1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bác sỹ pháp y buộc “thi thể biết nói”

Cẩn trọng, tỉ mỉ, các bác sĩ đã phát hiện một lượng chất lỏng màu đen trong phổi của nạn nhân, một số vỏ trấu găm vào phế quản. Xem xét kỹ lưỡng những vật thể này, bác sĩ pháp y đã vén bức màn bí mật về cái chết của chị N..

Những người được xã hội xếp vào một trong những nghề cao quý, nghề trị bệnh cứu người. Mấy ai biết rằng, nghề ấy còn có những con người luôn âm thầm lặng lẽ với công việc nặng nề: “mổ tử thi” để người chết “biết nói” để giải oan cho người vô tội… Họ là những bác sĩ pháp y trong lực lượng Công an. Và, chúng tôi đã tới Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nam Định, để gặp những người như thế.

Thượng tá Nguyễn Thành Nam (Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nam Định vẫn mặc chiếc áo blouse trắng, mặt lấm tấm mồ hôi. Anh bảo, cả đêm qua đơn vị đi xuống cơ sở mới về. Bây giờ đang tiếp tục giám định các mẫu vật thu được từ hiện trường vụ án. Những chiến sĩ Công an ở bộ phận pháp y, thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự luôn có những chuyến công tác đột xuất, bất ngờ như thế.

Bác sỹ pháp y buộc “thi thể biết nói”

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Kỹ thuật hình sự và bác sĩ pháp y Công an tỉnh Nam Định chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ.

Án xảy ra là họ có mặt bất kể lúc nào, nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm. Đội trưởng Đội Pháp y, Thiếu tá Đỗ Duy Hòa cho biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa, cũng như nhiều sinh viên y khoa khác, anh có biết bao ước mơ bay bổng của một bác sĩ trẻ về nghề trị bệnh cứu người. Nhìn gương mặt hạnh phúc của những bệnh nhân được cứu sống sẽ là niềm hạnh phúc vô bờ của người thầy thuốc…

Thế nhưng, anh đã tình nguyện trở thành một bác sĩ pháp y, công tác tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nam Định, đến nay đã được 7 năm. Nhớ những ngày đầu, phải trải qua biết bao khó khăn chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu. Do đặc thù công việc, nhiều đêm đang say giấc nồng bên vợ con, nhận được lệnh là tung chăn ấm lên đường. Có đêm phải vượt qua 50km xuống vùng ven biển để thực hiện khám nghiệm ngay một vụ án mạng vừa mới xảy ra… Công việc của bác sĩ pháp y là thế.

Nhớ lại vụ án đã từng xảy ra tại một xã nghèo ở huyện Xuân Trường, một phụ nữ tử vong. Người bị nghi là gây ra cái chết không bình thường này chính là chồng của nạn nhân. Gia đình hai bên mâu thuẫn, xâu xé lẫn nhau. Bác sĩ pháp y đã phải vào cuộc, mổ tử thi để xác định nguyên nhân gây nên cái chết của người phụ nữ này…

Đó là một buổi sáng như thường ngày, chị Trần Thị N. vẫn mang thịt lợn ra chợ bán, nhưng hôm nay sắc mặt chị không vui. Chị đã thổ lộ với bạn hàng, hồi sáng vừa cãi nhau với chồng và chồng chị đã tát cho chị mấy cái đến giờ vẫn đau… Chuyện tưởng chỉ có thế, vì ở làng quê, chuyện chồng “bạt tai” vợ mấy cái cũng thường xảy ra. Vừa kể xong câu chuyện thì chị N. bỗng kêu nhức đầu rồi… ngất xỉu. Bà con lập ức đưa chị N. đi cấp cứu nhưng chị đã tắt thở trên đường đi. Tin chị N. bị chồng tát chết đã loan khắp làng trên xã dưới. Người bất ngờ và lo sợ nhất vẫn là anh H. (chồng chị N.).

