1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Buôn lậu, xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng có quy mô lớn

(Dân trí) – Sáng 8/11, tại Đà Nẵng, Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã tổ chức hội thảo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục quản lý thị trường, trong thời gian qua, hầu hết các tỉnh biên giới và vùng duyên hải đều xảy ra tình trạng buôn lậu và buôn bán hàng nhập lậu. Sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng có mức độ và quy mô lớn hơn trước.
Gian lận thương mại diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ việc thuê, mượn giấy phép kinh doanh của thương nhân khác để kinh doanh; cố ý sử dụng cửa hàng, cửa hiệu, xâm phạm thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ; giả mạo đại lý bán hàng cho các sản phẩm, thương hiệu có uy tín đến gian lận về tiêu chuẩn, chất lượng và đo lường, gian lận về giá, gian lận trong quảng cáo, khuyến mãi…
Hội thảo chống buôn lậu, hàng giả
Hội thảo chống buôn lậu, hàng giả

Trong năm 2012, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra gần 182.000 trường hợp, xử lý vi phạm hơn 91.500 vụ vi phạm trong đó có hơn 14.700 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; hơn 13.000 vụ hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ; hơn 45.500 vụ kinh doanh trái phép và hơn 18.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá với số thu gần 400 tỷ đồng.

Một số mặt hàng thu giữ có số lượng lớn như vải (thu giữ gần 2.177.000m), bia (thu giữ gần 107.000 lon), thuốc lá (thu giữ gần 835.000 bao), mỹ phẩm (thu giữ gần 386.000 hộp), gia cầm (thu giữ  80 tấn)…

Trong 8 tháng đầu năm 2013, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra gần 111.200 vụ, xử lý 57.867 vụ vi phạm với tổng thu ngân sách 220 tỷ đồng.

Số thuốc là lậu bị cơ quan chức năng Đà Nẵng bắt giữ 
Số thuốc là lậu bị cơ quan chức năng Đà Nẵng bắt giữ 

Còn theo ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường TPHCM, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nhiều diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi và đa dạng. Với kỹ thuật công nghệ hiện nay, hình thức bao bì, tem nhãn giả giống hàng thật hơn, hiện nay tem chống hàng giả phản quang có đặc điểm riêng cũng bị làm giả.
Đối tượng sản xuất hàng giả phần lớn là các cá nhân hoạt động riêng lẻ, kín đáo. Nơi buôn bán hàng giả phần lớn là cửa hàng kinh doanh cố định có đăng ký kinh doanh vừa bán hàng thật vừa bán hàng giả. Một số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh cũng sản xuất và buôn bán hàng giả.

Nhiều năm trước, hàng giả được làm trong nước nhưng những năm gần đây thì hàng giả được sản xuất từ các nước xunh quanh Việt Nam, sau đó tuồn vào thị trường Việt Nam, giả đủ loại từ nhãn hiệu phổ biến được ưa chuộng của Việt Nam cho đến những nhãn hiệu nổi tiếng của thế giới.

Hàng giả phần lớn được sản xuất từ Trung Quốc rồi nhập lậu vào Việt Nam dạng nguyên chiếc hoặc linh kiện, bao bì rời. Hàng giả trong nước được các đối tượng thuê làm mặt bằng tại nơi hẻo lánh, hẻm cụt, khu vực nông thôn mới lên phố thị vừa để ở vừa làm hàng giả, thời gian thuê ngắn rồi đổi địa điểm khác để tránh bị phát hiện.

Hiện tại, các mặt hàng may mặc, tiêu dùng bằng da hoặc giả da như giày dép, va ly, ba lô du lịch, dây nịt, túi xách thời trang, mỹ phẩm… là những mặt hàng có hàng giả chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các loại hàng giả đã được cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý trên địa bàn TPHCM.

Cũng theo ông Kiếm, nguyên nhân của thực trạng trên là do hàng giả, hàng nhái có giá rẻ hơn nhiều so với hàng thật, đặc biệt đối với các mặt hàng tiêu dùng. Người thu nhập thấp và trung bình chấp nhận mua giá rẻ và đáp ứng được thị hiếu về nhãn hiệu, kiểu dáng. Một thực tế khách quan là sự nhận thức chưa đầy đủ về tác hại của nạn hàng giả, hàng nhái cũng như ý thức chưa cao của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng lẫn người kinh doanh.

Khánh Hồng