Honda liên tục bị "lên sóng" vì chuyện lùm xùm ở đại lý

Nhật Minh

(Dân trí) - Vụ việc mới đây nhất là một phụ nữ kiện đại lý ô tô Honda ở Canada sa thải cô vì cho rằng cô mặc áo quá mỏng, không phù hợp với môi trường công sở.

Honda liên tục bị lên sóng vì chuyện lùm xùm ở đại lý - 1

Caitlin Bernier, một nhân viên của đại lý ô tô Alberta Honda ở Edmonton, Canada, đã lên facebook tố đại lý này vi phạm nhân quyền khi can thiệp vô lý vào việc ăn mặc của cô. 

Theo đó, khi cô tới nơi làm việc vào ngày 11/9, vừa ngồi vào bàn thì một đồng nghiệp nữ mang chiếc áo len đến yêu cầu cô khoác vào vì cô đang mặc áo "xuyên thấu"; nếu không, hãy về nhà thay đồ. Người này nói rằng các quản lý nam ở đại lý thấy bất tiện khi cô mặc như vậy đi làm. 

Bernier đã đăng ảnh bộ quần áo cô mặc đi làm; đó là một chiếc áo thun trắng dài tay khá mỏng, nhưng không hẳn là "xuyên thấu". Tuy nhiên, có thể nhìn rõ áo lót phía trong.

Honda liên tục bị lên sóng vì chuyện lùm xùm ở đại lý - 2

Bernier cho biết, đây chính là bộ quần áo cô đã mặc hôm đi phỏng vấn và đã được đại lý tuyển dụng. Bernier nói thêm rằng chỉ vài ngày trước khi xảy ra sự việc, cô cũng đã mặc chiếc áo này đi làm và không ai nhận xét gì.

Do đó, Bernier nói sẽ không thay đồ vì thấy quần áo mình đang mặc là phù hợp. Bernier cũng cho rằng thật vô lý nếu yêu cầu cô khoác áo len bên ngoài áo thun dài tay khi mà nhiệt độ ngoài trời là hơn 20° C. 

Bernier sau đó đã nói chuyện với một phụ nữ ở phòng nhân sự và người đã nhất trí rằng áo của cô không phải kiểu "xuyên thấu" nên không sao. Tuy nhiên, Bernier bị yêu cầu lên gặp giám đốc.

Giám đốc vắng mặt ở đại lý vài giờ, nên Bernier quyết định về nhà, vì cô thấy xấu hổ và thất vọng trước tình huống này; cô cảm thấy như tất cả đồng nghiệp nam đều nhìn mình chằm chằm.

Trước khi đi, Bernier đã dặn đại lý gọi điện cho cô khi giám đốc đến, để cô quay trở lại gặp. Theo lời kể của Bernier, khi gọi điện cho cô, giám đốc đã nói rằng: “Tôi nghe nói cô ăn mặc không phù hợp tới nơi làm việc và không tuân theo quy định về trang phục hoặc đồng ý thay đồ, nên tôi cho cô nghỉ việc.”

Bernier cho biết, giám đốc thậm chí đã không thèm xem cô mặc gì và cô cảm thấy bị phân biệt đối xử. Cô cũng nói rằng trước đó mình đã từng bị các đồng nghiệp nam có những lời lẽ khiếm nhã.

Honda liên tục bị lên sóng vì chuyện lùm xùm ở đại lý - 3

Theo trang CBC News, sau khi bị sa thải, cô Bernier đã đệ đơn kiện đại lý Honda vi phạm nhân quyền. Theo hệ thống luật pháp Canada, có tới ba bộ luật chồng chéo liên quan đến vấn đề này: Luật Chuẩn mực nghề nghiệp Alberta, Thông luật Alberta và Luật Nhân quyền Alberta.

Các luật sư cho biết, nhân quyền là căn cứ luật pháp tốt nhất trong những vụ việc như thế này, và một luật sư cho biết Bernier có khả năng thắng kiện cao, nếu sự việc đúng như những gì cô kể. 

Về phần mình, đại lý cho biết họ áp dụng quy định về trang phục một cách bình đẳng và sẽ không bao giờ đuổi việc nhân viên chỉ vì một lần vi phạm.

Đại lý khẳng định đã xem xét tình huống này và tin rằng cách giải quyết như vậy là phù hợp.

Cách đây không lâu, một đại lý ô tô Honda ở Mỹ cũng bị cho "lên sóng" vì nhân viên có lời lẽ lăng mạ khách hàng.

Cụ thể, theo trang The Drive, một khách hàng có tên là Gabriel Rendon mang xe tới đại lý ô tô Northside Honda ở San Antonio, bang Texas, Mỹ, để thay dầu máy. Tại đây, nhân viên đại lý gợi ý anh nên thay cả dầu phanh, dầu hộp số và ắc-quy, nhưng anh từ chối, yêu cầu chỉ thay dầu máy.

Honda liên tục bị lên sóng vì chuyện lùm xùm ở đại lý - 4

Chi phí thay dầu máy khoảng 30-40 USD, nhưng Gabriel Rendon lại nhận hóa đơn thanh toán lên tới 480 USD. Lý do là nhân viên đại lý đã tự ý làm các công việc họ đã gợi ý trước đó.

Gabriel Rendon không chịu thanh toán vì thấy vô lý và yêu cầu đại lý trả lại nguyên vẹn tình trạng xe ban đầu, trừ phần thay dầu máy.

Dù không muốn, nhưng đại lý Northside Honda phải làm theo yêu cầu của anh. Tuy nhiên, video ghi lại cuộc trao đổi sau đó giữa hai nhân viên kỹ thuật của đại lý đã "gây bão" trên mạng.

Theo đó, một trong hai người này liên tục gọi Gabriel Rendon là tên khốn. Ngoài ra, chủ xe đã phải chờ cả tiếng mới được giao lại xe, trong khi việc thay bình ắc-quy chỉ mất vài phút.