Có được đền bù khi cây gãy, đổ vào phương tiện xe cơ giới?

(Dân trí) - Sau trận giông lớn ở Hà Nội ngày 13/6 vừa qua, nhiều người dân không khỏi thắc mắc ai sẽ chịu trách nhiệm trước những thiệt hại nặng nề khi cây xanh trên phố đổ đè chết người và hư hỏng nhiều xe ôtô, xe máy...

Người dân có thể khởi kiện nếu…

Theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, vụ giông lốc “khủng khiếp” này đã khiến 140 ngôi nhà bị tốc mái, hàng chục ô tô bị hư hại nặng do cây xanh đổ đè vào, nhiều vùng như huyện Thanh Trì, Phú Xuyên mất điện. Đặc biệt, trận giông lốc tại Hà Nội ngày 13/6 mạnh cấp 8, cấp 9 khiến hàng ngàn cây xanh bật gốc, kéo theo hậu quả lớn là 2 người chết, hàng chục người bị thương.

Những con số thiệt hại này khiến dư luận đặt ra những câu hỏi lớn: Ai, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm khi cây xanh đổ đè chết người, hỏng ô tô xe máy, đè sập nhà người dân? Và đặc biệt, người dân có được bồi thường trước những thiệt hại này không? 

Cây đổ đè lên nhà dân. Ảnh: D.K
Cây đổ đè lên nhà dân. Ảnh: D.K

Hàng loạt cây lớn bật gốc sau cơn giông
Hàng loạt cây lớn bật gốc sau cơn giông dị thường giữa thủ đô

Hàng loạt cây lớn bật gốc sau cơn giông "dị thường" giữa thủ đô

Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Thanh Bình, VP luật Bảo Ngọc, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. 

Theo ông Bình, điều 626 Bộ luật Dân sự có quy định rõ về những thiệt hại do cây cối gây ra sẽ được bồi thường. Chủ sở hữu cây cối phải bồi thường thiệt hại do cây cối gãy đổ.  Trừ hai trường hợp là thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng. Như vậy, khi bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe do cây đổ, người bị thiệt hại có thể được bồi thường hoặc không, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Cụ thể, theo quan điểm của ông Bình, với một số trường hợp cây xanh đổ vào ô tô thường chủ xe đã mua bảo hiểm xe và người bồi thường hiện tại sẽ là những công ty bảo hiểm xe. Còn đối với nhà cửa bị cây xanh đổ vào như hiện nay, thực tế, chưa có ai đứng ra bồi thường.

Nếu xét về mặt lý thuyết, luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng, với những trường hợp này người dân hoàn toàn có thể khởi kiện vì có căn cứ theo luật để đòi bồi thường. Ở đây, ông Bình lý giải thêm, nếu xét ở góc độ pháp luật người dân thủ đô bị thiệt hại còn có thể khởi kiện cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp.

Nhưng… không dễ “đòi bồi thường”

Lý giải về điều này, ông Bình nhấn mạnh: “Cần phải hiểu rằng, trong trường hợp cụ thể cây cối đổ vào ô tô, nhà dân thì trách nhiệm bồi thường thuộc chủ sỡ hữu của cây này tức là nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra nếu đòi bồi thường từ “nhà nước” thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp lại là một câu chuyện không đơn giản. Trước đây từng có vụ việc tương tự nhưng công ty cây xanh lại chỉ là người quản lý chứ không phải chủ sở hữu nên không thể bắt cơ quan này bồi thường. Cái khó ở đây chính là do quy định chưa rõ ràng dẫn đến còn có sự tranh cãi giữa chủ sở hữu và đơn vị quản lý”. 

Bên cạnh đó, trước một câu hỏi khác được nhiều người đặt ra đó là, nếu xảy ra chết người do cây đổ, cột điện đổ thì có thể khởi tố hình sự được không? Và nếu được, chủ thể chịu trách nhiệm hình sự cụ thể ở đây là ai? 

Trước câu hỏi này, Luật sư Trương Quốc Hoè, trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, trường hợp này không khởi tố được bởi ở đây, việc đổ cây hay đổ cột điện nếu gây chết người là do thiên tai chứ không phải do lỗi cố ý của con người.

Cây đổ đè lê các hàng quán. Ảnh: Quang Phong
Cây đổ đè lên các nhà cửa, hàng quán. Ảnh: Quang Phong

Luật sư Hoè phân tích, việc quy trách nhiệm chủ sở hữu cây xanh ở Bộ luật Dân sự hiện nay không dễ để cho người dân khởi kiện vì chủ sở hữu không phải là một đối tượng, đơn vị cụ thể. Nếu trong trường hợp cây nhà ông A đổ vào nhà ông B gây thiệt hại thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác và có thể truy cứu trách nhiệm vì chủ sở hữu đã được xác định cụ thể. Nhưng ở đây khái niệm “nhà nước” quá rộng để người dân đòi bồi thường.

Ông Hoè lý giải thêm, việc người dân tiến hành khởi kiện hoặc đòi bồi thường từ việc cây xanh bị đổ gây thiệt hại là rất khó vì thực tế như cơn giông ngày 13/6 vừa qua sẽ được xếp vào trường hợp thiên tai là trường hợp bất khả kháng, không có căn cứ để cho rằng các cơ quan hữu quan đã thiếu trách nhiệm.

Trước thực trạng có luật liên quan đến bồi thường khi cây xanh gẫy đổ gây thiệt hại cho người dân nhưng khi thực thi lại rất khó vì đến nay Bộ luật Dân sự sửa đổi hiện vẫn đang được Quốc hội xem xét, thảo luận, luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng, chỉ khi nào bổ sung một số điểm cụ thể hơn nữa về khái niệm chủ sở hữu cây xanh trên đường phố, người dân mới có thể đòi bồi thường.

Đồng quan điểm này, luật sư Trương Quốc Hoè nhận định, đến thời điểm hiện tại, để đòi bồi thường từ thiệt hại liên quan đến cây xanh gãy đổ, người dân chỉ còn cách chờ Bộ luật Dân sự bổ sung, sửa đổi mới có thể khởi kiện nếu cần. Còn ở thời điểm hiện tại, về mặt căn cứ pháp luật có khởi kiện cũng không dễ thực thi.

Xuân Ngọc