Bị gia đình bên vợ dọa sẽ “thanh toán” nên anh đến thú nhận tại cơ quan Công an trong nỗi sợ hãi: “Các anh ơi, hôm đó em nóng tính lỡ tay tát nhà em có 1 cái thôi, sao lại xảy ra cơ sự thế này”… Các bác sĩ pháp y đã vào cuộc, tìm sự thật đã gây nên cái chết của chị N. Công tác giải phẫu tử thi đã được tiến hành ngay. Cẩn trọng, tỉ mỉ, các bác sĩ đã phát hiện một lượng chất lỏng màu đen trong phổi của nạn nhân, một số vỏ trấu găm vào phế quản. Xem xét kỹ lưỡng những vật thể này, bác sĩ pháp y đã vén bức màn bí mật về cái chết của chị N..

Sáng ấy, sau khi bị chồng tát, chị N. đã chạy ra sau nhà, vì tâm lý bức xúc chị đã trượt chân và ngã. Vô tình một lượng nước bẩn có lẫn cả vỏ trấu ở cạnh chuồng lợn đã bị chị hít phải sặc vào phổi và phế quản. Nước bẩn đã gây ngộ độc, vỏ trấu đã găm chặt vào phế quản sau mỗi lần hô hấp dẫn đến tử vong. Và, cơ quan điều tra cũng phát hiện bộ quần áo bẩn chị N. thay ra sau khi bị ngã tại nhà tắm của gia đình (vội đi chợ sớm nên chị chưa kịp giặt). Vậy là nỗi nghi ngờ chồng sát hại vợ đã được giải tỏa. Từ đó, gia đình hai bên không còn mâu thuẫn và sự hiểu lầm đáng sợ.

Cũng với những kết quả chính xác, kịp thời… các giám định viên pháp y đã giúp cơ quan điều tra Công an tỉnh Nam Định nhanh chóng làm sáng tỏ nhiều vụ án nghiêm trọng. Thủ phạm gây án khó có thể trốn thoát nhờ công tác giám định pháp y. Các giám định viên đã cung cấp những chứng cứ dựa trên kết quả khoa học, những dấu vết và chứng cứ biết nói ấy khiến kẻ phạm tội không thể chối cãi. Những kết luận của giám định pháp y sẽ là cơ sở để lần tìm manh mối phá án.

Thiếu tá Đỗ Duy Hòa cho biết, mổ tử thi là công việc gian khổ, nơi mổ thường là hiện trường xảy ra vụ án, nơi đồng không mông quạnh hoặc nơi thủ phạm cất giấu thi thể nạn nhân. Có khi đã bị thối rữa lâu ngày, bốc mùi hôi thối nồng nặc… Và, không ít lần còn gặp phải sự phản ứng dữ dội của những người thân trong gia đình người xấu số. Công việc của các bác sĩ pháp y vừa khó, vừa gian khổ mà cuộc sống cũng rất đạm bạc.

Biết được điều ấy nên nhiều bác sĩ không chọn nghề này, việc tuyển dụng vào đội ngũ này rất khó. Hiện nay, ở Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nam Định có 3 bác sĩ (2 người là giám định viên, 1 người chưa được công nhận là giám định viên), 5 trợ lý. Trong 2 giám định viên thì 1 người tuổi đã cao sức khỏe yếu và chuẩn bị nghỉ hưu.

Mọi công việc nặng nhọc đều do Thiếu tá Đỗ Duy Hòa đảm nhiệm. Việc chăm lo gia đình, con cái anh đều phó thác cho người vợ hiền là giáo viên. Anh Hòa bộc bạch, đối với nghề giám định pháp y, những ám ảnh tâm lý mới là gánh nặng. Nhưng rồi, thời gian trôi qua, họ cũng quen với công việc vất vả và gắn bó với nhiệm vụ nặng nề này…

Chỉ trong 5 năm, các bác sĩ pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Nam Định đã làm được một khối lượng công việc khổng lồ: giám định tử thi cho hơn 1.000 trường hợp. Các anh chia sẻ, sau những nhọc nhằn của nghề giám định là niềm hạnh phúc đã góp một phần sức lực nhỏ bé vào việc truy tìm và xét xử những tên tội phạm, để cuộc sống mãi bình yên

Theo Kim Quý - Bích Mận
Công an nhân dân