Lãnh đạo ngành ô tô Mỹ "ngồi trên lửa"

(Dân trí) - Giám đốc điều hành của ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ - GM, Ford, và Chrysler - đã phải trả lời hàng loạt câu chất vấn của Thượng viện về việc tại sao chính phủ phải hỗ trợ họ hàng tỷ USD, và liệu điều đó có gì tốt.

Ba CEO, Rick Wagoner của GM, Alan Mulally của Ford, và Robert Nardelli của Chrysler, đã phải cố thuyết phục các thành viên chủ chốt của Thượng viện rằng họ xứng đáng được vay 25 tỷ USD từ chính phủ để vượt qua giai đoạn suy thoái hiện nay, và rằng người dân - những người đóng thuế - có thể kỳ vọng sẽ được hoàn trả trong tương lai.

 

Tuy nhiên, có vẻ cả ba ít hy vọng thuyết phục thành công. Trong vòng hai tuần, kể từ khi GM thông báo lỗ 4,2 tỷ USD trong quý III và có thể không còn đủ tiền mặt để cầm cự đến hết năm, các thành viên đảng Cộng hoà đã lên tiếng phản đối việc hỗ trợ Detroit.

 

Trong khi đó, phía đảng Dân chủ còn đang băn khoăn không biết nên giúp ngành chế tạo xe hơi bằng cách dùng luôn một phần trong gói hỗ trợ 700 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ đã thông qua hồi tháng 10, hay bằng một gói hỗ trợ 25 tỷ USD mới.

 

Ngày 18/11, ba CEO đã phải lên giải trình trước Uỷ ban ngân hàng thượng viện, và ngày 19/11, tiếp tục chiến dịch vận động tại Hạ viện.

 

Hẹn gặp lại năm sau

 

Các nhân viên và một số quan chức tại Nhà Trắng cho biết khả năng quy định mới được thông qua trong kỳ họp tới của quốc hội để hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô Mỹ là rất nhỏ.

 

Tuy nhiên, ba CEO cùng với chủ tịch Nghiệp đoàn ô tô Mỹ Ron Gettelfinger muốn nhân dịp này gạt bỏ những ý kiến tiêu cực về nguyên nhân khiến họ lâm vào tình cảnh hiện nay. Và họ đã phải đau đớn thừa nhận rằng tình hình đã rất nguy cấp.

 

GM và Chrysler cho biết nếu không có khoản vay từ chính phủ, họ sẽ không còn đủ tiền mặt để duy trì hoạt động đến hết quý I/2009. Ông Wagoner của GM cho biết công ty ông chỉ còn khoảng 15 tỷ USD tiền mặt từ nay đến cuối năm. Trong khi đó, ông Nardelli cho biết Chrysler hiện còn 6,1 tỷ USD.

 

Ford cho biết họ có thể duy trì hoạt động đến năm 2010, nhưng đó là trong trường hợp tình hình thị trường không xấu đi. Tuy nhiên, họ lo rằng sự sụp đổ của GM hoặc Chrysler sẽ gây hiệu ứng đôminô, đẩy hàng trăm nhà cung cấp vào khó khăn, làm đình trệ hoạt động sản xuất của Ford, và từ đó khiến một loạt doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản.

 

Lãnh đạo ngành ô tô Mỹ "ngồi trên lửa" - 1

 CEO của ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ tại phiên điều trần trước Uỷ ban ngân hàng thượng viện Mỹ hôm 18/11. Từ trái sang: ông Alan Mulally của Ford, Robert Nardelli của Chrysler, và Rick Wagoner của GM

 

GM đang đòi vay 10-12 tỷ USD; Chrysler muốn vay 7 tỷ USD; còn Ford, 7-8 tỷ USD.

 

Tuy nhiên, cả ba công ty cho biết cái nhìn của họ đối với cuộc khủng hoảng tài chính trước mắt lạc quan hơn so với đa số. Lãnh đạo ngành ô tô Mỹ cho rằng việc hàng chục nhà máy phải đóng cửa và các thoả thuận với nghiệp đoàn sẽ giúp cắt giảm chi phí, đủ để giúp họ trở lại thời kỳ làm ăn có lãi khi nền kinh tế và doanh số tiêu thụ ô tô hồi phục. Nhiều nhà phân tích dự đoán doanh số sẽ tăng vào giữa năm 2010.

 

Lỗi tại Detroit?

 

Nhiều ý kiến cho rằng các vấn đề hiện nay của Detroit là do tự họ gây ra, và rằng các công ty đã thiếu sự đổi mới. Họ coi việc sản xuất xe hybrid là không có ý nghĩa về mặt kinh tế. Họ phớt lờ mối đe doạ về môi trường.

 

Ngay trong quốc hội Mỹ cũng có những ý kiến trái chiều. Nghị sĩ đại diện của các bang được hưởng lợi t hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp ô tô châu Âu và châu Á, như Alabama và Bắc Carolina, đứng về phe chỉ trích ngành ô tô Mỹ. Trong khi đó, nghị sĩ đại diện cho các bang gần gũi với Detroit, như Ohio và Michigan, lại lên tiếng bảo vệ.

 

Nghị sĩ Sherrod Brown đến từ tiểu bang Ohio cho rằng nếu Quốc hội không ra tay cứu giúp ngành ô tô Mỹ sẽ chỉ khiến tình hình xấu thêm. Theo ông, Quốc hội cũng có một phần lỗi, đó là khi không thông qua quy định ngặt nghèo hơn về mức tiêu thụ nhiên liệu của xe hơi để thị trường kịp thi đối phó với việc nhiên liệu tăng giá.

 

Xăng dầu tăng giá là nguyên nhân chính khiến doanh số tiêu thụ loại xe việt dã giảm mạnh, trong khi đây là nguồn lợi nhuận chính của Detroit.

 

Trước Uỷ ban ngân hàng thượng viện, ông Wagoner, CEO của GM, vin vào lý lẽ rằng việc cứu GM và các doanh nghiệp ô tô Mỹ khác, bằng các khoản vay, còn đỡ tốn kém hơn sự sụp đổ dây chuyền. “Thiệt hại về mặt xã hội từ sự sụp đổ của GM sẽ rất khủng khiếp, với 3 triệu ngưi mất việc trong năm đầu tiên…và chính phủ sẽ thất thu 156 tỷ USD tiền thuế trong 3 năm,” ông nói.

 

Nhiều ý kiến cho rằng có lẽ ngành ô tô Mỹ sẽ phải ráng đợi đến nhiệm kỳ của tân Tổng thống Obama, mới nhận được sự trợ giúp từ chính phủ, tức là vào cuối tháng 1 năm sau.

 

“Tương lai tươi sáng” của Ford

 

Giám đốc điều hành Ford, ông Mulally thừa nhận rằng một số muốn thấy một mô hình kinh doanh mới ở Detroit trước khi chi hàng tỷ USD tiền thuế của người dân. “Tại Ford, chúng tôi đang trên đường hoàn tất quá trình cải tổ doanh nghiệp, xây dựng một Ford với tương lai tươi sáng,” ông nói.

 

Cũng trong ngày 18/11, Ford đã cho ra mắt hai mẫu xe hybrid xăng-điện tại Triển lãm ô tô Los Angeles 2008, hứa hẹn chúng còn tiết kiệm nhiên liệu hơn xe của Toyota.

 

Ford đã đóng cửa 17 nhà máy tại Bắc Mỹ trong vòng 5 năm qua; và cắt giảm 51.000 nhân công trong 3 năm.

 

Nhật Minh

Theo Business Week