1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đà Nẵng:

Chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học giả giá 260 nghìn đồng/cái

(Dân trí) - Cơ quan Cảnh sát điều tra Q. Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết vừa ra lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 4 đối tượng làm giả hàng loạt chứng chỉ Ngoại ngữ và Tin học.

Tang vật cơ quan chức năng thu giữ được từ các đối tượng
Tang vật cơ quan chức năng thu giữ được từ các đối tượng

4 đối tượng gồm: Phạm Ngọc Thạch (22 tuổi, quê ở Phú Yên, tạm trú tại P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu), Nguyễn Văn Việt (27 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, tạm trú tại P. Hòa Khánh Nam), Phạm Trọng Trường (23 tuổi, quê ở Quảng Trị) và Nguyễn Xuân Sĩ (23 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế, tạm trú tại P. Hòa An, Q. Cẩm lệ, Đà Nẵng).

Trước đó, ngày 13/10, Đội An ninh và CA P. Hòa Khánh Nam (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã phối hợp bắt quả tang tại tiệm photocopy ở số 502 đường Tôn Đức Thắng do Thạch làm chủ đang diễn ra hoạt động in ấn văn bằng, chứng chỉ giả.
 
Người thuê Thạch in ấn văn bằng, chứng chỉ giả là Việt cũng đang có mặt tại đó. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vụ việc, tạm thu giữ tại chỗ 36 chứng chỉ ngoại ngữ và tin học trình độ B. Trong đó, có 18 chứng chỉ trình độ B Tiếng Anh (gồm 16 chứng chỉ có con dấu và nơi cấp là trường CĐ Phương Đông - Quảng Nam và 2 chứng chỉ có con dấu và nơi cấp là Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng), 18 chứng chỉ trình độ B Tin học (gồm 17 chứng chỉ có con dấu và nơi cấp là CĐ Phương Đông và 1 chứng chỉ có con dấu và nơi cấp là Sở GD-ĐT Đà Nẵng). Lực lượng chức năng còn thu giữ 1 USB do Việt mang đến tiệm photocopy của việt và 1 dàn máy in màu.

Tại cơ quan chức năng, Thạch khai nhận đã in ấn văn bằng trái phép cho Việt trong khoảng gần 2 tháng từ ngày bị bắt quả tang về trước. Còn Việt thì nhận làm theo yêu cầu của Trường. Ngay trong ngày 13/10, Đội An ninh CA Q. Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã bắt được Trường và đối tượng có liên quan là Sỹ, giao cho Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội công an quận.

Tiếp tục điều tra xác minh vụ việc được biết qua quen biết, Trường đã nhờ Việt làm văn bằng chứng chỉ giả và trả 80 nghìn đồng/cái nếu làm từ 10 cái trở lên, làm lẻ thì 120 nghìn đồng/cái. Việt lại đến tiệm photocopy của Thạch thuê in ấn và ép laptic văn bằng chứng chỉ giả với giá 7.500 đồng/cái.
 
Thủ đoạn làm văn bằng chứng chỉ giả của Việt là dùng máy scan lại văn bằng, chứng chỉ thật rồi xóa thông tin tên, năm sinh, quê quán… của người được cấp bằng thật, chỉ giữa lại con dấu, chữ ký. Sau đó, đưa vào máy vi tính điền thông tin tên họ, năm sinh… của các đối tượng có nhu cầu mua văn bằng, chứng chỉ giả, lưu văn bằng chứng chỉ do Việt “phù phép” vào USB rồi đem tới tiệm của Thạch in, ép laptic.

Văn bằng, chứng chỉ giả làm xong Trường giao lại cho Sỹ với giá 180 nghìn đồng/cái, và Sỹ bán lại cho các đối tượng có nhu cầu mua văn bằng, chứng chỉ giả với giá 260 nghìn đồng/cái.

Cơ quan chức năng công an quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã làm việc với trường CĐ Phương Đông (Quảng Nam) và Sở GD- ĐT TP. Đà Nẵng, xác định cả hai cơ sở đều không hề cấp văn bằng, chứng chỉ cho các đối tượng có tên trong các văn bằng, chứng chỉ thu giữ được ở tiệm photocopy của Thạch.
 
Trong USB của Việt có gần 100 bản văn bằng, chứng chỉ giả và còn lưu giữ danh sách nhiều người khác, tập trung ở các đối tượng ở độ tuổi mới tốt nghiệp ra trường và một số ít người đã lớn tuổi

Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

 Khánh Hiền