1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Có “bỏ lọt” tội phạm khi người đưa hối lộ không bị xử lý?

Tội đưa hối lộ và nhận hối lộ đều có những “biến tướng” khó lường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mặc dù hành vi đủ cấu thành tội phạm và tùy từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, thì người đưa hối lộ có thể được xem xét miễn truy cứu trách nhiệm.

Điều đó không có nghĩa là “bỏ lọt” tội phạm.

Hình chỉ mang tính minh họa (Internet)
Hình chỉ mang tính minh họa (Internet)

Đưa hối lộ: “Biến tướng” khó lường

Nghiên cứu 30 vụ việc, vụ án xảy ra chỉ riêng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, có liên quan đến hoạt động tại 15 ngân hàng trong thời gian qua cho thấy, Cơ quan điều tra đã khởi tố 117 bị can, trong đó có 81 bị can là cán bộ ngân hàng (chiếm tỷ lệ 69,2%), số còn lại là các đối tượng ngoài ngành ngân hàng đã thông đồng cùng các cán bộ trong các ngân hàng phạm tội.

Cùng với các tội “Tham ô tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”… thì hai tội danh chủ yếu chính là “Nhận hối lộ” và “Đưa hối lộ”, với tổng số tiền thiệt hại (con số ước tính ban đầu, do nhiều vụ án đang trong giai đoạn điều tra) là 11.565 tỷ đồng, 8.000 USD và 3.370 lượng vàng.

Vụ trưởng Vụ 1 (Ban Nội chính Trung ương) Nguyễn Thế Bình đã chỉ ra một trong những thủ đoạn phạm tội diễn ra ở một số vụ án thuộc lĩnh vực tín dụng, ngân hàng có liên quan đến tội phạm hối lộ.

Đó là những người ngoài ngành ngân hàng lôi kéo, mua chuộc cán bộ ngân hàng, chủ yếu là cán bộ trực tiếp làm công tác tín dụng, cán bộ thẩm định hồ sơ, tài sản thế chấp, hoặc lãnh đạo của các chi nhánh ngân hàng, bằng cách cho hưởng phần trăm hoặc “hoa hồng” trên tổng số tiền vay.

Thực chất những hành vi đó là đưa, nhận hối lộ để có được sự thông đồng tiếp tay của cán bộ ngân hàng dưới nhiều hình thức như thẩm định hồ sơ không đúng quy định, nâng giá trị tài sản thế chấp, đảo nợ trái pháp luật…

Còn cán bộ ngân hàng lại lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí công tác, ép buộc khách hàng chi tiền trong việc vay vốn tại ngân hàng (thực chất là đòi hối lộ). Thủ đoạn này xảy ra khi một số đơn vị, doanh nghiệp vay vốn của Ngân hàng, nhưng để được vay, được giải ngân số tiền vay, một số cán bộ trong ngành ngân hàng đã có hành vi vòi vĩnh, “ngã giá”, đòi chung chi thì mới giải quyết.

Quy định “mềm” trong xử lý người đưa hối lộ

Cũng từ số liệu nêu trên, số bị can ngoài ngành ngân hàng bị khởi tố về các tội, trong đó có tội đưa hối lộ, là “khiêm tốn” hơn so với số bị can là cán bộ ngân hàng. Một trong những nguyên nhân có thể là do được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm Hình sự quy định tại Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 như khoản o (tự thú), khoản p (thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải), khoản q (tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm).

Ngay cả những vấn đề được xã hội quan tâm như tài sản đưa hối lộ cũng được quy định khá rõ và theo hướng có lợi cho người đưa hối lộ. Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Tuấn Khanh phân tích: Khoản 3 của Điều 70 Luật Phòng, chống tham nhũng thì người đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát hiện hành vi đưa hối lộ đương nhiên được trả lại toàn bộ tài sản đã dùng để hối lộ.

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Quốc Hiệp, tại Việt Nam, đưa hối lộ vẫn bị coi là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý hình sự. Đây có thể là rào cản đối với người tố cáo tham nhũng mà cơ quan chức năng nên nghiên cứu để đưa ra biện pháp không xử lý người đưa hối lộ nhằm khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng như một số nước trên thế giới (Hàn Quốc, Singapore…) đã áp dụng.

Nhưng ông Hiệp cũng lưu ý, mỗi nước có một đặc thù riêng, nếu áp dụng biện pháp trên có thể tạo ra kẽ hở để kẻ xấu vu cáo, bôi nhọ cán bộ, làm rối loạn bộ máy nhà nước.

Ông Đỗ Văn Đương (Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) bày tỏ sự đồng tình về việc xem xét để không xử lý với trường hợp đưa hối lộ. “Đối với người bị ép đưa nhưng họ không tự mình trực tiếp đưa hối lộ mà phải thông qua người khác thì cũng xem như là một dạng bị ép buộc thì có thể miễn vì chúng ta đang khuyến khích sự tố giác đó, nếu trị cả người bị ép buộc phải đưa thông qua người môi giới thì sẽ làm hạn chế công tác phòng chống tham nhũng” - ông Đương lý giải và đề nghị “cần phải có sự phân tách rõ ràng về hành vi, đối tượng”.

Theo Hoàng Thư
Pháp luật Việt Nam