Giảm thuế nhập khẩu - Điều kiện cần cho công nghiệp ô tô

Ngay khi thuế NK và lệ phí trước bạ ô tô giảm vào đầu năm 2014, thị trường đã xuất hiện những tín hiệu khởi sắc thể hiện qua hoạt động XNK, mua bán, giao dịch ô tô cá nhân tăng. Điều này cho thấy sự thay đổi chính sách thuế, lệ phí là điều kiện cần trong quá trình phát triển công nghiệp ô tô.

Thị trường sôi động hơn

(Ảnh: ST)

(Ảnh: ST)

Theo số liệu thống kê về kim ngạch NK xe ô tô trong một số năm gần đây, kim ngạch NK xe từ thị trường lớn nhất là Hàn Quốc giảm dần, từ các thị trường khác được hưởng thuế NK ưu đãi cũng giảm dần nhưng xe NK từ các nước ASEAN lại tăng dần. Như vậy, vấn đề cần xem xét là lộ trình giảm thuế NK ATIGA đến năm 2018 (về 0%) như thế nào cho phù hợp. Bộ Tài chính đang trao đổi với các bộ, ngành, hiệp hội có liên quan về vấn đề này để đưa ra lộ trình cắt giảm hợp lý, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, nhà sản xuất và chính sách của Nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan.

Theo những cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế NK ưu đãi đối với xe ô tô nguyên chiếc NK từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm dần từ năm 2014 - 2015 còn 50%, năm 2016 còn 40%, năm 2017 còn 30% và năm 2018 về 0%. Cùng với đó, thời gian qua, với Nghị định 23/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2011/NĐ-CP về lệ phí trước bạ, Chính phủ đã cho giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ (kể cả lái xe) chỉ còn 10% lần đầu, tăng tối đa 50% tuỳ địa phương và thống nhất 2% lần 2. Nhìn kỹ hơn vào thuế NK, theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam đã bỏ quy định về thuế NK theo CKD (nhập bộ linh kiện đầy đủ về lắp ráp thành xe hoàn chỉnh), chỉ còn thuế NK ưu đãi của xe nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng xe để khuyến khích sản xuất, lắp ráp xe trong nước.

Những điều chỉnh ấy đã góp phần giảm giá bán ô tô, kích cầu mua sắm của người dân, giúp thị trường ô tô ngay từ những ngày đầu năm 2014 đã khá sôi động. Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cho biết, lượng xe ô tô nguyên chiếc NK tháng 1-2014 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, đối với xe dưới 10 chỗ thì lượng lại giảm so với cùng kỳ nhưng trị giá lại tăng, điều này cho thấy người tiêu dùng chuyển hướng sang những loại xe có giá trị cao hơn.

Có thể nói, việc nghiên cứu và đưa ra lộ trình, thuế suất thuế NK ô tô từ thị trường ASEAN về Việt Nam là hợp lý cho cả thị trường, DN, cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Những tín hiệu vui của thị trường và người tiêu dùng khi đón nhận các chính sách thuế, phí đã cho thấy tiềm năng, cơ hội; đồng thời khẳng định, sự thay đổi chính sách thuế, phí là điều kiện cần và rất quan trọng trong chính sách, chiến lược phát triển công nghiệp ô tô.

Cần “điều kiện đủ”

Khởi sắc là thế, song, ở một phương diện khác, các chính sách thuế, nhất là giảm thuế NK, không hẳn là tin vui đối với cả cơ quan quản lý Nhà nước, ngành Thuế và các DN sản xuất ô tô nội địa khi ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cho đến nay vẫn được cho là khá non trẻ. Khi thuế suất thuế NK ô tô nguyên chiếc đang dần tiến về mốc số 0% và thời gian để tăng tốc xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đủ sức cạnh tranh với sản phẩm 100% ngoại nhập chỉ còn chưa đầy 4 năm nữa, không ít các chuyên gia đã nhận định rằng, cánh cửa cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam coi như đã đóng lại. Tuy nhiên, vẫn có những quan điểm lạc quan hơn, cho rằng nếu biết tận dụng điều kiện cần là hàng rào kỹ thuật với các chính sách thuế đang hết sức thuận lợi, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phải có điều kiện đủ, đó là Chiến lược về Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô cần được ban hành “sớm”.

Theo ông Lưu Đức Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, quy hoạch tổng thể về Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô cần phải tính toán và cân nhắc một cách thận trọng, đồng thời phải đảm bảo cho các DN còn thời gian lên kế hoạch sản xuất, phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thời gian tính cho đến khi thuế NK ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định ATIGA về 0% vào năm 2018 là rất ngắn. Chính phủ cũng như các bộ, ngành cũng đang gấp rút hoàn thiện để sớm ban hành Quy hoạch làm cơ sở xây dựng những chính sách ưu đãi đúng hướng. Đây cũng là cơ hội của các DN nội địa. Tuy nhiên, đối với ưu đãi thuế, ngoài mục tiêu khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước cũng cần phải đảm bảo tuân thủ theo cam kết WTO, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Huy nhấn mạnh thêm, việc bảo hộ sản xuất trong nước thông qua chính sách thuế NK cần thực hiện theo đúng quy định của Luật Thuế XK, Thuế NK; bảo hộ có chọn lọc, có điều kiện, có thời hạn, phù hợp với cam kết quốc tế để hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô phát triển theo đúng hướng, giảm dần sự bảo hộ thông qua lộ trình giảm thuế NK để tạo sức ép giảm giá xe xuống mức hợp lý, đồng thời tránh gia tăng lượng xe NK quá nhanh ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và nhập siêu của nền kinh tế.

Điều DN sản xuất, lắp ráp trong nước cần làm trong thời điểm hiện nay là phải chủ động nắm rõ chính sách, điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với thực tế - ông Huy nói.

Theo Hồng Vân

Báo Hải quan

Tâm lí đợi chờ