Kinh nghiệm lái xe từ thực tế

Xe bán tải "bỗng dưng" quẫy đuôi, đối đầu xe đổ đèo

(Dân trí) - Trong clip là một tình huống mà nhiều người phải đối mặt khi di chuyển với điều kiện đường đèo mưa lạnh. Tài xế chiếc xe bán tải trong clip đã gặp hoạ khi cố "thốc ga" để vượt xe tải. Đường trơn ướt và nhiệt độ thấp đã khiến bánh xe không còn bám đường...

 Sự việc xảy ra vào ngày 12/1/2019 tại dốc chữ S, thuộc xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La). Clip do bạn Vương Vinh (Hà Nội) chia sẻ. 

Có thể thấy khi vượt xe tải và đến trước thời điểm xảy ra hiện tượng "quẫy đuôi", chiếc xe bán tải không hề sáng đèn phanh. Điều này cho thấy chiếc xe bị mất độ bám đường (do đường trơn và mưa lạnh khiến lốp cứng hơn) nên đã xảy ra hiện tượng bánh sau "đi nhanh" hơn bánh trước và kéo chiếc xe thẳng sang làn đường đối diện.

Xe bán tải bỗng dưng quẫy đuôi, đối đầu xe đổ đèo - 1

Một số kinh nghiệm lái xe đường đèo núi trong điều kiện mưa lạnh:

Việc có một chiếc xe hoàn hảo trước khi ra đường luôn là cần thiết; tuy nhiên, với thời tiết có băng/tuyết, cần cần kĩ càng hơn nữa đối với phanh, lốp xe (đủ độ bám, ta-lông còn dày), vì khi mặt đường đóng băng, lốp dễ mất ma-sát dẫn đến trượt bánh, mất kiểm soát. Ngoài ra, nếu đường có tuyết dày (hoặc bùn lầy lẫn băng đá) hãy nghĩ đến việc xì bớt hơi trong lốp, giúp xe tăng thêm độ bám. Nhưng hãy cẩn thận với việc này nếu bạn không có bơm dự phòng trong xe.

Thời tiết có băng/tuyết bao giờ cũng đi kèm với trời mù, mưa nhỏ, thậm chí có tuyết rơi, tầm quan sát kém. Lúc đó, hệ thống đèn xenon hay đèn dạng chiếu hầu như không có tác dụng, bởi phía trước người lái là cả một quầng sáng trắng và hầu như không quan sát được đường sá xung quanh. Bạn cần chuẩn bị trước một đôi đèn chiếu ánh sáng vàng (ít bị cản lại trong không khí và hơi ẩm) hoặc có thể dán giấy bóng kính màu vàng - cách mà các bác tài đường dài miền núi Sơn La, Điện Biên… hay sử dụng.

Hãy lựa chọn một chiếc xe có hệ thống dẫn động bốn bánh khi di chuyển trên đường băng/tuyết. Hệ thống này cho bạn một điều kiện vận hành tối ưu nhất khi luôn duy trì tốt lực bám trên đường hơn hẳn so với hệ thống dẫn động cầu trước hay đặc biệt là cầu sau trong điều kiện thời tiết này.

Khi lên xe, cần kiểm tra các tính năng hỗ trợ an toàn chủ động (nếu có) để đảm bảo chiếc xe của mình sử dụng hết các tính năng vốn có: hệ thống ổn định thân xe điện tử (ESP, VSC…), hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS), hệ thống kiểm soát chống trượt (ASR)… Hầu hết những chiếc xe đời mới nếu có hệ thống này có cách bố trí khác nhau; luôn bật trong hệ thống phần mềm hoặc kích hoạt bằng nút bấm, điều này bạn cần chắc chắn để không bỏ phí một công cụ hỗ trợ an toàn nào cho mình.

Khi lái xe, tránh thực hiện những động tác đột ngột như đạp phanh, rồ ga, hay đánh lái… điều này rất dễ khiến chiếc xe của bạn bị trượt và mất hướng lái. Như vậy, không còn cách nào khác là bạn luôn phải tập trung lái xe, phán đoán tình huống, thực hiện các động tác thật nhẹ nhàng và uyển chuyển. Hãy “mơn trớn” chân ga/chân phanh chứ đừng hùng hổ, bạn sẽ rất dễ đâm xe vào cọc tiêu, ta-luy hay thậm chí là xe ngược chiều, và nguy hiểm hơn là bờ vực sâu.

Việt Hưng