Làm đẹp, làm sang cho “xế”: Đùa với lửa

Nhiều vụ cháy xe đã được xác minh nguyên nhân là do chập điện khi chủ xe lắp thêm các linh kiện bên ngoài, nhưng thời gian gần đây nhiều khách hàng vẫn vô tư lắp thêm các loại linh kiện, “đồ chơi” cho xe.

Theo các chủ kinh doanh mặt hàng này ở Hà Nội, thời điểm vào hè thường là lúc nhu cầu lắp đặt phụ kiện ôtô, xe máy tăng mạnh.

 

Sau gần nửa tháng lắp thêm bộ đèn xenon siêu sáng cho chiếc Yamaha Nouvo LX của mình trên phố Huế, đầu tháng 5 vừa qua, anh Lê Văn Điệp, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội đã “được” gặp “bà hỏa” khi đang đưa vợ con đi chơi trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Rất may cho gia đình anh Điệp là khi xe phát hỏa là lúc trời tối, đi chậm và cháy phía đầu xe nên phát hiện nhanh và kịp thời dập lửa. Tuy nhiên toàn bộ phần nhựa, dây dẫn phía đầu xe và hệ thống điện bị hư hại hoàn toàn. Mang xe tới trung tâm bảo hành của Yamaha để kiểm tra thì được biết nguyên nhân cháy là do anh Điệp lắp thêm cụm đèn xenon không rõ nguồn gốc.

 

Một vụ cháy xe do chập điện trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Một vụ cháy xe do chập điện trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

 

Theo các nhân viên kỹ thuật của Yamaha, chính những sợi dây dẫn điện không đạt chuẩn và cách đấu nối thủ công của thợ lắp đặt (câu dây trực tiếp vào dây dẫn từ ắc quy tới đèn pha để đấu nối bộ balap kích điện cho đèn xenon lắp thêm) là thủ phạm gây cháy xe. Do nguồn điện để kích bộ balap rất lớn, khi xe hoạt động lâu trong điều kiện bật đèn sẽ gây quá tải, làm nóng hệ thống dây dẫn, chảy nhựa và gây cháy. Mặc dù xe của anh Điệp vẫn đang trong thời gian bảo hành, nhưng phí tổn gần 8 triệu đồng anh Điệp phải gánh hết, bởi theo quy định bảo hành của hãng, những trường hợp khách hàng tự ý lắp thêm phụ kiện bên ngoài vào, hãng không chịu trách nhiệm.

 

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Phòng Phụ tùng của Yamaha Việt Nam, cho biết: “Tất cả những phụ tùng “nhái” đều có nguy cơ gây tai nạn rất cao cho người sử dụng. Đặc biệt, những loại đồ chơi, phụ kiện có liên quan trực tiếp đến hệ thống điện như: đèn, còi, thiết bị điều khiển, chống trộm... luôn có nguy cơ cháy, chập điện rất cao. Đa số thợ lắp đặt ở các điểm sửa chữa bên ngoài thường đấu nối dây thủ công nên dễ làm hở các điểm đấu nối, mạch điện, gây chập điện, cháy dây điện và cháy xe. Việc lắp thêm đèn, còi cũng làm ảnh hưởng tới tính năng chịu tải của hệ thống điện trên xe, dễ gây chập điện, cháy, nổ xe. Đặc biệt là khi lắp thêm hệ thống đèn xenon như trường hợp của anh Điệp nguy cơ cháy xe rất cao, bởi riêng nguồn điện để kích cho cụm balap hoạt động rất lớn, xe hoạt động lâu sẽ dễ cháy...”.

 

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Quản lý Head Honda trên đường Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội, khuyến cáo, để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, chập điện thì các chủ ô tô, xe máy nên tuân thủ khuyến cáo của nhà sản xuất là giữ nguyên thiết kế, không lắp thêm đèn nháy và các thiết bị  ngoài luồng vào xe. Đặc biệt lưu ý là không được đấu nối dây dẫn điện vào các đường điện của xe (câu điện). Khi xe vận hành lâu trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, nhiệt độ trong khoang động cơ luôn rất cao, vì thế những xe lắp thêm các linh kiện, “đồ chơi” như: đèn xenon, sương mù, hệ thống âm thanh... càng dễ cháy, chập điện. Cũng theo anh Hùng, đã có những trường hợp xe tự bốc cháy khi chủ xe đã cất xe vào nhà, nhưng khi bật ổ khóa điện để mở yên thì xe bốc khói bởi chập điện ở các điểm đấu nối, trong khi đó động cơ, pô xe, dây dẫn vẫn có nhiệt độ rất cao, gặp tia lửa điện nên dễ dàng bắt lửa...

 

Một vụ cháy xe do chập điện trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Những loại đồ chơi, phụ kiện có liên quan trực tiếp đến hệ thống điện như: đèn, còi, thiết bị điều khiển, chống trộm... luôn có nguy cơ cháy, chập điện rất cao

 

Tân trang, nâng cấp, “độ” hệ thống âm thanh, ánh sáng luôn là các trang bị được chủ xe ưu tiên hàng đầu. Nhưng khi lắp các thiết bị trên thì phải can thiệp vào hệ thống điện của xe, thậm chí phá hoàn toàn kết cấu điện ban đầu của nhà sản xuất. Khi lắp hệ thống âm thanh, toàn bộ phần cốp sau sẽ trưng dụng để đặt bộ kích âm thanh (Super Bass), các loa nguyên bản sẽ được tháo ra và thay vào đó là loa công suất lớn. Những xe độ âm thanh, hình ảnh thường sẽ phải tháo tung phần nội thất ra để đi lại đường điện và chỉ cần một sai sót nhỏ, nguy cơ mất an toàn rất lớn. Theo các chuyên gia kỹ thuật, chủ xe độ âm thanh, hình ảnh đa số là chạy theo mốt chứ không phải là lắp âm thanh càng “khủng” thì nghe càng hay. Một dàn âm thanh hay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: đầu phát, loa tiếng, bộ tăng âm, loa sub, dây dẫn... Ngoài nguy cơ gây cháy chập, khi lắp dàn âm thanh công suất quá lớn sẽ làm cho người lái mất tập trung quan sát, các phản xạ chậm lại và không thể nghe thấy tín hiệu còi, đèn của các xe khác cùng lưu thông trên đường, dễ gây tai nạn cho bản thân và người tham gia giao thông khác.

 

PGS, TS Nguyễn Khắc Trai, giảng viên Bộ môn Ôtô - Khoa Cơ khí động lực, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Hệ thống điện trên ôtô đời mới đều được thiết kế rất an toàn nên nguy cơ cháy chập gần như không có. Chập điện thường xảy ra trong trường hợp hệ thống điện đã được sửa chữa, đấu nối không đúng kỹ thuật hoặc đấu nối ẩu. Bên cạnh đó, việc lắp đặt thêm các thiết bị điện không đúng cách cũng có thể gây ra chập cháy...”.

 

Theo Tùng Anh

GTVT