1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

43 ngày đấu trí với sát thủ giả điên: Dùng "mồi nhử" bắt hung thủ lộ mặt

Kể từ khi đưa Lương Trọng Thăng vào diện tình nghi, các điều tra viên đã vấp phải vô vàn áp lực mà điều khó khăn nhất chính là tính khí dở dở, ương ương của đối tượng này.

Đối tượng Lương Trọng Thăng thực nghiệm hiện trường
Đối tượng Lương Trọng Thăng thực nghiệm hiện trường

Lương Trọng Thăng khá ranh mãnh trong việc đối phó với pháp luật và cũng biết tận dụng “lợi thế” của mình. Đó là hắn luôn dùng chiêu… “giả điên” mỗi khi thất thế hoặc bị dồn vào đường cùng. Cuốn sổ khám chữa bệnh động kinh tại Trạm y tế xã được Thăng dùng như một lá bùa hộ mệnh và đã rất nhiều lần y trốn tránh được sự xử lý của cơ quan pháp luật địa phương.

Nghi phạm liên tục “giở trò”

Sau khi loại bỏ dần các đối tượng, Thiếu tá Trần Hiệu, Đội trưởng Đội Trọng án, CATP tỉnh Hải Dương quyết định triệu tập Thăng lần 2 để tập trung làm rõ những tình tiết liên quan đến khoảng thời gian từ 5h đến 5h15 - 15 phút bất minh của anh ta trong ngày 5-12-2016. Tại trụ sở Công an huyện, mới đầu Thăng tỏ thái độ rất vui vẻ và hợp tác vì thấy những câu hỏi đầu tiên của lực lượng công an dường như quá dễ đối phó.

Tuy nhiên, khi bị cán bộ điều tra hỏi những câu khó hơn thì hắn bắt đầu sửng cồ văng tục. Cho tới khi bị dồn liên tiếp bằng những câu hỏi trực diện thì Thăng chính thức… “giở trò”. Đang ngồi rất thoải mái trong phòng làm việc, Thăng đứng bật dậy chạy ra ngoài vác gạch tấn công lực lượng công an làm cả trụ sở được phen náo loạn.

Thậm chí, khi bị khống chế, hắn nhất định không chịu ngồi lên ghế mà nằm lăn ra sàn nhà ăn vạ, chửi bới. Trong các “trò diễn” này thì cùn nhất là màn Thăng tự đại tiểu tiện ra quần. Chưa hết, hắn còn đập phá bất cứ thứ gì trong tầm với của mình. Ngay cả cửa kính phòng làm việc trụ sở hôm đó cũng bị Thăng đạp vỡ vụn.

Thiếu tá Trần Hiệu nhớ lại: “Lúc đó, chúng tôi vẫn chưa thể xác định được đối tượng có bị tâm thần hay không. Những màn “giở trò” này khiến cán bộ điều tra phải hết sức cẩn thận. Dù sao thì hôm đó Thăng cũng được cho về và báo hại cán bộ phải đi dọn bãi chiến trường cho chính đối tượng gây ra”. Lên Công an huyện mà cuối cùng vẫn ra về bình an vô sự, Thăng càng dương dương tự đắc.

Hắn yên tâm với ý nghĩ, chỉ cần ăn vạ là công an không làm gì được mình. Thế nhưng, Thăng không biết rằng, bộ quần áo mặc từ hôm 5-12 của hắn đã được cán bộ công an bí mật đem đi giám định và tất cả mọi người đều chờ đợi kết quả phân tích gửi về. “Tuy nhiên, kết quả lại không như mong đợi. Khi tiếp cận hiện trường, chúng tôi đã tin chắc với dấu vết máu của cháu bé bắn lên tường lớn thế kia, thế nào cũng dính ít nhiều lên quần áo thủ phạm. Kết quả giám định là con số không khiến mọi người bất ngờ. Hướng điều tra buộc phải tìm manh mối theo hướng khác”, Thiếu tá Trần Hiệu nói.

8 ngày sau khi vụ án xảy ra, qua vận động gia đình, các điều tra viên đã đưa được Thăng đi khám bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Gia Lộc. Kết luận của bệnh viện khẳng định, Thăng không hoàn toàn bị tâm thần. Như vậy có nghĩa là Thăng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu là thủ phạm gây ra vụ án. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho đối tượng, phía bệnh viện cũng yêu cầu phải để Thăng lại để điều trị bệnh động kinh.

Vị trí con dao được giấu dưới mương thoát nước gần hiện trường
Vị trí con dao được giấu dưới mương thoát nước gần hiện trường

Khi công an làm bảo mẫu

Với Thượng úy Vũ Đình Dũng - điều tra viên Đội Trọng án thì 3 tuần ăn trực nằm chờ trong bệnh viện tâm thần để trông Thăng là những ngày cực khổ nhất. Thăng biết là công an thường xuyên giám sát mình nên liên tục “giở trò” bằng màn đại tiểu tiện vung vãi khắp bệnh viện. Thậm chí, có lần thấy bác sỹ thiếu cảnh giác, gã lao ra lan can định nhảy từ tầng 2 xuống đất hoặc cố chọc tay vào ổ điện để tự tử.

Thượng úy Vũ Đình Dũng cho biết: “Rất may là đã lường trước được các trò Thăng có thể diễn nên anh em đã nhanh chóng ngăn chặn được và từ đó cửa phòng của Thăng luôn luôn bị khóa, điện cũng được cắt. Nhưng dấu hiệu này của đối tượng càng khiến điều tra viên có cơ sở để tin rằng, Thăng chính là kẻ gây ra cái chết cho cháu bé”.

