oan đã tôi luyện cho bà điều ấy.

Cuộc sống địa ngục vì nỗi oan thấu trời - 1

Nhưng nhìn sâu hơn, vẻ đau buồn vẫn hiện rõ trên từng nếp da nhăn, từng đầu ngón tay, từng khóe mắt của bà.

“Không có người đàn bà nào trên đời khổ như tôi, đã mất chồng còn mang tiếng giết chính chồng mình” - bà Nga ngồi khép mình trong căn nhà cấp bốn xiêu vẹo, sụt sùi khi mở đầu câu chuyện với PV.

Bà nói kể từ cái ngày định mệnh khi chồng qua đời, 28 năm qua, cuộc sống với bà chẳng khác gì địa ngục. Nghèo đói, thiếu vắng trụ cột gia đình, tiếng oan sát hại chồng…, hàng trăm nỗi đau ngày đêm đè lên đôi vai gầy, cào xé tâm can bà.

“Nhìn hai con bị bắt, tôi chỉ kịp nghĩ rằng chúng sẽ chết oan mất thôi và cả mình nữa cũng sẽ không thoát. Và đúng một tuần sau tôi bị dẫn đi. Hoảng sợ, đó là cảm giác duy nhất lúc đó tôi còn nhớ, bị bắt rồi, ba đứa con nhỏ ở nhà ai sẽ nuôi chúng?” - bà Nga gạt nước mắt kể lại.

Thời gian đầu, bà nhất quyết không nhận tội dù bị cán bộ điều tra tra khảo, ép cung. Thế nhưng khi được gặp nhau, hai người con trai chấp nhận đi tù và khuyên bà nhận tội để có cơ hội về nuôi các em, đi kêu oan.

“Tôi nói với cán bộ điều tra “Vâng, con giết nó!”. Gọi chồng mình bằng nó, nghĩa là tôi quyết định dứt mọi tình cảm để mà nhận tội. Có lẽ không ai hiểu được nỗi đau này” - bà bật khóc.

Về nhà thụ án treo, bà bắt đầu nhờ người soạn đơn để kêu oan. Dành dụm từng đồng, mỗi tháng một lần bà lại khăn gói về thủ đô tìm đến các cơ quan tố tụng trung ương cầu cứu. Mỗi lần như thế bà đều phải đi lén lút vì sợ cơ quan chức năng biết đi khỏi địa phương sẽ bắt bà ở tù thì chẳng còn ai đi nữa.

“Nhiều lúc ra đường người ta dè bỉu tôi là kẻ giết chồng, những lúc đó tôi chỉ muốn xông đến đánh nhau nhưng rồi cũng kìm lại được. Nhìn cảnh mấy đứa con suy sụp vì mang tiếng giết cha, tim tôi như muốn vỡ…” - bà nhớ lại.

28 năm chờ đợi, cuối cùng gia đình bà cũng được minh oan. Nhưng sự minh oan này là quá muộn, nhất là với con trai bà - ông Trịnh Công Hiến, người đã chết khi vẫn mang nỗi hận sang thế giới bên kia.

Ngày bị bắt, ông Hiến chính là người khuyên bà Nga nhận tội để có cơ hội về nuôi các em, cũng là nuôi hy vọng có người ra bên ngoài kêu oan.

Trong tù, với tất cả sự đau đớn, ông xăm lên mình ba chữ “Đời oan trái”. Ông nói khi nào được minh oan thì sẽ tự tay xóa nó đi. Sau 28 tháng tạm giam, ông được trở về nhà với tội danh giết cha lơ lửng trên đầu. Và do không chịu nổi tiếng gièm pha, ông từng tự sát. May mắn, người em trai Trịnh Huy Dương kịp chạy đến đưa ông đi cấp cứu.

Nhưng rồi hàng trăm lá đơn kêu oan không được hồi đáp, ông càng suy sụp. Tiếng oan giết cha ngày này qua ngày khác dần vắt kiệt ham muốn sống của ông. Khi chưa xảy ra vụ án, ông Hiến là người nổi tiếng trong vùng vì sự nhanh nhẹn. Ông có quen một người con gái, đã tính đến chuyện dạm ngõ rồi cưới xin. Thế rồi tai họa ập đến, ông và em trai bị bắt giam. Ở bên ngoài, do không chịu nổi điều tiếng, người con gái kia đã dứt tình đi tìm hạnh phúc mới. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân khiến ông càng suy sụp hơn. Đến năm 2004, ông ra đi trong sự tức tưởi…

Giết chồng, giết cha không đơn giản là một vụ án của hành vi vi phạm pháp luật mà lớn hơn thế, nó là vụ án của đạo đức, của luân lý gia đình, của sự táng tận lương tâm. Bà Nga và hai con đã phải đội tiếng oan đó trong suốt gần ba thập niên.

Theo Tuyến Phan

Pháp luật TP Hồ Chí Minh