Biết Lương Trọng Thăng mê tiền đến mức bệnh hoạn, Thượng úy Vũ Đình Dũng bèn nghĩ ra một cách, đó là mượn tiền từ phòng kế toán của đơn vị để thăm dò thái độ, tâm lý của đối tượng. Cứ vài ngày, Thăng lại thấy 2 cán bộ công an ngồi ngoài cửa lấy ra một chiếc cặp đựng những xấp tiền dày cộm chia nhau.

Lúc chia tiền, những cán bộ này còn to tiếng tranh giành kẻ nhiều người ít, thậm chí họ còn giằng co nhau khiến những tập tiền rơi xuống tung tóe khắp nơi. Cảnh tượng những tờ bạc nằm la liệt ngoài hành lang và 2 cán bộ tỉ mẩn nhặt từng tờ, vừa nhặt vừa đếm oang oang tác động trực tiếp đến thị giác, thính giác khiến Thăng như phát rồ. Hắn nhao ra cửa sổ ôm song sắt thèm khát nhìn như thôi miên vào đống tiền ấy. Nhưng mặc kệ, 2 vị cán bộ vẫn thản nhiên như không biết gì, việc chia tiền cứ đều đặn diễn ra.

Rồi đến một ngày, Thăng lò dò ra cửa hỏi Thượng úy Dũng, “này các anh làm gì mà có được nhiều tiền thế”? Biết cá đã cắn câu, Thượng úy Dũng bồi ngay một cú trực diện: “Ông hỏi làm gì? Tôi thấy người ta bảo ông có mấy trăm triệu tiền cho vay đang cất ở nhà. Ông có gì cần khai báo thì khai luôn với cơ quan công an rồi về cho sớm, công an họ biết rõ thủ phạm rồi. Chứ tiền cả núi mà không về trông coi, trộm nó vào khoắng cho một mẻ là mất trắng”.

Cú đánh này có hiệu lực ngay lập tức, Thăng như lên đồng, ngồi chửi bới đám trộm cắp bất lương một hồi rồi thẽ thọt: “Thế khai ra, nhỡ công an bắt bồi thường nhà thằng bé thì tôi sạt nghiệp à?”. Thượng úy Vũ Đình Dũng ra thêm một cú quyết định: “Bồi thường là dĩ nhiên rồi. Tôi thấy bảo cháu bé bị chém 30 nhát, cứ mỗi nhát bồi thường 5 triệu đồng chắc là đủ”. Câu nói này khiến Thăng gần như gục ngã, hắn rên lên như thể vừa bị cướp: “Nói láo, tao chém nó có 5-6 nhát, lấy đâu ra 30 nhát. Nhà nó định ăn vạ để cướp tiền của tao chắc?”. Vậy là hung thủ đã lộ mặt.

Lời thú tội của kẻ thủ ác

Không khó khi sau đó Thượng úy Vũ Đình Dũng làm rõ câu trả lời về hung khí của đối tượng khi gây án. Thăng nhanh chóng tiết lộ vị trí giấu con dao chẻ củi dùng để chém cháu bé dưới một con mương thoát nước gần hiện trường. Để cẩn thận, cơ quan công an còn mời cả luật sư tới giám hộ cho đối tượng trong quá trình lấy lời khai. Lúc này thì mọi vấn đề gần như đã được tháo gỡ, Thăng mau chóng thú nhận nguyên nhân sát hại cháu Khang.

Theo đó, nguyên nhân bắt nguồn từ một việc rất đơn giản, đó là thỉnh thoảng Thăng vẫn bị lên cơn động kinh nên bị người trong thôn gọi là “Thăng điên”. Khi ấy gã rất bực tức, trong số những người này có cháu Khang. Thăng còn nhớ hồi giữa năm 2016, khi gã đi qua nhà văn hóa thôn thì bị một nhóm trẻ con gồm cả cháu Khang trêu rồi bỏ chạy nên gã nuôi ý định trả thù.

Hôm 5-12-2016, khoảng 5h sáng Thăng dậy sớm và đi bộ ra đường. Khi đến trước cổng nhà ông Vững, hắn nhìn thấy điện trong sân bật sáng, cổng khóa, nhưng vợ chồng ông Vững đi bán hàng nên đã nảy ra ý định đột nhập vào chém cháu Khang để trả thù. Thực hiện ý đồ, gã trèo qua tường vào trong sân, rồi đi vào bếp lấy 1 con rựa làm hung khí.

Do cửa nhà ông Vững không chốt nên Thăng không gặp khó khăn gì. Nhìn thấy cháu Khang đang nằm ngủ ở trên giường, Thăng vén màn lên rồi chém liên tiếp 6 nhát vào vùng mặt, đầu cháu bé khiến cháu Khang tử vong ngay lập tức. Gây án xong, Thăng nhanh chóng tẩu thoát ra đường liên thôn và giấu dao dưới rãnh thoát nước rồi đi bộ tiếp đến nhà văn hóa thôn chơi như không có chuyện gì.

Tại buổi thực nghiệm hiện trường ngày 18-2-2016, diễn biến hành vi của đối tượng được tái hiện hoàn toàn trùng khớp với lời khai trước đó. Vụ án được kết thúc sau 43 ngày ròng rã đấu trí của các điều tra viên Đội Trọng án, Công an tỉnh Hải Dương.

Theo Tuấn Dũng

An ninh thủ đô